Người chị cả của cộng đồng phụ nữ Hoa tại Tân Bình

09/09/2020 - 06:48

PNO - 68 tuổi, bà Dư Thị Kiều (P.10, Q.Tân Bình, TP.HCM) có 40 năm gắn bó với các phong trào. Thời son trẻ, bà làm bí thư Đoàn phường. Có tuổi, bà là chủ tịch Hội Phụ nữ phường. Về hưu, bà vẫn không chịu ngồi yên mà tham gia vô số công việc có ích cho cộng đồng.

Tuổi thanh xuân hăng hái

Bà Dư Thị Kiều là người gốc Hoa, sinh ra và lớn lên ở Hải Phòng. Sau ngày đất nước thống nhất, học hết lớp Mười, cô nữ thanh Dư Thị Kiều theo gia đình vào Nam sinh sống. Là chị cả trong gia đình có đến 10 anh chị em, Kiều phải sớm bước ra đời phụ cha mẹ kiếm tiền lo cho đàn em nhỏ. “Thời ấy thanh xuân hăng hái lắm. Ngoài chuyện buôn bán của gia đình, tôi tham gia sinh hoạt Đoàn ở địa phương, đi xóa mù chữ, vận động kế hoạch hóa gia đình, tăng gia sản xuất…” - bà Kiều kể.

Năng động, trẻ trung, hát hay, lại tích cực tham gia các phong trào nên Dư Thị Kiều nhanh chóng được các bạn đoàn viên thanh niên địa phương tín nhiệm bầu làm Bí thư Đoàn P.23 (bây giờ là P.10). Với vai trò đầu tàu, bà liên tục đưa phong trào thanh niên của phường giành được những kết quả tốt. Nhiều năm liền bà được phong tặng danh hiệu “Bí thư Đoàn giỏi”. Giỏi tiếng Hoa (bà từng học hết bậc tiểu học chuyên Hoa ngữ) nên bà tập hợp được nhiều thanh niên người Hoa tham gia các hoạt động. 

Chăm lo cho cộng đồng xong, bà Dư Thị Kiều lại trở về vui với chậu cây, con cá
Chăm lo cho cộng đồng xong, bà Dư Thị Kiều lại trở về vui với chậu cây, con cá

Sau gần 10 năm gắn với hoạt động Đoàn, cấp ủy phân công bà qua làm công tác Hội Phụ nữ. Với nhiều kinh nghiệm tổ chức phong trào, bà lại dốc hết tâm sức cho công tác Hội. Bà nói, thế mạnh của mình là hoạt động từ thiện và tổ chức các hoạt động văn nghệ quần chúng, nên với những hoạt động của Hội Phụ nữ phường, bà phân công, phân nhiệm chị em rất rõ ràng, người nắm tổ chức, người lo hậu cần, còn bà với vai trò hội trưởng, phải đi vận động các nhà hảo tâm, các chuyên gia giỏi để gầy dựng phong trào văn nghệ… Nhờ vậy, trong suốt 10 năm làm chủ tịch Hội LHPN phường, bà Kiều cùng những người bạn đồng hành đã đưa phong trào phụ nữ của phường lan tỏa trong cộng đồng. 

Chị Nguyễn Thị Thủy Tiên hiện là Chủ tịch Hội LHPN P.10 cho biết: “Dấu ấn của Hội LHPN P.10 trong giai đoạn dì Kiều là phong trào “Hũ gạo tình thương” và câu lạc bộ văn nghệ Tiếng Hoa Quần Thanh. Đây cũng là niềm tự hào của Hội Phụ nữ phường cho đến hôm nay. Dì Kiều rất nhạy bén, từ hoạt động nhỏ ở khu phố 5, dì phát động và xây dựng phong trào "hũ gạo tình thương" hoạt động bền bỉ hơn 10 năm qua. Hằng tháng, hũ gạo ấy hỗ trợ cho hơn 16 hộ gia đình khó khăn có cơm ăn. Câu lạc bộ Tiếng Hoa Quần Thanh không chỉ tập hợp chị em phụ nữ Hoa yêu thích văn nghệ mà với những đêm văn nghệ ca cổ Quảng Đông do câu lạc bộ tổ chức đã thu hút rất nhiều doanh nhân, nhiều người Việt gốc Hoa cùng tham dự và chung tay đóng góp cho quỹ học bổng. Tất cả đều một tay chị Kiều lèo lái”.

Bước chân chưa ngưng nghỉ

Chúng tôi đến thăm bà Dư Thị Kiều vào một buổi sáng tháng Chín, cũng là ngày rằm tháng Bảy âm lịch. Trở về sau buổi đi trao gạo từ thiện, bà Kiều loay hoay chăm chậu cá cảnh và mấy chậu hoa trong nhà. Xong việc, bà giở sổ kiểm tra lại danh sách trao quà. “Đủ hết rồi. Đây là những người đã được giúp suốt 6 năm qua, mỗi tháng 10 ký gạo và quà nếu mình xin được. Lần này có duyên, các bạn cho thêm hạt nêm, mì gói, khẩu trang. Mùa COVID khó khăn, mà có người chia sẻ là mình mừng lắm” - bà tự hào. Nhưng rồi bà lại trầm tư: “Hôm nay sức khỏe bà Nguyễn Thị Gấm ở khu phố 3 yếu quá. Bà nằm liệt một chỗ, không có người chăm nên thân thể lở loét rồi. Tôi vừa bàn với chị em thay nhau vào chăm bà ấy, nhưng vẫn chưa đủ người lo cho bà cả tuần. Khu phố 3 còn có bà Trạc A Cám khổ lắm…”. Nói về bà Kiều, bà Trạc A Cám rưng rưng: “May là cuộc đời còn có những người tốt như cô Kiều”.

Không chỉ lo phát gạo, nấu cơm từ thiện, đi biểu diễn văn nghệ, từ năm 2010 đến nay, dù đã nghỉ hưu nhưng bà Kiều vẫn bền bỉ với công tác Hội và phong trào phụ nữ địa phương. Với mối quan hệ rộng rãi, bà xin được nhiều căn nhà tình thương, học bổng, phương tiện làm ăn cho phụ nữ và trẻ em; hỗ trợ Hội Phụ nữ phường trong các bài giảng, bài tuyên truyền song ngữ về các cuộc vận động “xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, phòng - chống tệ nạn xã hội, phòng - chống dịch bệnh… 

Thời gian biểu một ngày của bà dày đặc. Sáng bà dậy sớm thể dục, ăn sáng, đạp xe một vòng quanh khu phố, ghé thăm vài cụ ông, cụ bà neo đơn rồi ra phường hoặc lên quận họp hành, tập huấn… Hỏi, ngày nào cũng đạp xe quanh khu phố liệu có quá sức đối với người đã 68 tuổi, lại đang mang bệnh cơ xương khớp? Bà Kiều cười tươi: “Cơ xương khớp thôi chứ có phải bệnh gì ghê gớm lắm đâu. Còn thanh xuân lắm. Đạp xe đi vòng quanh xóm, thăm hỏi bà con, sẵn đó mình nắm tình hình đường sá, nắp cống, mỹ quan, trật tự. Ra đường gặp gỡ mọi người, thăm người này, khoe với người kia dạo này mình khỏe, rồi còn xin được cái này cái nọ cho người này, người kia, mình cũng vui”.

Có căn nhà dài rộng, bà Kiều ngăn hơn nửa để cho thuê. Tiền cho thuê nhà bà lại để dành làm từ thiện. Bà nói: “Già rồi sống chỉ một mình, lương hưu đủ ăn, đủ mặc. Nhiều người ngoài kia còn khó lắm”. Nói rồi, bà hỏi tôi, có nghe Hồ Quảng không? Rồi bà hát một bài ca cổ giọng Quảng Đông, giọng trong vắt, mượt mà như giọng con gái tuổi 
xuân thì. 

Mới thấy, khi tâm hồn người ta mãi thanh xuân thì vẫn có ích cho đời. 

Hạnh Chi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI