Người đẹp phá án

20/10/2018 - 07:30

PNO - Người ta gọi chị là "người đàn bà thép", là khắc tinh của tội phạm về kinh tế... nhưng hóa ra, người phụ nữ ấy vừa đẹp lại rất đỗi dịu dàng.

Sở hữu ngoại hình thu hút, có lẽ ít ai ngờ, thượng tá Trịnh Thị Hà - công tác tại Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu của Bộ Công an lại là một trinh sát, tham gia vào nhiều vụ phá án lớn.

Nguoi dep pha an
 

Người phá chuyên án Vedan xả thải 

Hơn 20 năm trong ngành công an, 11 năm làm trinh sát với hàng trăm chuyên án lớn nhỏ, có thể không quá khi gọi thượng tá Trịnh Thị Hà là “người đàn bà thép”. Thế nhưng, bên lề lễ trao Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2018 - nơi mà thượng tá Hà là một trong 10 cá nhân tiêu biểu được tôn vinh - ánh mắt chị, đôi lúc như phải cố gắng để kiềm chế sự xúc động, nghẹn ngào. Có lẽ cũng bởi, lần đầu tiên, chị được bộc bạch về một phần công việc mà mình đã theo đuổi và âm thầm cống hiến.

Sở hữu ngoại hình nổi bật, thu hút, nữ trinh sát sinh năm 1977 này là người tham gia triệt phá hàng loạt chuyên án lớn như bắt trùm buôn lậu thuốc lá biên giới Tây Nam Nguyễn Văn Tới, thu giữ hàng tấn ngà voi từ Nigeria vào Việt Nam. Thế nhưng, một trong những “trận đánh” lớn vẫn khiến chị ám ảnh tới tận bây giờ là chuyên án Vedan xả thải giết chết sông Thị Vải. 

Công ty Vedan vào Việt Nam từ năm 2002 và bắt đầu hoạt động năm 2003. Năm 2008, chị Trịnh Thị Hà nhận nhiệm vụ thâm nhập, điều tra thông tin về việc công ty này xả thải gây ô nhiễm môi trường. “Tôi tiếp cận hiện trường, loay hoay suốt 10 ngày với đủ kiểu nhập vai, từ nhà điều tra xã hội học, phóng viên, nghiên cứu thổ nhưỡng… nhưng người dân đều không tin, không mở lòng cung cấp. Phải đến khi tôi đưa thẻ ngành, thú thật mình là cán bộ công an điều tra thì người dân mới đồng ý giúp đỡ” - chị nhớ lại. 

Trong ký ức của thượng tá Trịnh Thị Hà, khi đó, hơn 10km2 trên dòng sông Thị Vải đã bị hủy diệt, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, chất thải từ nhà máy Vedan ăn mòn những mái nhà lợp bằng fibro xi măng. Người dân nơi đây vốn sống nhờ con tôm, con cá nay buộc phải lên bờ. Công ăn việc làm của người lớn không còn khiến đám trẻ con hầu hết phải bỏ học… Cảnh tượng ấy khiến chị không khỏi day dứt.  

Chị Hà cùng đồng nghiệp đã phải nằm vùng trong suốt nhiều tháng trời để theo đuổi chuyên án. Họ tìm cách tiếp cận, ghi lại hình ảnh những họng cống xả thải được giấu kỹ, ghim sâu dưới lòng sông. Những địa điểm này chỉ có thể phát hiện khi nước rút, nhưng quá trình vào, ra lại phải đợi nước lên. Bởi thế, có những khi, chị bị mắc kẹt lại gần 2 ngày.

“Luôn phải giữ bí mật công tác nên trước đây, có lẽ không ai hình dung hết được sự vất vả của chúng tôi. Mưa chiều Nam bộ đổ xuống, hai chị em toàn thân ướt nhẹp, chỉ còn duy nhất một chiếc nón nhưng phải dành để bảo vệ máy quay phim. Gần 2 ngày đêm đói rét, khó khăn lắm, người đưa thuyền chở chúng tôi mới tìm được 9 con tôm nhỏ, bỏ lên bếp dầu rang, mỗi người ăn 3 con để tiếp tục chiến đấu” - thượng tá Hà rưng rưng khi nhắc lại những kỷ niệm 10 năm trước.

Sau những ngày tháng vất vả, chị Trịnh Thị Hà và đồng nghiệp đã tìm được những bằng chứng không thể chối cãi về hành vi xả thải trực tiếp ra môi trường của Vedan. Vụ việc gây rúng động dư luận, các cấp ngành cùng vào cuộc, chị Hà trực tiếp nhận được hơn 800 lá đơn tố cáo Công ty Vedan của người dân. Toàn bộ số đơn này được chị cẩn thận thống kê thiệt hại và chuyển lên cơ quan chức năng thụ lý. Gần 1 năm sau, Vedan đã đền bù cho người thiệt hại 219 tỷ đồng.

“Đẹp thế này, làm sao đánh án?”

Nguoi dep pha an

Đó là câu hỏi vui mà không ít lần “bông hồng trinh sát” Trịnh Thị Hà nhận được trong quá trình làm việc của mình. Còn theo chị Hà, việc đánh án không phải bằng thể lực, vũ lực mà bằng trí khôn. “Nhất định phải kiên cường, chịu khó, chịu khổ, cẩn trọng và chi tiết” - chị Hà nói. 

Tham gia vào nhiều “trận đánh” lớn, khi được hỏi có bao giờ cảm thấy lo lắng, sợ hãi, chị Hà gật đầu, vì theo chị, những tội phạm kinh tế “cộm cán” có thể bất chấp tính mạng để đối phó với lực lượng chức năng, do lợi nhuận thu được rất lớn. Khi phá đường dây của “trùm” thuốc lá lậu Nguyễn Văn Tới (năm 2015), chị và cộng sự từng phải đóng vai là cặp tình nhân đi câu, ngâm mình suốt nửa ngày dưới mép sông Vàm Cỏ. Muỗi cắn, ngứa ngáy nhưng họ không dám gãi, bởi chỉ cần một cái cựa mình, đối tượng phát hiện thì sẽ nguy hiểm tính mạng.

“Có lần, khi vừa bước chân xuống cầu trên sông Vàm Cỏ, chỉ trong tích tắc, có 4 chiếc xe máy lao về phía chúng tôi tấn công. Phía dưới sông, những chiếc thuyền bật đèn pha sáng quắc rọi thẳng vào mắt khiến chúng tôi loạng choạng không thấy đường. Tôi kịp kéo tay đồng nghiệp, chạy lên ô tô để thoát thân” - chị Hà kể. 

Sau những tháng ngày “nằm vùng”, chị Trịnh Thị Hà là người trực tiếp bắt giữ Nguyễn Văn Tới khi đối tượng này tiếc của, quay lại hiện trường để “cứu” hàng. Kết thúc chuyên án này, lực lượng chức năng đã thu được số tang vật “khủng”: 52.000 bao thuốc lá, 22 xe máy cùng 2 xuồng cao tốc.

Là một trong 10 cá nhân được nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2018, chị Hà đã từng ngập ngừng, phân vân khi nhận được thông báo làm hồ sơ đề nghị xét trao giải. Bởi, với nghề trinh sát, việc để lộ thân phận của mình là một điều ẩn chứa nhiều nguy hiểm. Nhưng chị nghĩ, đây là dịp tốt để truyền lửa cho các nữ trinh sát trẻ. “Tôi hy vọng nhiều phụ nữ được phát hiện tài năng, được ghi nhận sự cống hiến. Nếu phụ nữ được bố trí đúng chỗ, hợp vị trí, có môi trường làm việc tốt thì sức sáng tạo và hiệu quả không kém gì nam giới” - thượng tá Trịnh Thị Hà tâm sự. 

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI