Mua thuốc bổ não dễ như đi chợ

21/03/2015 - 07:09

PNO - PN - Không ít phụ huynh tự tiện mua thuốc bổ não cho con uống nhằm phát triển trí thông minh, trí nhớ cho trẻ..., nhất là khi bước vào mùa tuyển sinh, trong khi không lường được tác hại của thuốc .

edf40wrjww2tblPage:Content

Uống thuốc bổ não vô tội vạ

Tại tiệm thuốc tây T.L. (đường Phan Xích Long, Q.Phú Nhuận), không cần có toa bác sĩ, khi hỏi thuốc Duxil, chúng tôi vẫn có thể mua được. Chúng tôi hỏi mua loại thuốc Amphetamine - được nhiều phụ huynh truyền miệng là “thần dược bổ não”, các tiệm M.L. (đường Nguyễn Chí Thanh, Q.5), G.K. (đường Lê Văn Sỹ, Q.3) cho biết do đang có đợt kiểm tra nên không bán, chờ khoảng hai tuần quay lại sẽ có! (đây là thuốc nằm trong nhóm phải có toa của bác sĩ chuyên khoa, nhà thuốc mới được bán - PV). Qua tìm hiểu, loại thuốc này có tác dụng làm tăng nhanh hoạt động của hệ thống thần kinh, làm tinh thần tỉnh táo, nhưng nếu dùng nhiều thì có thể gây rối loạn tâm thần (bởi có chất gây nghiện), hoặc bị mắc bệnh kinh niên về giấc ngủ, lo âu, căng thẳng, nhịp tim nhanh…

Trên hệ thống bán thuốc online, các tiệm thuốc tây giới thiệu hàng loạt các nhãn hiệu thuốc và thực phẩm chức năng, bảo đảm khi sử dụng, học sinh - sinh viên sẽ có trí nhớ như… thần, bài vở “nuốt ào ào”, trí tuệ minh mẫn, thông minh, thi đâu đậu đó, giá từ vài ngàn đến cả triệu đồng. Phổ biến là các loại như Ginkgo Biloba (910.000đ/hộp), Piracetam (có hai đơn giá - loại “thường” 4.000 - 5.000đ/viên, loại “tốt” 7.000đ/viên), Kidsmune 580.000đ/chai, mỗi ngày pha một muỗng thuốc với nước trái cây (?) rồi uống, Glutaminol B6 18.000đ/hộp, Focus factor 647.000đ/hộp, tinh dầu hải cẩu omega 3 600.000đ/hộp, viên uống dầu cá omega 3 420.000đ/hộp, viên uống dầu cá hồi omega 3 600.000đ/hộp, thuốc bổ não DHA 908.700 - 1.170.000đ/hộp, viên uống tăng cường trí nhớ 1.495.000đ/hộp, Ganeurone 33.000đ/vỉ 10 viên, Euro ginko 170.000đ/hộp, Head Sup 310.000đ/hộp,…

N.M.H. (học sinh lớp 12 trường THPT chuyên Lê Hồng Phong) cho biết, gần hai tuần nay em phải liên tục uống thuốc bổ não vì suy nhược, nhức đầu, chóng mặt. H. than: “Đầu óc em bây giờ tự nhiên cứ lâng lâng, ngồi học độ một tiếng là nhức đầu dữ dội. Lúc nào cũng chỉ muốn ngủ. Ăn không vô”. Trong vòng 10 ngày H. sụt gần 3kg! Gia đình lo lắng, bản thân em cũng mất tinh thần… Hỏi vì sao em không đi khám, H. cho biết chắc do học nhiều nên mới bị như thế, thuốc em uống thì ra hiệu thuốc hỏi, người bán giới thiệu hàng loạt. Cùng hoàn cảnh như M.H., nhóm bạn H., L., T. đã trở thành khách quen của tiệm thuốc M.C. trên đường Hai Bà Trưng, Q.1. Theo lời truyền miệng của bạn bè, các em đã tự “bắt mạch, kê toa” cho bản thân, hàng ngày uống đều đặn các loại thuốc “tăng trí nhớ” Arcaliotin và Glutaminol B6.

Trong khi đó, B. - học sinh trường Nguyễn Thượng Hiền, Q.Tân Bình cho biết, đang chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp mà lúc nào cũng buồn ngủ, nên B. uống cà phê đậm đặc, không đường, không đá, để “chiến đấu” với cơn buồn ngủ. Cả tháng nay, vì ăn không ngon miệng nên thực đơn thường trực của B. là nước tăng lực, nước yến... Kết quả là trong vòng một tuần, B. đã phải hai lần vào bệnh viện cấp cứu vì suy nhược cơ thể!

Mua thuoc bo nao de nhu di cho

Một phụ huynh đang hỏi mua thuốc tăng cường trí nhớ - Ảnh: Phùng Huy

Lo cho con không bằng hại con

Đã hơn ba năm, nhưng chị T.M. (nhà ở đường Hậu Giang, Q.6) vẫn chưa quên về tình trạng sức khỏe bi đát của con trai, mà lỗi phần lớn là do chị. Thấy con đang chuẩn bị thi chuyển cấp mà cứ học trước quên sau, quá sốt ruột, chị ra tiệm thuốc tây gần nhà nhờ người bán tư vấn. Hàng ngày chị M. cho con uống Duxil, hy vọng trí nhớ được cải thiện. Nào ngờ, T.H., con chị bị phấn chấn và vui vẻ vô cớ, hay giật mình, bị ảo giác, hoang tưởng. Đưa con vào bệnh viện khám, chị mới hay H. bị rối loạn tâm thần.

Theo PGS-TS Nguyễn Hữu Đức (Đại học Y Dược TP.HCM), phải cảnh giác khi dùng thuốc gọi là "tăng cường trí nhớ". Cho đến nay, người ta vẫn chưa tìm ra được thuốc nào cho tác dụng thần kỳ như tạo sự thông minh, tăng cường trí nhớ. Trước đây, có thuốc được cho là “bổ óc” là Cervotonic (thực chất kết hợp acid glutamic và vitamin B1), gần đây là Glutaminol, Glutaminol-B6, Pho-L… Nhưng, chính một số nhà sản xuất các thuốc trên đã công bố: “…Thuốc chỉ có công dụng dùng trong chứng suy nhược chức năng nhưng không có tác động đặc hiệu nào được chứng minh một cách cụ thể”.

Ở nước ta, một số loại thuốc như citicholin, piracetam, glyceryl phosphorylcholin, Ginkgo biloba (tức hoạt chất lấy từ cây bạch quả), tacrin, galantamin, được gọi là thuốc tăng cường hoạt động trí não. Thực ra thuốc này chỉ để điều trị chứng sa sút trí tuệ ở người cao tuổi hoặc ở người bị chấn thương sọ não, không có tác dụng tăng cường trí nhớ cho người học thi.

Nhiều biệt dược mà giới trẻ phương Tây thường dùng để “doping” trí não là Dexedrine, Ritalin, Aricept, Nootropil và nhiều loại khác. Các thuốc này đều là thuốc chữa bệnh đặc biệt, được bác sĩ chỉ định dùng rất thận trọng và hạn chế, chứ không thể tự ý dùng tùy tiện, bởi dùng sai sẽ bị tác hại khôn lường. Riêng hai thuốc dextroamphetamine (biệt dược Dexedrine), methylphenidate (Ritalin) là thuốc kích thích hệ thần kinh, được dùng chủ yếu trị bệnh gọi là “rối loạn tăng động kém tập trung” (attention deficit hyperactivity disorder, viết tắt ADHD). Dùng thuốc trị ADHD tùy tiện rất nguy hiểm vì thuốc gây nghiện như nghiện ma túy.

Còn các loại chế phẩm “thực phẩm chức năng” nói chung chỉ nên xem là loại “bổ sung dinh dưỡng” hoặc “hỗ trợ” cung cấp vitamin và chất khoáng. Lưu ý, sử dụng các loại chế phẩm “thực phẩm chức năng” không thay thế được thức ăn, vẫn phải ăn uống đầy đủ chất bên cạnh việc dùng chế phẩm. "Đối với các bạn trẻ, không nên dùng bất cứ loại thuốc nào, ngoại trừ do sợ thiếu hụt trong chế độ dinh dưỡng. Có thể dùng thuốc bổ cung cấp nhiều vitamin và chất khoáng, chẳng hạn, có thể dùng loại đa sinh tố (multivitamins) ngày một viên" PGS-TS Nguyễn Hữu Đức nói.

Về các loại thuốc tăng trí nhớ, đó là dược phẩm chống mệt mỏi, giúp tăng cường dung lượng máu lên não, chỉ dùng trong trường hợp thiếu máu não. Chỉ nên uống vào buổi sáng, với liều phù hợp, điều độ. Tuy nhiên, với bất kỳ loại thuốc nào, dù là thuốc bổ, cũng phải sử dụng theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Giữ sức khỏe mùa thi

BS Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM cho biết: Tình trạng khá phổ biến là học sinh đã tận dụng tất cả thời gian cho việc học. Điều này làm cho não mệt mỏi. Các sĩ tử cần phân bổ thời gian hợp lý bằng cách học khoảng bốn - năm tiếng thì xen kẽ với việc ngủ những giấc ngắn để não được nghỉ ngơi. Khi thức dậy, có thể uống một chút cà phê hoặc nước tăng lực. Nhưng, nếu uống những chất kích thích này liên tục mỗi khi cảm thấy buồn ngủ thì sau một thời gian ngắn não sẽ bị “trơ”, xảy ra tình trạng “uống vẫn uống mà ngủ thì vẫn ngủ”.

Các học sinh cũng thường mắc sai lầm trong vấn đề dinh dưỡng, vì không đủ thời gian nên hay bỏ bữa, làm cơ thể mệt mỏi, buồn ngủ do hạ đường huyết. Cần khắc phục bằng cách ăn nhiều bữa nhỏ xen kẽ. Với những em bị suy dinh dưỡng, trong giai đoạn học nước rút, não cần chủ yếu là chất đường. Một ly sữa, miếng bánh ngọt, vài thanh chocolate… sẽ tăng lượng đường cho não, mà cũng không làm mất quá nhiều thời gian chuẩn bị. Dân gian cũng thường nói: muốn thi đậu phải ăn nhiều… đậu. Điều này đúng về mặt khoa học, vì các loại đậu dễ tiêu, dễ hấp thu, rất tốt cho cơ thể. Bên cạnh đó, thực đơn hàng ngày phải đa dạng chất đạm, bột, rau xanh và trái cây tươi.

Muốn ôn luyện có hiệu quả cao phải dựa trên kỹ năng học và năng lực tư duy là chính. Đừng ỷ lại vào trí nhớ, càng không nên lạm dụng trí nhớ máy móc.

KHÁNH THỦY

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI