Mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 là thách thức rất lớn

23/05/2022 - 13:46

PNO - Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nêu, giá xăng dầu tăng cùng hiện tượng thiếu hụt lao động cục bộ gây ảnh hường tới người dân và doanh nghiệp.

 

Báo cáo do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trình bày chỉ ra, giá nguyên liệu đầu vào tăng, trong đó có xăng dầu đã ảnh hưởng tới người dân cũng như doanh nghiệp

Báo cáo do Phó thủ tướng Lê Văn Thành trình bày chỉ ra, giá nguyên liệu đầu vào tăng, trong đó có xăng dầu đã ảnh hưởng tới người dân cũng như doanh nghiệp 

 

Tiếp theo chương trình ngày làm việc đầu tiên của Quốc hội, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã trình bày báo cáo bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2022.

Giá xăng dầu tăng, nguồn lao động thiếu hụt cục bộ

Phó thủ tướng cho biết, về bổ sung kết quả năm 2021, 7/12 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch. Một số chỉ tiêu KTXH đạt cao hơn so với số đã báo cáo Quốc hội. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 1,84% (số đã báo cáo Quốc hội khoảng 4%), bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) là 3,41% GDP (số đã báo cáo Quốc hội là 4% GDP)...  Những kết quả đạt được nêu trên là rất đáng trân trọng trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư với chủng Delta nguy hiểm và lây lan nhanh hơn, tác động nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống xã hội.

Bước vào năm 2022, nền kinh tế được mở cửa trong trạng thái bình thường mới, dịch bệnh COVID-19 cơ bản được kiểm soát, tạo tiền đề quan trọng để phục hồi và phát triển KTXH.  Việt Nam là một trong sáu quốc gia có tỷ lệ bao phủ vắc xin cao nhất thế giới, được quốc tế đánh giá cao, nhờ đó, số ca mắc mới, chuyển nặng, tử vong giảm sâu từ cuối tháng 3/2022.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 2,1%. Thị trường tiền tệ, tỷ giá, lãi suất ổn định; dư nợ tín dụng đến cuối tháng 4 tăng 7,18% so với cuối năm 2021. Thu NSNN 4 tháng đạt 657,4 ngàn tỷ đồng, bằng 46,6% dự toán, tăng 15,4% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu đạt 122,4 tỷ USD, tăng 16,4%; kim ngạch nhập khẩu đạt 119,8 tỷ USD, tăng 15,7%; xuất siêu trên 2,5 tỷ USD.

Tăng trưởng kinh tế (GDP) quý I đạt 5,03%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2020 và 2021. Trong 4 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,5%; sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, sản lượng lúa ước đạt 10,8 triệu tấn; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt trên 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 6,5%. Các lĩnh vực dịch vụ, du lịch phục hồi nhanh. Hàng hóa thiết yếu phục vụ tiêu dùng và sản xuất kinh doanh cơ bản được bảo đảm.

Tuy nhiên, Phó thủ tướng cũng nêu thực tế, giá cả một số hàng hóa đầu vào tăng, nhất là giá xăng dầu, nguồn nhân lực lao động thiếu hụt cục bộ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.

Theo dõi chặt thị trường, điều hành bình ổn giá

Các biện pháp

Kiểm soát lạm phát, bình ổn giá là một trong những nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế năm 2022 (ảnh minh họa)

 

Nhận định nhiệm vụ kế hoạch năm 2022, nhất là mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6% - 6,5% là thách thức rất lớn, báo cáo chỉ ra, nhiều nhiệm vụ, giải pháp để tạo chuyển biến mạnh mẽ. Điển hình như, cần chủ động điều hành đồng bộ, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác nhằm tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn và kiểm soát lạm phát. Tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, bảo đảm phát triển lành mạnh, an toàn và bền vững. Theo dõi chặt chẽ thị trường, giá cả, điều hành, bình ổn giá; thúc đẩy thương mại, xuất nhập khẩu; có giải pháp hiệu quả duy trì ổn định chuỗi cung ứng.

Ngoài ra, cần tiếp tục thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, chủ động có giải pháp ứng phó với các dịch bệnh mới phát sinh. Tăng cường năng lực của hệ thống y tế. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học; tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022.

Báo cáo chính phủ cũng đề nghị nghiên cứu tiếp thu ý kiến của nhân dân, ĐBQH về việc quy định môn học lịch sử là môn bắt buộc trong chương trình giáo dục ở cấp trung học phổ thông. Đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

SEA Games 31 thực hiện chu đáo, thành công

Theo báo cáo, các hoạt động văn hóa, xã hội  tại Việt Nam đang dần sôi động trở lại. Thể dục, thể thao được quan tâm đầu tư, công tác chuẩn bị và tổ chức SEA Games 31 được thực hiện chu đáo, an toàn, thành công. Đoàn thể thao Việt Nam đã thi đấu với tinh thần thể thao cao thượng, dẫn đầu các nước đoạt huy chương vàng và tổng các loại huy chương...

Minh Quang

 

 

 
TIN MỚI