Người Việt chi gần 15.000 tỉ đồng để mua các loại trái cây này

21/03/2025 - 13:14

PNO - Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - thông tin, trong tháng 3/2025, ước tính sơ bộ kim ngạch nhập khẩu các loại rau quả của Việt Nam đạt 172,091 triệu USD (khoảng 4.400 tỉ đồng), tăng 4,2% so với tháng trước và tăng 6,5% so với cùng kỳ.

Tính chung 3 tháng đầu năm 2025, Việt Nam đã chi 577,807 triệu USD (khoảng 14.774 tỉ đồng) để nhập khẩu rau quả, tăng mạnh 17,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Top các thị trường đứng đầu về giá trị rau quả nhập khẩu vào Việt Nam phải kể tới là Trung Quốc, Hoa Kỳ, Úc, Chile, Myanmar, Hàn Quốc, Ấn Độ, Campuchia, Thái Lan…

Cherry là một trong những loại quả nhập khẩu vào Việt Nam nhiều trong 3 tháng đầu năm nay
Cherry là một trong những loại quả nhập khẩu vào Việt Nam nhiều trong 3 tháng đầu năm nay

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM, ông Nguyên cho biết, hiện nay nho sữa (Trung Quốc), cherry (Chile), táo (Mỹ, Úc)… là những mặt hàng thị trường Việt Nam nhập khẩu mạnh nhất. Trong đó, nho sữa với lợi thế giá rẻ đã đổ bộ khắp các chợ mạng, chợ dân sinh.

Theo ông, nho sữa đã trở thành một trong những giống nho được trồng phổ biến nhất tại quốc gia tỉ dân. Đáng chú ý, trước kia chỉ có theo mùa vụ, còn nay nho sữa Trung Quốc gần như có quanh năm nhờ công nghệ canh tác và bảo quản tiên tiến.

“Ở tỉnh Quảng Đông, người dân đã phá cả cây thanh long để chuyển qua trồng nho sữa vì loại quả này có giá cao hơn (giá loại 1 thường phổ biến hơn 100.000 đồng/kg” - ông nói.

Tuy nhiên, hiện nay trên các chợ mạng và ở nhiều chợ dân sinh, nho sữa được rao bán giá chỉ vài chục ngàn đồng mỗi ký. Với mức giá này, theo ông Nguyên đây chỉ là hàng “dạt” (hàng loại 3, loại 4).

Trong khi giá trị nhập khẩu rau quả tăng thì xuất khẩu rau quả lại sụt giảm mạnh. Ước tính từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho thấy, trong 3 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu rau quả chỉ đạt 1,1 tỉ USD (khoảng 28.228 tỉ đồng), giảm 13,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguyên nhân xuất khẩu đột ngột giảm, theo ông Nguyên do sầu riêng - vốn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực bị “tắc đường” sang Trung Quốc vì vướng quy định kiểm dịch chất vàng O (một loại hóa chất bị cấm sử dụng trong thực phẩm vì có nguy cơ gây ung thư) và cadimi.

“Hiện tại, thị trường Trung Quốc vẫn kiểm tra 100% lô sầu riêng nhập khẩu vào thị trường này với dư lượng chất vàng O và cadimi. Sản phẩm từ Việt Nam xuất đi chỉ kiểm nghiệm mẫu với tỉ lệ nhất định. Khi đến cửa khẩu Trung Quốc, họ lấy mẫu xét nghiệm lại, nếu sản phẩm không đạt sẽ bị trả về. Điều này khiến cho không chỉ sầu riêng tươi, mà cả các sản phẩm đông lạnh cũng gặp khó và nhiều doanh nghiệp chưa dám tham gia thị trường” - ông chia sẻ.

Xu hướng này có thể ảnh hưởng đến mục tiêu xuất khẩu rau quả của cả năm 2025. Nếu tình trạng sụt giảm kéo dài, thậm chí kim ngạch cả năm 2025 sẽ giảm so với 2024.

Mai Ca

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI