Năm phục hồi của du lịch, bất động sản, xuất khẩu

08/02/2022 - 05:59

PNO - Theo các chuyên gia kinh tế, các ngành du lịch, bất động sản, xuất khẩu hàng hóa sẽ phục hồi trong năm 2022; các cơ hội về đầu tư, việc làm, thương mại sẽ mở rộng hơn.

Tín hiệu tích cực từ nhiều ngành hàng 

Tiến sĩ Đoàn Đình Hoàng - chuyên gia marketing, xây dựng thương hiệu - đánh giá, năm 2022, việc kiểm soát dịch của Việt Nam và các nước trên thế giới đã tốt hơn và tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng cũng đã được khắc phục dần thông qua việc tổ chức lại hệ thống sản xuất trên toàn cầu; Việt Nam cũng không còn lệ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Đặc biệt, kim ngạch xuất nhập khẩu và đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn ổn định, cho thấy kinh tế của Việt Nam trong năm 2022 sẽ phát triển với chỉ số lạc quan. 

Quốc hội đã thông qua gói hỗ trợ phục hồi kinh tế hơn 15 tỷ USD sẽ giúp đẩy mạnh đầu tư công, thúc đẩy phát triển kinh tế (trong ảnh: Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên TP.HCM) ẢNH: ĐÔNG QUÂN
Quốc hội đã thông qua gói hỗ trợ phục hồi kinh tế hơn 15 tỷ USD sẽ giúp đẩy mạnh đầu tư công, thúc đẩy phát triển kinh tế (trong ảnh: Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên TPHCM) Ảnh: Đông Quân

Theo phó giáo sư - tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh - giảng viên Học viện Tài chính - bất động sản (BĐS) là lĩnh vực sẽ phát triển mạnh trong năm 2022. Điều này có cơ sở khi năm 2021, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 31,2 tỷ USD và sẽ tiếp tục tăng trong năm nay; số doanh nghiệp (DN) thành lập mới trong tháng 10/2021 tăng 112% so với tháng 9/2021, tháng 11/2021 tăng 48% so với tháng 10 và tháng 12 tiếp tục tăng 30% so với tháng 11. Điều này cho thấy môi trường đầu tư đang rất tốt và có hy vọng thu lời, kéo theo sự gia tăng giao dịch BĐS công nghiệp. 

BĐS du lịch, nghỉ dưỡng cũng có tiềm năng bởi từ đầu tháng 1/2022, Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn du lịch trong nước và sẽ sớm mở cửa toàn bộ du lịch quốc tế. BĐS về nhà ở trung cấp, bình dân, đất nền cũng có xu hướng tốt lên. Trong năm 2021, người dân vẫn có nhu cầu mua nhà ở nhưng còn lo đại dịch diễn biến phức tạp. Từ khi Chính phủ xác định sống chung với đại dịch, người dân yên tâm hơn khi quyết định mua nhà. Phân khúc nhà ở trung cấp, bình dân có khả năng sẽ tăng giá trong thời gian tới. 

Ngoài BĐS, chứng khoán là lĩnh vực có tiềm năng phát triển trong năm 2022. Trong năm 2021, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam tăng trưởng 36% so với năm 2020, lọt top 10 thị trường có mức tăng trưởng mạnh nhất thế giới. TTCK luôn đi đôi với nền kinh tế, khi kinh tế tốt lên thì TTCK sẽ tốt lên. Việc Quốc hội thông qua gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi kinh tế với quy mô hơn 15 tỷ USD (khoảng 5% GDP) sẽ góp phần đẩy mạnh đầu tư công, thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong năm 2022. Dù có thời điểm chứng khoán rớt giá do đã tăng trưởng quá nóng nhưng xu hướng chung là vẫn tăng và sẽ là hướng đầu tư tốt.

TP.HCM cần 44.800 - 55.600 lao động mới sau tết, tập trung vào các ngành dệt may, giày da,  sản xuất và chế biến thực phẩm… (trong ảnh: Sản xuất ở Công ty may mặc Dony) - ẢNH: LINH LINH
TP.HCM cần 44.800 - 55.600 lao động mới sau tết, tập trung vào các ngành dệt may, giày da, sản xuất và chế biến thực phẩm… (trong ảnh: Sản xuất ở Công ty may mặc Dony) - Ảnh: Linh Linh 

Nhưng cần lưu ý, đây vẫn là kênh dành cho nhà đầu tư chuyên nghiệp, nghiêm túc, không phải là kênh dành cho nhà đầu tư nghiệp dư, người chạy theo đám đông để mong làm giàu nhanh. 
Với vàng, xu hướng chung là giá sẽ tăng nhẹ trong nửa đầu năm 2022, thậm chí có thể vượt mốc 1.900 USD/ounce (hiện giá vàng thế giới dao động khoảng 1.800 - 1.830 USD/ounce). Lãi suất tiết kiệm hiện đang ở mức khoảng 5,6 - 6%/năm, thấp hơn gần 2% so với trước dịch. Nền kinh tế chỉ mới phục hồi nhẹ, nhu cầu tín dụng sẽ thấp, nhưng khi nền kinh tế phục hồi, DN đẩy mạnh đầu tư sản xuất, kinh doanh thì các ngân hàng sẽ nâng lãi suất lên cao hơn một chút. Do đó, kênh này vẫn có sức hấp dẫn đối với đa số người dân, những người không thích đầu tư mạo hiểm. 

Cần sớm công bố mở cửa du lịch quốc tế 

Ông Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam - cho hay, du lịch chỉ có thể phát triển bình thường và bền vững khi cả ba hoạt động được khôi phục, bao gồm du lịch nội địa, người Việt đi du lịch nước ngoài (outbound) và khách quốc tế đến Việt Nam (inbound). Dịch COVID-19 kéo dài hai năm qua khiến thị trường du lịch quốc tế “đóng băng”, doanh thu du lịch đóng góp vào GDP chung của nền kinh tế hầu như không có. Rất nhiều DN vẫn đang hằng ngày đổ tiền duy trì bộ máy để chờ du khách quốc tế trở lại. Do đó, việc công bố mở cửa sớm đối với du khách quốc tế sẽ tạo tác động lâu dài để thu hút du khách, tránh để lỡ mất cơ hội so với các quốc gia lân cận như Thái Lan, Singapore… 

Theo ông Nguyễn Hữu Thọ, khi mở cửa, chưa chắc sẽ có khách ngay bởi du khách quốc tế vẫn còn e dè. Thế nhưng, vẫn cần phải công bố để DN lữ hành có thời gian quảng bá và du khách nước ngoài có thời gian thích nghi dần. Nếu mở cửa từ tháng 3 - 4/2022, có thể phải đến cuối năm nay hoặc sang năm 2023 mới có lượng khách ổn định. Chỉ khi có khách đi và về thành công, chia sẻ sự trải nghiệm, mới tạo được hiệu ứng lan truyền cho những du khách khác.

Việc chính thức công bố mở cửa du lịch quốc tế cũng thể hiện sự nhất quán giữa các bộ, ngành và địa phương, giúp các DN mạnh dạn khôi phục các hoạt động kinh doanh. Nhưng cũng cần phải nhấn mạnh là, chi phí mà DN dùng quảng bá, đón khách là khoản đầu tư dài hơn và tốn kém, nên đã mở lại là không được đóng. Việc đóng, mở liên tục sẽ làm mất niềm tin, uy tín của du lịch Việt Nam trong mắt du khách quốc tế. 

Khi mở cửa du lịch, cần bỏ các chuyến bay “giải cứu”, tăng các chuyến bay thương mại để giá vé hàng không sớm trở lại bình thường. Hiện giá vé đang cao gấp 3-4 lần so với trước đây. Ông Nguyễn Hữu Thọ dự báo, nếu công bố mở cửa du lịch quốc tế trong tháng Hai thì doanh thu mảng du lịch năm 2023-2024 sẽ đạt được khoảng 30-40% so với trước khi có dịch (năm 2019). 

Cơ hội đi liền với thách thức 

Theo tiến sĩ Đoàn Đình Hoàng, các ngành bị ảnh hưởng nhiều trong năm 2021 như dịch vụ vận tải, du lịch, ăn uống… sẽ phục hồi trong năm 2022 bởi các nước không còn kiểm soát nghiêm ngặt việc đi lại, vận chuyển hàng hóa như năm 2021. Năm 2022, Việt Nam có thể gặp một số rủi ro với thị trường Trung Quốc khi nước này áp dụng chính sách “zero COVID”, nhưng đây cũng là dịp để DN Việt Nam đa dạng hóa thị trường, chú trọng đầu tư cho thị trường nội địa. Do đó, chỉ số kim ngạch xuất khẩu, FDI của Việt Nam trong năm 2022 sẽ tốt, góp phần thúc đẩy kinh tế Việt Nam tăng trưởng, đẩy các ngành nghề khác phát triển theo. 

Xuất khẩu được dự báo sẽ phục hồi tốt  trong năm 2022 nhờ khắc phục được tình trạng đứt gãy của chuỗi cung ứng thế giới  (trong ảnh: Bốc dỡ hàng hóa xuất nhập khẩu ở cảng Cát Lái TP.HCM) - ẢNH: ĐĂNG THƯ
Xuất khẩu được dự báo sẽ phục hồi tốt trong năm 2022 nhờ khắc phục được tình trạng đứt gãy của chuỗi cung ứng thế giới (trong ảnh: Bốc dỡ hàng hóa xuất nhập khẩu ở cảng Cát Lái TPHCM) - Ảnh: Đăng Thư

Ngoài ra, trước tình trạng dịch chuyển lao động, DN sẽ tăng tự động hóa sản xuất để giải quyết bài toán nhân lực và tăng năng suất lao động. Năm 2022 cũng là cơ hội để phân bổ kinh tế ngành, kinh tế vùng ở Việt Nam. Các đô thị lớn như TP.HCM, TP.Hà Nội, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai… sẽ bắt đầu giảm cơ cấu công nghiệp thâm dụng lao động và phát triển công nghiệp hiện đại như dịch vụ tài chính, ngân hàng, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe… Các ngành nghề thâm dụng lao động sẽ chuyển về các tỉnh khiến bức tranh kinh tế cân đối hơn, ngành nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ có nhân lực để phát triển hơn. 

Thị trường cần lượng lao động lớn sau tết

Sau tết Nguyên đán, TPHCM cần tuyển 44.800 - 55.600 lao động, tập trung vào các ngành dệt may, giày da, sản xuất và chế biến thực phẩm, cơ khí, hóa chất, kiến trúc, xây dựng, bán buôn và bán lẻ, vận tải kho bãi, dịch vụ lưu trú và ăn uống, kinh doanh BĐS, dịch vụ bảo vệ… Trong năm 2022, thị trường lao động TPHCM tiếp tục phát triển theo hướng tăng dần tỷ trọng lao động khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Dự kiến, toàn TPHCM có 4.931.790 lao động làm việc; trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 0,96%, công nghiệp, xây dựng chiếm 37,15%, thương mại, dịch vụ chiếm 61,89%. Tổng số lao động làm việc trong các DN là 3.127.066 người; trong đó, lao động làm việc trong DN nhà nước chiếm 3,01%, DN ngoài nhà nước chiếm 74,5%, DN có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 22,49%. 

Nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp, TPHCM cần khoảng 255.000 - 280.000 lao động; nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt, nhu cầu tuyển mới sẽ khoảng 280.000 - 310.000 người. Nhu cầu nhân lực sẽ tập trung ở khu vực thương mại với hơn 65% tổng nhu cầu nhân lực trong năm 2022, tiếp đến là khu vực công nghiệp, xây dựng (hơn 33%), còn lại là nông, lâm nghiệp và thủy sản. Trình độ của người lao động mà các DN đòi hỏi phần lớn là đại học, cao đẳng (chiếm hơn 86%), tiếp đến là sơ cấp và trung cấp. 
Ông Đỗ Thanh Vân - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM

Thanh Hoa - Nguyễn Cẩm - Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI