Năm khủng hoảng của ngành thời trang thế giới

29/12/2018 - 10:00

PNO - Quyền lực 'thượng đế' trên mạng mạnh đến nỗi các nhà mốt phải lập tức sửa sai và chấp nhận thiệt hại kinh tế để tránh bị tẩy chay trên diện rộng.

Ngày 8/11, Victoria’s Secret gặp sóng gió vì giám đốc tiếp thị Ed Razek tuyên bố không thích các người mẫu ngoại cỡ và chuyển giới diễn cho hãng này trên tạp chí Vogue. Hai tuần sau đó, đế chế Dolce & Gabbana lao đao tại thị trường lớn Trung Quốc vì đăng tải những video quảng cáo bị cho là phân biệt chủng tộc.

Giữa tháng 12 này, thương hiệu Ý Prada phải loại bỏ sản phẩm lưu niệm móc chìa khóa tượng chú khỉ nâu có đôi môi lớn, sau những chỉ trích trên mạng xã hội về ý tưởng thiết kế mang đầy tính phân biệt chủng tộc. Mấy ngày sau, Forever 21 cũng nhanh chóng gỡ bỏ bài quảng cáo và hình ảnh người mẫu da trắng mặc áo len in logo Black Panther cùng slogan Wakanda Forever.

Nam khung hoang cua nganh thoi trang the gioi


“Điềm báo” về những sóng gió mà làng thời trang hứng chịu đã được thấy từ đầu năm khi chỉ trong tháng đầu tiên của năm mới đã có liên tiếp ba scandal. Ngày 7/1, H&M đã phải hai lần lên tiếng xin lỗi công chúng vì dùng người mẫu nhí da đen, mặc áo thun chui đầu, in dòng chữ “Coolest monkey in the jungle” (Chú khỉ ngầu nhất trong rừng) cạnh hai mẫu nhí da trắng - một mặc áo hình thú không in chữ, một mặc áo có hình con hổ kèm chữ “Survival expert” (Chuyên gia sống sót). “Monkey” bị cho là mang hàm ý phân biệt chủng tộc với người da màu.

Nhà thiết kế người Nga - Ulyana Sergeenko cũng mắc lỗi tương tự khi dùng chữ “nigga” có nghĩa miệt thị người da đen trong tấm thiệp viết cho bạn. Ngày 13/1, hai nhiếp ảnh gia huyền thoại của làng thời trang thế giới - Mario Testino và Bruce Weber - bị The New York Times phanh phui chuyện lạm dụng tình dục 15 người mẫu nam.

Nam khung hoang cua nganh thoi trang the gioi
Gigi Hadid phải xin lỗi vì tấm ảnh bìa nhuộm làn da thành màu nâu trên tạp chí Vogue (Ý).

Rải rác những tháng sau đó, không tháng nào mà các nhà mốt hay các biểu tượng thời trang được sống yên. Gucci, Dior bị lên án “chiếm đoạt văn hóa” khi để cho người mẫu da trắng thể hiện mái tóc xù, quăn như người da đen (Gucci) hoặc dùng người mẫu da trắng trong chiến dịch quảng cáo tôn vinh di sản Mexico (Dior). Gigi Hadid bị chê trách vì nhuộm da nâu trên ảnh bìa tạp chí Vogue (Ý). Đệ nhất phu nhân Mỹ - Melania Trump - gây tranh cãi vì chiếc áo jacket in dòng chữ “I really don’t care. Do you?”. Siêu mẫu Bar Refaeli bị chỉ trích là khuyến khích chống lại người Hồi giáo trong một quảng cáo...

Thị phi chẳng phải là chuyện hiếm của ngành thời trang, nhưng vì sao 2018 lại thành năm “khủng hoảng”? Câu trả lời nằm ở ý thức của người tiêu dùng và sự bùng phát của mạng xã hội. Ronn Torossian - chủ tịch kiêm giám đốc điều hành 5W Public Relations, đơn vị chuyên xử lý khủng hoảng - cho biết: “Người tiêu dùng đang đi đến một cuộc cách mạng về đạo đức và luân lý - những điều mà ngành công nghiệp thời trang buộc phải lắng nghe, nếu muốn duy trì”.

Nam khung hoang cua nganh thoi trang the gioi
Tấm thiệp ghi chữ chữ "nigga" mà Ulyana Sergeenko (trái) gửi bạn thân là người mẫu Miroslava Duma (phải) bị dư luận chỉ trích vì mang tính phân biệt chủng tộc

Khách hàng nhạy cảm văn hóa hơn, mạng xã hội phát triển mạnh mẽ hơn góp phần thổi bùng những sai lầm của “thủ phạm”. Quyền lực “thượng đế” trên mạng mạnh đến nỗi các nhà mốt phải lập tức sửa sai và chấp nhận thiệt hại kinh tế để tránh bị tẩy chay trên diện rộng. 

 Quang Huy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI