Giữa lòng địch những “đóa hoa” vẫn nở

01/05/2025 - 06:47

PNO - Trước thềm kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, chúng tôi có dịp gặp lại 2 người phụ nữ kiên trung đã âm thầm góp sức cho ngày toàn thắng. Đó là nữ điệp báo Sáu Thảo - người từng 2 lần vào “hang hùm” và bà Phương Tần - lớn lên trong “vùng lõm” dưới cái bóng cách mạng của “người mẹ Bàn Cờ”.

2 lần vào tù vẫn giữ trọn khí tiết

Tháng Tư lịch sử mang theo bao nhiêu hồi ức trong tâm trí nữ anh hùng điệp báo Nguyễn Thị Thảo - bí danh Sáu Thảo. Ở tuổi 85, bà Sáu Thảo vẫn minh mẫn khi kể về những năm tháng đảm nhận nhiệm vụ cam go của Ban An ninh khu Sài Gòn - Gia Định, tiền thân của lực lượng Công an TPHCM ngày nay.

Bà Sáu Thảo cho biết, cha mẹ bà vốn là cơ sở của phong trào Việt Minh, mẹ và 3 anh trai hy sinh, bà chịu cảnh mồ côi mẹ khi mới 4 tuổi. 10 tuổi, bà được các cô chú nhờ chuyển thư. Năm 16 tuổi, thấy bà nhanh nhẹn, tổ chức giao nhiệm vụ làm điểm liên lạc tại Sài Gòn để nắm bắt tình hình binh lính, vũ khí địch, vận động trai làng tòng quân.

Tuổi 85, bà Sáu Thảo vẫn còn minh mẫn, nhớ rất rõ từng giai đoạn cuộc đời mình
Tuổi 85, bà Sáu Thảo vẫn còn minh mẫn, nhớ rất rõ từng giai đoạn cuộc đời mình

Để tránh bị phát hiện sau nhiều lần đồn địch bị đánh, bà thoát ly vào vùng giải phóng, làm nhiều công việc như văn thư cho Tỉnh ủy Thủ Dầu Một, văn phòng, kiêm công tác đoàn thể ở chiến khu D, rồi được cử đi học trinh sát. Năm 1967, bà được phân công về Ban Điệp báo An ninh miền Nam, đảm nhận nhiệm vụ giao liên điệp báo, mở đường liên lạc bí mật vào Sài Gòn. Đây là giai đoạn gian nan nhất, bởi bà được bố trí làm việc độc lập. Nhưng việc gì được tổ chức giao bà cũng hoàn thành.

Trong một lần vào Sài Gòn móc nối lập cơ sở, bà bị địch phát hiện. Trong tình thế nguy cấp, bà đã nhanh trí đóng vai “vợ lính” rồi tìm cơ hội nhai nuốt tài liệu. Tuy nhiên, bà vẫn bị bắt với tờ căn cước giả. Trong trại giam, dù bị tra tấn dã man, bà vẫn kiên quyết không khai báo. Sau 6 tháng bị giam cầm và chịu đựng cực hình, bà được trả tự do. Với sự giúp đỡ của những người yêu nước, bà đã trở về căn cứ để điều trị và tiếp tục chiến đấu.

Đến năm 1971, bà Sáu Thảo lại bị địch bắt khi đang trên đường từ Hồng Ngự về Sài Gòn để tìm cách hoán đổi một cán bộ bị bắt giữ. Vẫn phải chịu đựng những trận đòn roi vô cùng dã man, nhưng ý chí của bà không hề lay chuyển. Cuối cùng, địch bất lực và phải thả bà.

Từ năm 1972 đến ngày 30/4/1975 lịch sử, bà được giao làm nhiệm vụ điệp báo, xây dựng đường lối đánh địch. Từ 2 cơ sở cách mạng được giao, bà tiếp tục xây dựng, phát triển thêm lực lượng là những người có học vấn, nghề nghiệp tương ứng nhằm tìm cách thu thập thông tin từ các cơ quan trọng yếu của địch tại Tổng nha Cảnh sát, Nha đô thành Sài Gòn, Tòa đại sứ Mỹ, Nha Điện toán, Tổng ủy Dân vận chiêu hồi… Những thông tin tình báo quý giá mà bà thu thập được đã góp phần quan trọng vào việc đánh giá tình hình, hoạch định chiến lược và tiến tới thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến.

Trong hồi ức ngày giải phóng, bà vẫn còn nhớ rõ cảnh tượng binh lính địch buông súng, vứt bỏ quân phục, giày dép, tay phất áo trắng xin đầu hàng, kéo nhau xuống chợ Bến Thành. Sau 17g, khi quay về Nha Đô thành, bà thấy người dân hân hoan chuẩn bị bánh mì chả lụa cho bộ đội ăn.

Nhìn lại chặng đường đã qua, bà Thảo chia sẻ: “Tôi cảm thấy vô cùng sung sướng vì sau bao nhiệm vụ khó khăn, các tổ chức và lực lượng mà mình xây dựng không ai bị lộ. Tổ chức của tôi lúc bấy giờ có khoảng 60 người. Trong đó, lực lượng đánh vào lòng địch khoảng 20 người, còn lại là giao liên công khai, giao liên có súng”.

Sau ngày giải phóng, bà Sáu Thảo được giao nhiệm vụ chỉ huy đội công tác chống phản động trong tôn giáo rồi lần lượt giữ nhiều vị trí quan trọng trong lực lượng an ninh, Công an TPHCM. Bà được phong tặng Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân năm 1998 vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Bà tâm tình: “50 năm đã đi qua, chỉ mong đất nước có cuộc sống bình yên. Hôm qua có thể cơm chưa đủ no thì hôm nay ráng làm để có bữa cơm no, rồi tiến đến những bữa ăn ngon. Đất nước cần những bước đi vững chắc, để đảm bảo cuộc sống người dân được ấm no, đất nước ngày càng phát triển”.

May cờ giải phóng giữa Bàn Cờ

Tháng Tư, Sài Gòn rực rỡ cờ hoa. Trong không khí hân hoan kỷ niệm những ngày lịch sử, bà Nguyễn Thị Phương Tần nhớ lại tuổi thơ sống trong “vùng lõm” Bàn Cờ. Căn nhà nhỏ trên đường Cao Thắng (quận 3), nơi bà ở cùng mẹ - người mẹ Bàn Cờ kiên trung Trần Thị Ngọc Sương - giờ đây đã trở thành Di tích lịch sử cấp quốc gia mang tên Cơ sở Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam Bộ.

In đậm trong ký ức của cô bé Phương Tần mới 5-6 tuổi là những lời mẹ dặn dò tỉ mỉ, nghiêm khắc để đối phó với mọi sự dò xét của kẻ thù “nếu có ai hỏi về gia đình thì cứ nói “ba đi theo vợ bé, các anh đi về quê ở Mỹ Tho”.

Bà Phương Tần nhớ tuổi thơ và cảm thấy tự hào khi được sống trong “vùng lõm” chính trị Bàn Cờ
Bà Phương Tần nhớ tuổi thơ và cảm thấy tự hào khi được sống trong “vùng lõm” chính trị Bàn Cờ

Khi căn nhà của mẹ con bà trở thành điểm nuôi giấu cán bộ cách mạng với những người con ưu tú của dân tộc như Lê Thị Riêng, Nguyễn Thị Chơn… thì cô bé Phương Tần đã trở thành một mắt xích quan trọng. Bà thường được mẹ nhờ mang cơm, tài liệu lên gác xép cho các cô đang ẩn náu trong nhà mình. Đó là một căn gác nhỏ nằm sau vách tường với lối vào chật hẹp, chỉ vừa một người đi nép mình. Nếu bị động, các chiến sĩ cách mạng sẽ nhanh chóng trèo qua nhà hàng xóm, cũng là cơ sở cách mạng. Mỗi lần mẹ và các dì họp hành, Phương Tần được giao nhiệm vụ cảnh giới.

Căn nhà nhỏ của bà còn là nơi bí mật chôn giấu vũ khí. Trong bóng đêm, mấy mẹ con bà thay nhau đào một hầm nhỏ, rộng chưa tới 1m, ngay trong gian bếp. Sau đó, những khẩu súng được bọc nhiều lớp ni lông màu đen và chôn sâu dưới đất, tráng xi măng và lát gạch. Tất cả đã trở thành ký ức sâu đậm trong tuổi thơ của bà.

Suốt những năm tháng tuổi thơ, bà Phương Tần chứng kiến gia đình mình thường xuyên có người lạ đến, ở lại hoạt động trong nhiều vỏ bọc. Nhắc đến đây, bà nhớ lại việc cùng bà Đoàn Lê Phong ngụy trang thành người đi chợ phát truyền đơn. Phát được hơn nửa giờ thì bị lộ. Địch không nghi ngờ đứa trẻ nhưng nghi ngờ gia đình bà. Chúng kéo đến nhà, thấy bà Phong thì liền quy chụp tội. Bà nội của Phương Tần phải giả vờ la mắng, bịa chuyện bà Phong hồi nhỏ bị té giếng nên giờ bị khùng khùng, được gửi lên ở nhà này để rửa chén, lau nhà. Bà Phong cũng giả ngơ ngác để tránh sự nghi ngờ.

Đến năm 1975, khi đã là thiếu nữ 16 tuổi, Phương Tần cùng mẹ và chị gái may cờ giải phóng. Hoạt động diễn ra bí mật vào ban đêm. Với lợi thế là cơ sở may gia công nên trong nhà luôn có nhiều vải, vải nhiều màu. Mẹ con bà Phương Tần đã khéo léo may những mảnh vải màu xanh, đỏ, vàng thành cờ giải phóng và đem đi cất giấu ở các địa điểm. Gia đình bà còn giả bán tạp hóa để ngụy trang cho việc vận chuyển tài liệu, vũ khí vào nội thành.

Trở lại với không khí của những ngày giải phóng, bà Phương Tần nhớ như in: sáng sớm ngày 29/4, bầu trời trong xanh, không khí trong xóm Bàn Cờ im ắng đến lạ thường, tiếng súng từ xa vọng lại. Rồi tiếng súng ngày càng dồn dập, có cả tiếng pháo, mọi người đều rút vào trong nhà. Khoảng 8g ngày 30/4, bọn lính bắt đầu tháo chạy.

Đến trưa thì ti vi phát tin Dương Văn Minh đầu hàng, tiếng súng cũng im hẳn. Cả gia đình nghe theo lời dặn của ba bà là ở trong nhà để đảm bảo an toàn. Đến tối thì ba bà trở về, cả nhà đoàn tụ.

Sau ngày giải phóng, bà tham gia Đội tuyên truyền quân giải phóng thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, tập hát các bài hát cách mạng, đi biểu diễn và tuyên truyền để nhiều người hiểu rõ hơn về cách mạng. Sau đó, bà đi học và về công tác tại chuyên khoa nhi sơ sinh Bệnh viện Từ Dũ, được 30 năm thì về hưu.

Thiên Ân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI