Niềm vui của cô gái gác đường tàu

18/02/2022 - 06:45

PNO - “Mỗi lần nghe còi tàu là em vui lắm, vì cứ tưởng như chuẩn bị được lên tàu trở về quê” - gác chắn đường tàu gần 20 năm Nguyễn Thị Phượng tìm thấy hạnh phúc giản dị.

“Ăn chửi nhiệt tình”!

Nhắc lại vụ tai nạn đường sắt năm ngoái, cô gái quê Ninh Bình Nguyễn Thị Luyến, 34 tuổi, vẫn chưa hết bàng hoàng. Vào nghề được bốn năm thì năm thứ ba cô chứng kiến vụ tự tử trước mặt mình vào tháng 11/2021. Khi nhân viên tại điểm gác Lê Văn Sỹ, Km: 1725+142, đã kéo chắn an toàn thì từ trong dòng xe cộ, nạn nhân bất ngờ lao ra khi đoàn tàu lao tới. “Em bị ám ảnh mấy tháng giời với hình ảnh cuối cùng của người phụ nữ vừa nói điện thoại, vừa khóc rồi lao vào đầu tàu” - Luyến kể. Giờ cứ thấy người đi bộ hay những người lớn tuổi lơ ngơ đến gần đường ray là Luyến tìm cách đưa họ ra xa. 

Làm nghề gác đường ngang, theo Luyến, còn rất sợ những lúc đường đông người và phương tiện. “Ôi chúng em thường xuyên phải “ăn” chửi nhiệt tình. Chả biết họ đi đâu mà vội thế. Nhiều người dỡ cả chắn để chui qua. Họ quá coi thường tính mạng” - Luyến cười buồn. Và những bóng hồng như cô thì cũng chẳng hiếm khi bị người qua đường chọc ghẹo, nhất là làm ca đêm - từ 18g đến 6g sáng hôm sau: “Em ơi đứng đón tàu làm chi, đêm hôm đứng chờ tàu làm gì”. Bông đùa nhưng khéo cũng làm người ta tủi thân. 

Luyến tâm sự, cô có con trai bảy tuổi. Do hoàn cảnh còn khó khăn nên phải gửi con cho ông bà ngoại ở quê. Chồng cô làm nghề xây dựng ở tận Bạc Liêu. Còn Luyến tạm trú trong khu nhà tập thể dành cho nhân viên của Công ty cổ phần Đường sắt Sài Gòn. Công ty chỉ cho người độc thân ở, còn nếu có chồng con, gia đình, thì phải ra ngoài. “Nguyện vọng của em là được công ty tạo điều kiện cho thuê lại nhà tập thể với giá thấp” - Luyến nói.

“Nay là ngày tình nhân á, thảo nào…”

Vừa xong chương trình phổ thông, Nguyễn Thị Phượng, 37 tuổi, rời quê Hà Tĩnh vào TP.HCM tìm việc. Được người thân giới thiệu, cô bước vào nghề gác chắn đường ngang, chả mấy chốc đã ngót 18 năm. Trong ngần ấy năm, Phượng về quê đúng một lần vào năm 2010, chính là lúc lấy chồng. Ông xã Phượng cũng làm công nhân đầu máy chung công ty. 

Do đặc thù công việc, lễ tết lại là thời điểm mà họ phải tập trung tối đa vào nhiệm vụ nhằm đáp ứng nhu cầu tăng chuyến của ngành. “Muốn về thăm gia đình thì chỉ có thể xin nghỉ phép vào ngày thường bởi lễ tết là cao điểm. Một khó khăn nữa với phụ nữ trong công việc này là thường xuyên bỏ chồng con vào đêm hôm. Nhiều đồng nghiệp của em cứ lấy chồng một thời gian là phải bỏ việc. Em may mắn có anh ấy đồng cảm, hiểu cho nên mới gắn bó đến giờ này” - cô chia sẻ.

Do đặc thù nên phần đông các cô thường lấy người trong ngành. Nghe đến phần tỷ tê này tôi bèn nhắc hôm nay là ngày 14/2. Mắt Phượng mở to: “Ối, em còn không nhớ hôm nay là ngày tình nhân luôn ý. Thảo nào sáng đi làm thấy người ta bán hoa nhiều thế… Ôi vậy là lại sắp tới 8/3 nữa”. Như chợt nhớ ra điều gì đó rất vui, cô hí hoáy nhắn tin và cười: “À em nhắn cho ông xã bảo chiều nay đi đâu nhé”. Vài giây sau gương mặt cô gái càng tươi hơn khi điện thoại có tin nhắn trả lời.

Nữ công nhân gác đường ngang Nguyễn Thị Phượng đang làm nhiệm vụ thường nhật của mình tại điểm chắn Nam Bà Xếp, Km: 1725+575  (TP.HCM) - ẢNH: QUỐC NGỌC
Nữ công nhân gác đường ngang Nguyễn Thị Phượng đang làm nhiệm vụ thường nhật của mình tại điểm chắn Nam Bà Xếp, Km: 1725+575 (TP.HCM) - Ảnh: Quốc Ngọc

Câu chuyện của chúng tôi bị gián đoạn bởi tiếng chuông báo hiệu cất lên cùng đèn đỏ vàng chớp nháy. Lệnh phát ra oang oang từ điện thoại: “Xin đường 15, chạy 20, SE22 đầu máy 930”. 20 phút nữa có tàu chạy qua và nhân viên trực sẵn sàng kéo chắn. Có khoảng bảy chuyến tàu vào ca ban ngày và mười chuyến ca đêm. Điểm chắn Bắc và Nam Bà Xếp, Km: 1725+575, nơi Phượng đang làm việc, gần đây mới có nữ, vì trước đây dòng kênh Nhiêu Lộc còn khá ô nhiễm và tệ nạn xã hội cũng khá phức tạp. “Mỗi lần nghe còi tàu là em vui lắm, vì cứ tưởng như chuẩn bị được lên tàu trở về quê” - gác chắn đường tàu gần 20 năm Nguyễn Thị Phượng tìm thấy hạnh phúc quá đỗi giản dị.

Theo ông Nguyễn Đình Đảng - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Đường sắt Sài Gòn - trên toàn tuyến từ ga Sài Gòn đến ga Mương Mán (Bình Thuận) do đơn vị quản lý, có tất cả 62 điểm gác chắn đường ngang với 63 nhà chắn cho nhân viên. Trong tổng số 260 công nhân gác đường ngang, có đến 152 nữ, trong đó có 139 người trực tiếp gác chắn. “Đây là nghề được xếp là lao động loại IV, độc hại nên có nhiều ưu tiên như được nghỉ hưu trước 5 năm so với quy định chung. Ngoài ra, đối với lao động nữ, công ty quan tâm làm tốt công tác thi đua khen thưởng như động viên, khuyến khích chị em 500.000 đồng/người nhân dịp 8/3, 1 triệu đồng/người vào 20/10 và tặng thêm mỗi người một bộ áo dài” - ông Đảng cho biết.

Nữ gác chắn đường ngang được trang bị bảo hộ lao động, mỗi năm được cấp hai bộ đồng phục và thu nhập bình quân 7 - 8 triệu đồng/tháng. Do công việc cần túc trực nên công ty quy thành tiền để trả cho chị em khi họ làm mẹ… Công ty cũng nỗ lực cải thiện điều kiện làm việc cho lao động nữ. Tất cả nhà chắn đều có buồng vệ sinh riêng, trang bị hệ thống camera quan sát trong, ngoài. “Chúng tôi cũng dần thay thế loại chắn cần bằng chắn có bánh xe kéo để chị em làm việc nhẹ nhàng, giảm cực nhọc và tăng mức độ an toàn hơn cho chị em, cũng như người và phương tiện tham gia giao thông” - ông Đảng nói. 

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI