Người thầy của thức tỉnh và thương yêu

30/06/2020 - 23:38

PNO - Ấm áp trong những giác ngộ chánh niệm luôn là cảm giác khi đọc những cuốn sách của thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Sau những cuốn sách viết cho thiếu nhi: Mỗi hơi thở một nụ cười, Con gà đẻ trứng vàng, Mẹ con sư tử, thiền sư Thích Nhất Hạnh tiếp tục có tác phẩm Trong cái KHÔNG có gì không? (vừa được nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành). Tác phẩm thuộc thể loại artbook, được minh họa rất đẹp với những bức tranh vẽ công phu của họa sĩ Vũ Xuân Hoàn. Trước khi được mua bản quyền chuyển ngữ và phát hành tại Việt Nam, tác phẩm này đã xuất bản bằng nhiều ngôn ngữ: Anh, Ý, Hàn Quốc và Tây Ban Nha.

Công ty sách Phương Nam và Nhà xuất bản Hồng Đức cũng vừa in cuốn Người thầy của tỉnh thức & thương yêu - thiền sư Thích Nhất Hạnh dưới góc nhìn của báo chí quốc tế (nhiều tác giả, Chân Tại Nghiêm và Chân Trăng Mai Thôn dịch). Ở góc độ người viết về nhân vật hay người lãnh ngộ các triết lý của thiền sư, các tác giả đều dành cho ông nhưng từ ngữ tôn vinh, kính trọng nhất. Tác giả Jo Confino (với bài viết in trên The Huffington Post) gọi thiền sư là “vị anh hùng ẩn danh” đằng sau công cuộc chống biến đổi khí hậu thế giới. Jo Confino cũng là tác giả viết nhiều bài nhất về thiền sư ở những góc nhìn: đem chánh niệm vào doanh nghiệp, Google tìm cầu tuệ giác của thiền sư Thích Nhất Hạnh, tình yêu dành cho đất mẹ…

 

Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã đi hoằng pháp khắp nơi trên thế giới. Trong tác phẩm Người thầy của tỉnh thức & thương yêu, phần phụ lục là hình ảnh thiền sư thiền hành cho hòa bình tại Paris (Pháp, 2006), pháp thoại tại Hà Lan, Singapore, Hàn Quốc, Ý, Mỹ (từ 2009-2013), hướng dẫn tập thiền tại Ngân hàng thế giới ở Washington, hướng dẫn thiền tập tại trụ sở Google, Đại học Hồng Kông trao bằng tiến sĩ danh dự cho thiền sư (2014) cùng những chuyến trở về Việt Nam của ông. 

Ấm áp trong những giác ngộ chánh niệm luôn là cảm giác khi đọc những cuốn sách của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Kể cả những trang sách dành cho thiếu nhi, thiền sư đã viết theo cách giản dị, dễ hiểu nhất cho bạn đọc nhỏ tuổi. Trong cái KHÔNG có gì không? giải thích những thắc mắc trong thế giới “trừu tượng”: Bụt là ai? Thượng đế có hình dáng ra sao? Chánh niệm là gì?... và cả những điều nhỏ bé (mà lớn lao) trong thế giới trẻ thơ: tại sao có những ngày thật đẹp mà cũng có những ngày thật tệ? Con nên làm gì mỗi khi buồn? Tại sao anh/em con luôn cáu kỉnh với con?... 

Đây là một đoạn trích thiền sư vỗ về con trẻ - nhưng có lẽ cũng cần thiết cho cả người lớn: “Làm sao con có thể thương một người có sở thích không giống mình? Thương yêu là khám phá. Càng thương ai đó, con càng khám phá thêm nhiều điều tuyệt vời về người ta. Khi ấy con có thể thưởng thức được sự khác biệt từ họ. Thế giới này sẽ rất chán nếu tất cả mọi người đều giống nhau. Ngay cả khi người đó chưa dễ thương, con vẫn có thể thực tập để thương được họ, mà không bắt họ phải thay đổi theo ý muốn của mình”.

Hai tựa sách vừa được phát hành
 

Mọi truyền tải của thiền sư đều bừng sáng trong những thông điệp nguyên lành về thức tỉnh và thương yêu. Bụt thương là như vậy đó - bài viết của tác giả Melvin McLeod (đã đăng trên tạp chí Lion’s Roar) như thay lời cho mọi cách nhìn nhận về trái tim ấm áp của vị “Sư ông” dẫn lối mọi người đến với nghệ thuật sống chánh niệm. “Chữ nghĩa in trong sách báo không sao so sánh được, không diễn tả hết được con người thật của thầy” - Melvin  McLeod viết.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa, trong lời bạt cho cuốn Người thầy của tỉnh thức & thương yêu, có chia sẻ: “Tu tập theo ông, người ta sẽ thấy trí tuệ và lòng từ bi tăng trưởng, nhờ thế mà an lạc thân tâm”. Là người đảm nhận phần minh họa 45 bức tranh cho cuốn Trong cái KHÔNG có gì không?, họa sĩ Vũ Xuân Hoàn tâm tình: “Sách nhắc đến các yếu tố Bụt, Phật, thiền hành… nên bản thân tôi cũng học được cách thả lỏng tâm trí, vẽ theo cảm nhận. Những bức tranh bằng chất liệu màu nước nhẹ nhàng, có độ loang tự nhiên, hy vọng sẽ chạm đến cảm xúc của bạn đọc”. 

Bùi Tiểu Quyên

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI