Nông nghiệp đô thị TPHCM có gì, cần gì?

30/03/2023 - 06:06

PNO - Nếu sử dụng quỹ đất một cách khoa học, nghề nông vẫn thu được lợi nhuận cao.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM, nếu sử dụng quỹ đất một cách khoa học, nghề nông vẫn thu được lợi nhuận cao. Dưới đây là ý kiến của một số chuyên gia, nhà quản lý về những khó khăn cũng như hướng đi cho nông nghiệp đô thị TPHCM.

Tạo ra nhiều giống con, giống cây tiềm năng

Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM đã nghiên cứu, đánh giá, chọn lọc và tạo ra nhiều giống mới được công bố trong các hội nghị, hội thảo chuyên ngành về cây giống như lan, dưa lưới, cà chua bi… Các giống mới này thích nghi tốt với điều kiện khí hậu nóng ẩm, ít bệnh, năng suất cao, dễ tiêu thụ, góp phần khắc phục tình trạng phụ thuộc nguồn giống nhập khẩu. Mỗi năm, trung tâm cung cấp trên 100.000 hạt giống dưa lưới cho các công ty lớn. 

TPHCM phát triển khu nông nghiệp công nghệ cao hướng đến mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao để phát triển nông nghiệp đô thị và nông nghiệp thông minh. Ảnh chụp tại khu nông nghiệp công nghệ cao TPHCM - ảnh: Nguyên Mạnh
TPHCM phát triển khu nông nghiệp công nghệ cao hướng đến mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao để phát triển nông nghiệp đô thị và nông nghiệp thông minh. Ảnh chụp tại khu nông nghiệp công nghệ cao TPHCM - (ảnh: Nguyên Mạnh)

Về thủy sản, trung tâm có 10 bộ giống cá kiểng, ứng dụng công nghệ cao trong chuyển gen tạo các dòng cá phát sáng phục vụ mục đích giải trí. Gần đây, trung tâm còn bảo quản tinh trùng cá thần tiên thành công để lai tạo giống mới, nghiên cứu về stress môi trường đối với cá ngựa vằn để ứng dụng cho các loài thủy sản liên quan. 

Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM đang hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết về hỗ trợ phát triển việc sản xuất giống phục vụ cho việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp TPHCM giai đoạn 2022-2030, đồng thời đẩy mạnh việc chuyển giao kết quả nghiên cứu cho các doanh nghiệp, tăng cường tiếp cận các sàn giao dịch công nghệ lĩnh vực nông nghiệp nhằm xúc tiến hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước. 

Tiến sĩ Hà Thị Loan - Phó giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM

Nông nghiệp số là xu hướng tất yếu 

Nông nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng dù chỉ chiếm dưới 1% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TPHCM. Để nông nghiệp TPHCM tiếp tục phát triển, cần thực hiện nông nghiệp số. 

Nông nghiệp số là sự kết hợp không ranh giới giữa công nghiệp 4.0 với công nghệ vật lý, công nghệ sinh học và công nghệ quản lý. Nông nghiệp số có nhiều lợi ích như tạo ra sự liên tục trong sản xuất, kinh doanh, giúp nông dân tăng năng suất và chất lượng, tiết kiệm nguồn lực, chi phí; tăng hiệu quả giám sát, đảm bảo quá trình sản xuất liên tục; ít lệ thuộc thời gian, thời tiết; kết nối hữu hiệu với khách hàng, tăng chuỗi giá trị thực phẩm nông sản; các giao dịch mua bán minh bạch, tạo nhiều cơ hội cho người dùng lựa chọn sản phẩm tốt, ngon. Nông nghiệp số là xu hướng tất yếu trên thế giới. Giá trị toàn cầu về thị trường nông nghiệp số đạt 16,7 tỉ USD năm 2019 và dự kiến đạt 29,2 tỉ USD năm 2027. 

Hiện nay, sản phẩm nông nghiệp thường do mối lái thu mua tại vườn, nông dân chưa trực tiếp bán cho người tiêu dùng, sản phẩm thiếu xuất xứ, thương hiệu nên có giá trị thấp hơn so với giá trị sản xuất thực tế. Nông nghiệp số sẽ giải quyết hết những khó khăn này. 

Hiện TPHCM là địa phương đầu tiên trên cả nước công bố chương trình chuyển đổi số và trong 10 ngành ưu tiên chuyển đổi số, có nông nghiệp. So với các địa phương khác, TPHCM có nhiều thuận lợi và tiềm năng do có nhiều trường đại học, viện nghiên cứu về lĩnh vực nông nghiệp. Các đơn vị này đã thực hiện nhiều đề tài và ứng dụng có kết quả vào thực tế, nhất là trong công tác cải tạo giống cây và giống con cho thị trường khu vực. TPHCM là địa phương đi đầu cả nước về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. 

Phó giáo sư, tiến sĩ Dương Hoa Xô Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật TPHCM

Nhà đầu tư chưa mặn mà với nông nghiệp 

Hiện nay, giá trị sản xuất nông nghiệp chỉ đạt từ 500-800 triệu đồng/ha, thấp hơn hàng trăm lần giá trị sản xuất công nghiệp. Quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh, đất nông nghiệp bị thu hẹp, chia cắt trong khi muốn làm nông nghiệp công nghệ cao, cần có mặt bằng lớn, vốn nhiều. Điều này khiến các doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư. 

Các quy định về quản lý đất đai, xây dựng công trình sản xuất đang gây khó cho người đầu tư. Năm 2020, UBND TPHCM thí điểm cho phép xây dựng các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp và phi nông nghiệp ở các huyện Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè nhưng vướng nhiều quy định nên chưa thu hút nhiều dự án. Các công trình phục vụ cho việc sản xuất nông nghiệp cần được xây dựng trên đất nông nghiệp, nhưng chúng lại không được cấp phép xây dựng theo Luật Xây dựng và Luật Đất đai. Muốn có các công trình phụ trợ thì phải xây dựng tương đương nhà cấp 4, dưới 1.000m2 và vốn đầu tư dưới 15 tỉ đồng, muốn có công trình phụ trợ lớn hơn thì phải xin chuyển đổi mục đích sử dụng. 

Việc quản lý chất lượng sản phẩm nông nghiệp còn nhiều bất cập. Sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao có giá bán chưa tương xứng với giá trị của sản phẩm nên chưa kích thích đầu tư. Nhiều doanh nghiệp và nông dân không làm đúng thỏa thuận đã ký kết khi thị trường có biến động về giá cả nên chuỗi liên kết không bền vững. 

Người dân, doanh nghiệp không có tài sản thế chấp hoặc chưa xây dựng phương án khả thi nên chưa tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi; nếu có tài sản thế chấp là đất nông nghiệp thì thường bị định giá thấp. Chất lượng, giá cây con, cây giống chưa thể cạnh tranh với các giống ngoại nhập; chưa có quy trình nhân giống, quy chuẩn, tiêu chuẩn cho từng loại giống cụ thể nên chất lượng giống chưa cao, nhất là giống cấy mô. 

TPHCM được phân bổ diện tích đất nông nghiệp đến năm 2030 là 89.612ha, trong đó có 4.105ha đất trồng lúa, 35.521ha đất rừng, gồm 34.520ha đất rừng phòng hộ, 209ha đất rừng đặc dụng và 792ha đất rừng sản xuất. Như vậy, diện tích đất nông nghiệp còn lớn. Nếu sử dụng diện tích này một cách khoa học và hiệu quả thì đóng góp của nông nghiệp cho nền kinh tế TPHCM vẫn đáng kể.

Ngoài ra, ở các khu vực có tỉ lệ đô thị hóa cao, có thể phát triển các mô hình nông nghiệp đô thị, nông nghiệp tầng cao (trên nóc nhà, ban công các tòa nhà, chung cư). Tất nhiên, việc sản xuất sẽ phải ứng dụng công nghệ cao, theo hướng hữu cơ.

Ông Đinh Minh Hiệp - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM

Hoa Lài (ghi)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI