Mẹ chọn cơm rau, nhường lương chống dịch

13/04/2020 - 07:23

PNO - Suốt 45 năm qua, hễ thấy ở đâu có người hoạn nạn, khó khăn, bà lại kêu dâu con “gửi người ta vài ký gạo hoặc thùng mì”

“Tối 9/4, ngồi xem tin tức trên ti vi xong, mẹ tôi nói: “Dịch bệnh nguy hiểm thật, thương dân quá con ơi”. Tôi đưa mẹ vào giường. Bà hỏi tôi đã nhận lương hưu tháng Tư cho mẹ chưa. Tôi đáp: “Chị Năm đã gửi lên rồi”. Mẹ gật đầu, nói: “Con lấy ra, để vô bao thư cho mẹ, mai mẹ mang lên xã cho các anh em làm công tác phòng chống dịch. Những ngày này, người ta thiếu đói khắp nơi, mình góp vô chút đỉnh để xã lo cho dân nghèo, người thất nghiệp”.

Mẹ tôi là vậy. Trong chiến tranh, mẹ cũng chọn cơm rau, ngủ vạt tre, nhường chỗ mát mẻ, sạch sẽ cho bộ đội; nhường thức ăn cho con, cho cháu. Được phong danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng nhưng mẹ vẫn vất vả làm lụng cùng cháu con, sống giản dị. Bởi vậy, khi mẹ nói dành hết tháng lương này để giúp dân, cả nhà tôi không ai bất ngờ” - chị Nguyễn Thị Chua, con gái thứ bảy nói về người mẹ của mình, Mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Huế, người vừa trao tặng Ủy ban Mặt trận tổ quốc xã Vĩnh Lộc B, H.Bình Chánh toàn bộ tám triệu đồng tiền lương người “có công” để góp vào công tác phòng, chống Covid-19. 

Mẹ Huế dành lương tháng Tư tặng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Vĩnh Lộc, H.Bình Chánh để chăm lo cho mùa dịch
Mẹ Huế dành lương tháng Tư tặng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Vĩnh Lộc, H.Bình Chánh để chăm lo cho mùa dịch

Mẹ Huế năm nay 94 tuổi, quê ở Cần Thơ. Thời còn trẻ, sau kết hôn, bà theo chồng về xã Thanh Yên, H.An Biên, tỉnh Kiên Giang và lần lượt sinh tám người con. Ông Nguyễn Văn Hà - chồng bà là một chiến sĩ cộng sản. Hai con trai, một con gái cũng lần lượt theo cha làm cách mạng. Bà một mình gồng gánh nuôi con, tiếp tế cho bộ đội. Trận Mậu thân 1968, ông Hà và chị Nguyễn Thị Lệ, con gái thứ ba của bà hy sinh. Tin dữ đến ngay lúc bà vừa sinh cô con gái út chưa đầy tháng. Bà nén đau thương để vượt lên tất cả. Nhiều người thương cảnh, muốn gá nghĩa, nhưng bà quyết thờ chồng. Bà lại tiếp tục cấy mướn, làm thuê lo các con đứa học chữ, đứa học nghề, đứa yên tâm chống giặc. Nào ngờ khi ngày giải phóng gần kề, hai đứa con nữa của bà đã vĩnh viễn nằm xuống. 

Bà được phong danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, trong tay không có một mảnh ruộng riêng để cấy, để trồng. Các con bà đều chăm chỉ làm ăn nhưng không ai dư giả. Chị Chua bỏ quê lên thành phố mưu sinh, 17 năm đi bán vé số, ở nhà trọ, gần đây vợ chồng chị mới mua được đất xây nhà. Thế nhưng, suốt 45 năm qua, hễ thấy ở đâu có người hoạn nạn, khó khăn, bà lại kêu dâu con “gửi người ta vài ký gạo hoặc thùng mì”. Thấy các tỉnh miền Trung bị bão lụt, bà lại đưa tiền bảo con dâu đi ủng hộ.

Bà thường dạy con cháu: “Nhà mình còn may mắn hơn người. Anh chị em con, đứa nào cũng có sức khỏe, đi làm ở đâu người ta cũng nhận, mẹ lại có tiền Nhà nước lo, san sẻ lại chút cho bà con cô bác cũng là việc phải”.

Ba năm trước, sau khi người con trai thứ năm ra đi đột ngột vì bệnh, sức khỏe bà Huế yếu dần. Thấy bà phải đeo ống thông, vệ sinh khó khăn, chị Chua xin chị dâu đưa mẹ từ Kiên Giang về xã Vĩnh Lộc B, H.Bình Chánh để tiện chăm sóc. Nhưng do chị Chua chưa có hộ khẩu thành phố nên chế độ của bà vẫn còn để ở Kiên Giang. Mỗi tháng, con dâu lại nhận tiền gửi lên cho bà. 

Sáng 10/4, như dặn dò của mẹ Huế, con gái chị Chua chở bà ngoại ra xã. Khi biết mẹ Huế muốn góp lương hưu cho quỹ phòng chống dịch ở địa phương, các cán bộ xã từ lãnh đạo đến nhân viên ai nấy đều ngỡ ngàng, xúc động. Mẹ nói với các anh, các chị: “Hai cuộc chiến tranh, cùng người dân cả đất nước này, mẹ đã mất mát nhiều rồi. Nhưng dẫu sao đó cũng là chiến tranh, mỗi người hy sinh một chút mới có ngày hòa bình. Nay thời bình mà nhiều người lại khốn đốn vì dịch bệnh, nhìn thương không chịu nổi. Mẹ góp chút tiền này, các con cứ tính toán, làm sao bớt được chút khó nào cho dân thì tốt thêm chút nấy”.

Nói rồi, mẹ quày quả hối cháu gái quay về. Hỏi mẹ: “mẹ đau bệnh, sao không để dành tiền hộ thân?”. Mẹ cười: “Người ta ai cũng chỉ ăn ngày ba bữa”.

Chị Chua cho biết, mẹ ăn uống đơn giản, sáng chỉ cần bắc nồi cơm, chiên con cá, xắt trái dưa leo hay dĩa rau luộc với chén canh là đủ để vui vẻ vắt chân trên võng đọc kinh. Mẹ nói: “Sáng ăn cơm chắc bụng, tiền phở, hủ tíu gì đó dành dụm làm được nhiều việc hơn”. Chị Chua cho biết, câu nói cửa miệng đó là lời nhắc nhở con cái được mẹ thường xuyên lặp lại và thực hiện nó suốt mấy mươi năm.

Nghe con gái kể chuyện mình với khách, mẹ Huế chỉ cười, xoay qua võng ngồi, lại lật cuốn Địa mẫu kinh, ngân nga: “Mẹ thương con dạ thầm đau thắt/ Chẳng bao giờ nhắm mắt nghỉ đâu…” 

Nghi Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI