Mùa săn ươi bay

28/06/2021 - 09:23

PNO - Cứ 4 năm một lần, cả ngàn người lại ngược núi vào rừng để tìm hạt ươi, cái thứ hạt đen đen, mang trên mình chiếc lá như đôi cánh, bay phủ kín cả một góc trời…

Lộc của trời

Những ngày cuối tháng 6, cái nắng như đổ lửa đủ làm cho hạt ươi trên cây chín khô, rồi đợi một cơn gió mạnh là bay rợp trời trước khi rơi xuống đất. Đó cũng là lúc hàng ngàn người khăn gói đi sâu vào những cánh rừng già để tìm hạt ươi bay.

Những hạt ươi đỏ rực cả một góc núi Phước Sơn
Những hạt ươi đỏ rực cả một góc núi Phước Sơn

Hạt ươi (có nơi gọi là đười ươi) là một loại quả được lấy từ cây đười ươi, tên tiếng Anh là Scaphium macropodum. Hạt ươi còn có nhiều tên khác nhau như hạt ươi, hạt ươi bay, hạt ươi rừng... Cây đười ươi được trồng nhiều ở Biên Hòa, Bà Rịa, Bình Định... ngoài ra ở Campuchia, Thái Lan và Malaysia cũng có loại cây này.

Ươi là cây thân gỗ, 4 năm cho trái chín 1 lần, quả ươi chín bên ngoài có màu nâu vàng, vỏ quả mỏng. Người ta thường thu hoạch hạt trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến hết tháng 5, quả được phơi hoặc sấy khô để bảo quản được lâu, khi ngâm với nước thì hạt nở rất to (gấp 8 - 10 lần) thành một chất nhầy màu nâu nhạt, vị hơi chát và mát.

Ở Quảng Nam, cây ươi bắt đầu chín từ những ngày giữa tháng 6 dương lịch, đến hết tháng 7 thì thu hoạch xong. Những vùng miền núi như Nam Trà My, Bắc Trà My, Nam Giang, Tây Giang, Phước Sơn… là nơi tập trung nhiều cây ươi nhất.

Cây ươi ở huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) phân bổ không tập trung một chỗ mà nằm rải rác trong rừng già. Đi dọc cung đường Hồ Chí Minh có thể dễ dàng nhìn thấy những cây cao, đỏ rực đứng sừng sững giữa cánh rừng. “Ươi của trời, để gió mang đi”, người dân ở đây thường đùa nhau vậy. Để "săn ươi", người ta ngồi dưới gốc cây hàng tiếng đồng hồ, chờ cơn gió mạnh khiến ươi bay rơi rụng là túa ra theo hướng gió để lượm. Ngoài lý do kinh tế, nhiều người còn xem việc "săn ươi" là một cái thú.

Những cây ươi vào mùa cho hạt nằm rải rác dọc dãy Trường Sơn
Những cây ươi nằm rải rác dọc dãy Trường Sơn

Cơm đùm cơm nắm mang theo, vợ chồng anh Nguyễn Tình (thôn 2 xã Phước Xuân, huyện Phước Sơn) cho biết, tranh thủ lúc rảnh, hai vợ chồng ngược núi theo hướng những cây ươi đang chín đỏ rực cả một góc rừng để lượm hạt. “Chỉ cần nhớ hướng gió, men theo đó là có hạt ươi liền à. Ươi không rụng về gốc, tùy theo gió to gió nhỏ thì hạt ươi bay theo. Ươi bay theo đàn, đôi khi kín cả một góc trời, nhìn đẹp mê hồn”, anh Tình chia sẻ.

Cứ đến mùa ươi bay, hàng ngàn người, không chỉ người dân địa phương mà cả người dân nơi khác đến, lại khăn gói vào rừng lượm hạt. Họ đi theo từng nhóm, chia nhau khu vực quanh cây ươi để có thể lượm được nhiều hơn. Tiếng vạch lá loạc xoạc, tiếng gọi nhau í ới vang cả một góc rừng.

Hạ, cán bộ xã Phước Xuân (huyện Phước Sơn) kéo tay chúng tôi, chỉ vào một hạt ươi dưới mặt đất rồi giải thích: “Người không quen cứ nghĩ là khó thấy, nhưng thực chất, rất dễ nhận biết bởi chiếc lá như một cánh buồm màu vàng nhạt của cây ươi. Khi bay trên không nó như cánh quạt giúp hạt bay xa hơn. Khi rơi xuống đất, lá như chiếc vỏ ốc, che chắn cho hạt ở bên dưới. Đặc điểm của cây ươi là chỉ cần gặp nước sẽ lập tức phình to, tan rã, do vậy nếu không có chiếc lá che chắn, hạt ươi sẽ không còn. Cho nên chỉ cần thấy những chiếc lá còn úp xuống, lật lên là thấy hạt liền”.

Giữa trưa, nhóm người tìm ươi ngồi nghỉ ngơi, ăn vội miếng cơm rồi chuẩn bị đi tiếp. Anh Hồ Văn Hà (thôn 3 xã Phước Xuân) cho biết, cả nhà anh đều đi lượm ươi, phần để làm thức uống giải nhiệt cho cả nhà, nhưng chủ yếu là đem bán để cải thiện kinh tế.

“Nhà có hai vợ chồng với 4 đứa con thì đều đi cả. Đứa nhỏ nhất 7 tuổi, đang nghỉ hè nên cũng theo các anh chị đi tìm hạt ươi. Hai vợ chồng mình một cánh, mấy đứa nhỏ cánh khác. Hẹn nhau cỡ 3 giờ chiều thì xuống núi, vì trên này thường hay có mưa giông”, anh Hà cười, nuốt vội nắm cơm với ít cá khô.

Theo những người dân đi săn ươi bay, mỗi ngày nếu may mắn, họ kiếm được gần cả triệu đồng
Theo những người dân đi "săn" ươi bay, nếu may mắn, mỗi ngày họ có thể kiếm được gần cả triệu đồng

Theo anh Hà, đi lượm ươi lúc được nhiều lúc được ít. Nhưng nếu tính ra ngày công thì mỗi ngày gia đình anh kiếm được cũng non non cả triệu bạc. “Lúc hên thì gặp đúng một nhúm ươi sà xuống, cứ thế mà lượm thôi. Còn xui thì khỏi nói, chỉ nhìn thấy lá mà không thấy hạt. Chậm chân hơn người ta một chút là chẳng còn gì”, anh Hà nói thêm.

Ở Quảng Nam, hiện ươi bay có giá dao động từ 300.000 - 500.000 đồng/kg. Trung bình mỗi người một ngày chăm chỉ cũng lượm được gần 2kg ươi bay. 

Bảo vệ rừng ươi

Đã 7 năm kể từ mùa ươi trước (2014) Phước Sơn mới có lại mùa ươi bay. Lý giải về điều này, ông Đặng Trọng Sơn - Phó chủ tịch UBND xã Phước Xuân cho biết, trước đây người dân khai thác ươi theo kiểu tận diệt, họ chặt hết các cành, hoặc tệ hơn là cưa luôn cả gốc để thu hạt nhanh hơn thay vì đi len lỏi trong rừng già. “Đặc tính của cây ươi là khi đến mùa, từ lá đến hạt đều rụng sạch, cây chỉ còn trơ cành, vì vậy, mất 4 năm cây mới tiếp tục cho hạt. Nhưng khi bị chặt hết cành thì phải mất thêm thời gian để các cành này mọc ra trở lại rồi mới cho hạt”, ông Sơn giải thích.

Hạt ươi khi đã chín kho, chỉ cần một cơn gió là bay rợp cả một góc trời
Hạt ươi khi đã chín khô, chỉ cần một cơn gió là bay rợp cả một góc trời

Những mùa ươi trước, khắp rừng núi Quảng Nam là tiếng cưa lốc ầm ào. Những gốc ươi bật máu với cách khai thác kiểu tận diệt. Người ta đùa nhau rằng, cũng là ươi bay, nhưng là bay luôn cả gốc. Theo ông Đặng Trọng Sơn, việc khai thác theo kiểu chặt cành hay cưa gốc đa số là những người dân ở địa phương khác đến nên rất khó quản lý. Chính vì vậy, bước vào mùa ươi này, người dân và chính quyền địa phương kiên quyết giữ rừng ươi, nói không với việc chặt cành, cưa gốc.

“Trước khi vào mùa ươi, chúng tôi đã họp từng thôn. Ai đi lượm ươi thì phải đăng ký với xã. Khi đến cửa rừng, có chốt kiểm lâm thì đưa giấy đó cho họ mới được vào rừng. Những người ở nơi khác tới đây lượm ươi cũng phải đăng ký với chính quyền địa phương. Nếu không có “giấy thông hành” sẽ bị xử lý. Người dân khi phát hiện người lạ, có ý định chặt cành hay cưa gốc ươi phải lập tức báo cho lực lượng bảo vệ rừng ở chốt để kịp thời xử lý”, ông Sơn nói thêm.

Ông Lê Quang Trung - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, huyện đã và đang thắt chặt công tác quản lý để bảo vệ rừng ươi trên địa bàn. “Mới đây, đã có trường hợp bị bắt vì cưa gốc ươi để khai thác. Công an và lực lượng kiểm lâm đang rà soát các đối tượng, lập các chốt ở đầu bìa rừng để kiểm soát người ra vào. Ngay cả khi bà con đi lượm ươi về, kiểm lâm cũng sẽ kiểm tra xem có hạt xanh hay không, vì ươi còn xanh thì không bao giờ rụng, chỉ có chặt cành hoặc trèo lên cao rồi rung cây cho hạt rơi xuống”, ông Trung cho biết.

Hạt ươi được đại lý thu mua, bán ra thị trường với giá giao động từ 300 - 500 ngàn đồng/1kg
Hạt ươi được đại lý thu mua, bán ra thị trường với giá giao động từ 300.000 - 500.000 đồng/kg

Tuy nhiên, cây ươi phân bổ rải rác dọc dãy Trường Sơn chứ không tập trung một chỗ nên việc quản lý và bảo vệ gặp nhiều khó khăn khi phải phân chia nhiều tổ bảo vệ rừng. “Trong việc này, mình cố gắng vận động bà con cùng với chính quyền bảo vệ rừng ươi. Bởi đây là bảo vệ miếng cơm, manh áo cho họ, và cả con cháu họ sau này. Chỉ khi bà con nói “không” với cưa lốc thì rừng ươi sẽ được bảo vệ. Sắp tới đây, khi trồng cây xanh theo đề án của Bộ Nông nghiệp, huyện sẽ nghiên cứu để phát triển rừng ươi tập trung, có thể tiến đến làm dịch vụ du lịch kèm theo, vừa nâng cao ý thức bảo vệ rừng cho bà con, vừa mang lại hiệu quả kinh tế”, ông Trung nói thêm.

Nguyễn Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI