Nhặt “sạn” sách Luyện tập tin học 1

25/09/2020 - 07:29

PNO - Hiện nay, theo chủ trương của ngành giáo dục, học sinh tiểu học được học môn tin học là môn tự chọn từ lớp Một. Nhiều trường tại TP.HCM đang sử dụng sách Luyện tập tin học 1 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam như tài liệu chính thức để dạy môn học này. Tuy nhiên, dù đã tái bản nhiều lần, cuốn sách này vẫn còn nhiều lỗi.

Lỗi đầu tiên của cuốn sách nằm ở trang 7 với phần giới thiệu: “Máy tính gồm có nhiều thành phần riêng biệt… Thùng điều khiển (CPU): chính là bộ não của máy tính”. Thùng điều khiển như hình minh họa kèm theo chỉ có ở các máy vi tính để bàn (desktop) và được gọi là “case” (nghĩa là vỏ, bọc) chứ không phải là “CPU”. CPU (central processing unit) là bộ phận quan trọng của máy tính được gắn lên bản mạch chủ (mainboard) và đóng vai trò là bộ xử lý trung tâm, hay còn được xem là “bộ não” của máy tính. Mainboard có thể được gắn bên trong vỏ máy tính (case) hoặc đặt bên ngoài vỏ máy tính vẫn hoạt động bình thường. 

Trang 7 của sách giới thiệu sai khái niệm “CPU”
Trang 7 của sách giới thiệu sai khái niệm “CPU”

Như vậy, giới thiệu thùng điều khiển với từ viết tắt “CPU” và giải thích là bộ não của máy tính là không chính xác. Ngoài ra, “case” theo hình minh họa này chỉ có ở máy để bàn như đã đề cập, các máy tính cá nhân khác (như laptop) thì không có thùng điều khiển này. 
Liên quan khái niệm này, các tác giả cũng không chính xác khi giới thiệu ở trang 8 hình một máy tính với chú thích “máy tính cá nhân (laptop)”. Máy tính cá nhân (personal computer - PC) là từ dùng chung để gọi các máy tính phục vụ mục đích cá nhân… Laptop chỉ là một dạng của máy tính cá nhân, bên cạnh desktop như đã nói ở trên.

Trang 8 của sách giới thiệu sai khái niệm  “máy tính cá nhân”
Trang 8 của sách giới thiệu sai khái niệm “máy tính cá nhân”

Trang 11 có câu hỏi: “Chuột máy tính thông thường có bao nhiêu nút bấm?”. Câu trả lời mong muốn của tác giả có thể là hai nút bấm trái - phải. Tuy nhiên, hình minh họa cho câu hỏi kế tiếp đưa ra ba hình thì hai hình A và C mỗi chuột máy tính gồm hai nút trái - phải, nhưng hình B chuột máy tính có thêm ít nhất hai nút bên cạnh trái (thường dùng để tăng - giảm âm lượng). Vậy câu hỏi trên chưa chặt chẽ, HS lớp Một có thể trả lời sai với các minh họa này. 

Hình minh họa cho câu hỏi trang 11 với hai loại chuột máy tính có số lượng nút bấm khác nhau
Hình minh họa cho câu hỏi trang 11 với hai loại chuột máy tính có số lượng nút bấm khác nhau

Trang 12: “Chuột máy tính khi di chuyển trên màn hình máy tính có hình dạng gì?”. Chuột máy tính khi di chuyển ở đâu thì cũng mang hình dạng mà nó được sản xuất ra. Câu hỏi này có thể tác giả nhằm kiểm tra HS về sự thay đổi hình dạng của con trỏ chuột (cursor) trên màn hình máy tính. Nếu như vậy, có thể thay đổi thành: “Khi di chuyển chuột máy tính, con trỏ chuột trên màn hình máy tính có thể có những hình dạng gì?”. Như vậy, câu hỏi rõ ràng và chính xác hơn.

Câu hỏi ở trang 12  chưa rõ ràng và chính xác nội dung muốn hỏi
Câu hỏi ở trang 12 chưa rõ ràng và chính xác nội dung muốn hỏi

Ngoài ra, một nội dung hay câu hỏi không có đáp án chính xác hoàn toàn. Ví dụ, ở trang 10: “Mặt dưới của chuột máy tính có bộ phận gì?”. Câu hỏi này có nhiều đáp án khác nhau. Với chuột sử dụng bi lăn (giờ hiếm gặp) thì mặt dưới chuột là viên bi và vòng khóa bi. Chuột sử dụng công nghệ quang học thì là đèn led (thường có màu đỏ). Và với chuột sử dụng công nghệ lazer phổ biến hiện nay thì câu hỏi này có nhiều đáp án như: đèn (đèn lazer), công tắc bật tắt chuột, nắp đựng pin, thậm chí là tem bảo hành. Hoặc như trang 66 giới thiệu giao diện của phần mềm Paint với các thành phần: menu, ribbon, tiêu đề, cuộn dọc, cuộn ngang.

Đến trang 67, câu hỏi: “Khoanh tròn chữ cái trước câu phát biểu đúng” có lựa chọn D là “Thanh thước ngang nằm trên thanh ribbon”. Từ đầu đến trang 66 không thấy nội dung nào nói đến khái niệm “thanh thước ngang”. Phải chăng, các tác giả đang nhầm lẫn giữa hai khái niệm “thanh cuộn ngang” được giới thiệu ở trang 66 và một khái niệm “thanh thước ngang” nào đó?

Cuối cùng, một “hạt sạn” tuy không lớn nhưng khá nguy hiểm khi tạo thói quen không tốt cho HS, đó là ở trang 17. Các tác giả giới thiệu cách mở tập tin bằng cách nhấp đôi chuột vào tên tập tin đó. Đây là cách làm nguy hiểm mà đa số người dùng máy tính đều không sử dụng, vì nếu gặp phải tập tin chứa vi-rút máy tính, việc nhấp đôi chuột vào tập tin có thể vô tình khởi động chương trình vi-rút đó gây hại cho máy tính của người dùng. Thay vào đó, thao tác hợp lý hơn là nhấn chuột phải trên tên tập tin, chọn “Open”. Như vậy, hệ điều hành sẽ mở tập tin với đúng phần mềm mặc định được quy định cho loại tập tin đó. Cách làm này an toàn hơn cho người sử dụng.

Với một quyển sách được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông, nhất là từ lớp Một mà chứa nhiều “hạt sạn” như thế này là đáng lo. Vì trẻ em khi đã ghi nhớ một kiến thức sai thì rất khó để điều chỉnh sau này. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cần sớm xem xét chỉnh lý nội dung cho chính xác và rõ ràng hơn. Ban giám hiệu các trường cũng cần xem xét việc tiếp tục sử dụng cuốn sách này cho HS lớp Một trong năm học 2020-2021 hay không, để tránh việc cung cấp sai kiến thức cho các em. 

 Nguyễn Hữu Phát 
(giảng viên Khoa Công nghệ thông tin Trường đại học Hoa Sen)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
  • Boomba 25-09-2020 11:36:34

    Với học sinh lớp 1 mà đã cần phải học những thứ này rồi sao.
    Chúng ta có cần học sinh ai cũng đều là thần đồng?!

  • Linh Ngô 25-09-2020 10:42:26

    Hiện nay chỉ nên tập trung rèn chữ và ráp vần cho các cháu mới vào lớp 1, đâu phải các cháu đều biết đọc viết như nhau mà lại tham vọng dạy tin học cho các cháu. Sao Bộ GDĐT toàn nghĩ ra điều cao siêu để ban hành mà vô tình làm cho các cháu mệt mõi và sợ học. Chưa kể sau khi học ở trường lại bị PHHS ép đi học thêm cho theo kịp các bạn và làm vừa lòng GVCN.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI