Mẹ chồng không ác, bất thành phim?

08/12/2021 - 18:33

PNO - Quan hệ giữa mẹ chồng - nàng dâu là chuyện muôn đời nên hình mẫu mẹ chồng đanh đá, khắc nghiệt gần như là mẫu số chung trong các phim truyền hình.

Bộ phim Thương ngày nắng về đang lôi cuốn người xem với nhiều tình tiết đời thường xoay quanh cuộc sống của bà Nga và ba cô con gái. Nếu trong phim, bà Nga chiếm được thiện cảm của người xem với hình ảnh một người mẹ tận tụy bao nhiêu, thì ngược lại, nhân vật bà Hiền - thông gia của bà Nga - khiến người xem thấy ghét bấy nhiêu. Từ ngoại hình ăn mặc lòe loẹt, không hợp tuổi cho đến tính cách cũng rất khó ưa: đồng bóng, sĩ diện hão, ích kỷ. Bà không chỉ coi thường thông gia, mà còn bỏ bê việc nhà, tụ tập chơi bời, thậm chí sai con dâu phục vụ mình và đám bạn… 

Từ ngoại hình, tính tình, đến cách hành xử, các nhân vật mẹ chồng trong phim truyền hình luôn khiến người xem ác cảm
Từ ngoại hình, tính tình, đến cách hành xử, các nhân vật mẹ chồng trong phim truyền hình luôn khiến người xem ác cảm

Nhân vật bà Hiền gợi nhớ hình ảnh bà Dung trong phim Trở về giữa yêu thương phát sóng đầu năm nay. Bà Dung cũng bắt nạt con dâu, thậm chí còn khuyên con trai lấy vợ mới. Vay tiền con dâu thì không chịu trả, lại còn nói xách mé cả ông thông gia. Một bà mẹ chồng khác cũng ghê gớm không kém là bà Hảo - mẹ chồng của Tuyết trong phim Mùa hoa tìm lại. Vì thương con trai quá mức mà bà trở nên ích kỷ, toan tính, mưu mô với người ngoài. Bà sẵn sàng vì tiền mà quay lưng với con dâu, xúi con trai đào mỏ nhà vợ…

Quan hệ giữa mẹ chồng - nàng dâu là chuyện muôn đời nên hình mẫu mẹ chồng đanh đá, khắc nghiệt gần như là mẫu số chung trong các phim truyền hình. Tuy nhiên, xã hội ngày nay đã có nhiều tiến bộ trong tư tưởng, nên mối quan hệ này cũng không còn quá căng thẳng. Chuyện mẹ chồng yêu thương, bênh vực nàng dâu và tôn trọng cuộc sống con cái giờ không còn hiếm thấy. Tuy nhiên, cách xây dựng nhân vật mẹ chồng trong phim ảnh dường như vẫn bất biến.

“Nhẹ đô” thì thường xuyên trách móc, quát tháo con dâu, hoặc can thiệp quá nhiều vào cuộc sống của con như bà Phương (phim Sống chung với mẹ chồng), bà Lan (Cả một đời ân oán), bà Dần (Hương vị tình thân). Quá quắt hơn thì chửi rủa, đánh mắng thậm chí giở thủ đoạn hãm hại con dâu như bà Kim (Hoa hồng trên ngực trái), bà Hội (Tiếng sét trong mưa), bà Điệp (Ngày em đến). Hiếm hoi mới có vài mẹ chồng tử tế, thương con dâu như bà Hồng (Hoa hồng trên ngực trái), bà Mai (Lửa ấm), bà Xuân (Hương vị tình thân).

Đành rằng phim cần kịch tính, nhưng cách chọn mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu làm yếu tố để thu hút vừa cho thấy tư duy cũ kỹ, cạn kiệt ý tưởng, vừa không phản ánh kịp thời sự đổi mới về mối quan hệ này trong xã hội. Dẫu cho mọi hành xử của mẹ chồng trên phim đều xuất phát từ tình thương con trai, nhưng việc vẽ ra chân dung những người mẹ “sởn da gà” như vậy chỉ mang đến thông điệp tiêu cực, đi ngược với tính chân thiện mỹ mà nghệ thuật luôn hướng đến.

Hương Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI