“Lỗ hổng” quản lý cây xanh trong khuôn viên trường học

05/04/2023 - 05:47

PNO - Vụ việc cây cổ thụ trong trường học tại TPHCM bất ngờ ngã đổ khiến nhiều người bị thương vào ngày 3/4 vừa qua một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về “lỗ hổng” quản lý cây xanh trong khuôn viên trường.

Cây xanh trong khuôn viên Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1, TPHCM) bị ngã đổ sáng 3/4 - ẢNH: P.T.
Cây xanh trong khuôn viên Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1, TPHCM) bị ngã đổ sáng 3/4 - Ảnh: P.T.

Cây chết rễ nhưng trường không hay

Sáng 3/4, 1 cây xanh trong khuôn viên Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1) bất ngờ ngã đổ ra đường Nguyễn Văn Thủ làm 6 người bị thương, trong đó có 1 học sinh, 1 phụ huynh và 4 người đi đường. Bà Lê Thị Thanh Giang - Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn - cho hay, cây xanh ngã đổ là cây me tây, đã trồng hơn 20 năm.

Thời điểm xảy ra sự cố là cao điểm buổi sáng, người lưu thông và học sinh tập trung trước cổng trường khá đông. Sau khi sự việc xảy ra, các lực lượng chức năng đã hỗ trợ, đưa nạn nhân đến bệnh viện, các cơ sở y tế gần nhất. Bên cạnh đó, nhà trường đã cử người vào bệnh viện hỗ trợ, chăm sóc người bị nạn.

Đáng nói là, theo vị hiệu trưởng này, nhà trường vừa tiến hành kiểm tra, rà soát định kỳ vào cuối tháng Hai vừa qua và không phát hiện dấu hiệu bất thường nào, nhìn bề ngoài cây vẫn xanh tốt. Hằng năm, trường đều tiến hành quan sát, kiểm tra định kỳ cây xanh trong khuôn viên. Vào dịp hè, trường phối hợp với Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TPHCM để bảo dưỡng, có kế hoạch mé nhánh, xử lý những cây có dấu hiệu hư hại.

Đánh giá về cây bị ngã đổ gây tai nạn, ông Nguyễn Công Sơn - Trưởng phòng Kỹ thuật, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TPHCM - thông tin, qua quan sát, thân cây đã có dấu hiệu mục ruỗng. Sau khi cây ngã đổ bật gốc, có thể thấy bộ rễ bị sâu mục, đứt gãy hoàn toàn, không còn rễ phụ chống đỡ cho cây. Ngoài ra, phần tán cây quá nặng so với khả năng chống chịu của gốc nên dẫn tới nghiêng, đổ. Hiện công ty đang tiến hành đánh giá lại toàn bộ bằng máy móc chuyên dụng, từ đó đề xuất hướng xử lý cụ thể. 

Trong khi đó, ông Vũ Văn Điệp - Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TPHCM) - cho biết, trung tâm chịu trách nhiệm quản lý, chăm sóc cây xanh ở khu vực công cộng, trong công viên, trên các tuyến đường giao thông. Còn cây bị bật gốc nằm trong khuôn viên của Trường THCS Trần Văn Ơn, cho nên trách nhiệm quản lý thuộc về nhà trường.

Theo quy định, các trường phải hợp đồng với đơn vị có chuyên môn chăm sóc cây xanh để định kỳ khảo sát, cắt tỉa, đốn hạ kịp thời. Hằng năm, trung tâm có rà soát, khuyến cáo các trường đốn hạ những cây có dấu hiệu hư hại, nghiêng đổ, đặc biệt là trước mùa mưa bão. Đồng thời, khuyến cáo trường theo dõi, kiểm tra kỹ các cây lớn, cây sâu bệnh, cây lâu năm (trên 20 năm), cây trồng trong các bồn xây cao. Với các cây cao lớn như sọ khỉ, dầu, me tây… phải được kiểm tra thường xuyên, cắt tỉa tán cây.

Không nên “khoán trắng” cho trường

Đây không phải lần đầu tiên xảy ra tai nạn đổ cây trong trường học. Năm 2020, 1 cây phượng cổ thụ trong Trường THCS Bạch Đằng (quận 3) đã bất ngờ đổ ngã khiến 1 học sinh tử vong và 17 em bị thương. Sau đó, rất nhiều trường học có cây xanh, đặc biệt là cây cổ thụ trong khuôn viên trường đã tổng rà soát, tỉa cành, mé nhánh để đảm bảo an toàn.

Bà Phạm Thị Bé Hiền - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (quận 5) - cho hay, do khuôn viên có nhiều cây xanh nên trường rất chú trọng công tác chăm sóc, đảm bảo an toàn. Trường ký hợp đồng với Công ty Công viên Cây xanh để đến kiểm tra, mé nhánh định kỳ. Đồng thời, đơn vị có chuyên môn sẽ quan sát, phát hiện và tư vấn cho nhà trường cách xử lý những cây bị hư hại, có phương án chăm sóc hoặc thay thế.

Trong năm, trường tiến hành ít nhất 3 đợt chăm sóc, cắt tỉa cây xanh. Quan trọng nhất, nhà trường bố trí nhân viên chăm sóc cây, thường xuyên quan sát và phát hiện kịp thời các dấu hiệu bất thường để liên hệ đơn vị chuyên môn xử lý kịp thời. Kinh phí để chăm sóc cây xanh lấy từ nguồn chi thường xuyên, đòi hỏi nhà trường phải tính toán, lên kế hoạch chi tiêu hợp lý.

Còn tại Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), ông Lê Văn Đỏ - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết, hằng năm trước mùa mưa bão trường đều hợp đồng với đơn vị chuyên môn về cây xanh để cắt tỉa, mé nhánh. Đơn vị này cũng sẽ rà soát, dự báo tình trạng của các cây cổ thụ lâu năm. Trường cũng cử người thường xuyên quan sát các cây dầu cổ thụ trong khuôn viên trường để phát hiện kịp thời các nhánh cây khô hoặc cây bị nghiêng, tránh sự cố đáng tiếc. Hằng năm, trong kinh phí thường xuyên đều bố trí chi phí khoảng 10-20 triệu đồng để phục vụ công tác chăm sóc cây xanh.

Theo ông Lê Văn Đỏ, hiện nay công ty cây xanh thu phí của trường học bằng bên ngoài chứ không có ưu đãi nào, phần nào gây khó khăn cho các trường. Do đó, ông kiến nghị nên có chính sách giá ưu đãi cho các cơ sở giáo dục, vì mục tiêu của ngành giáo dục là khuyến khích tăng cường mảng xanh trong trường học.

Tiến sĩ Đinh Quang Diệp - nguyên giảng viên Trường đại học Nông Lâm TPHCM - đánh giá: cây xanh, đặc biệt cây cổ thụ trong sân trường không chỉ đem lại bóng mát, không khí trong lành mà còn là cái hồn của ngôi trường. Tuy vậy, nếu không biết cách chăm sóc, quản lý thì cây cổ thụ cũng tiềm ẩn hiểm họa. Bởi thực tế đa phần cây được bứng về trồng nên rễ nông, dễ đổ khi có gió to. Các trường cần thường xuyên kiểm tra, cắt tỉa các nhánh khô, mục, không để tán quá rộng, nhánh quá lớn.

Đối với các cây lâu năm hư hại bên trong thì rất khó phát hiện bằng mắt thường. Do đó, trường không nên ỷ y là thấy cây vẫn bình thường, mà phải thường xuyên thuê đơn vị chuyên môn để kiểm tra, đánh giá. 

Theo ông Đinh Quang Diệp, để vừa giữ được mảng xanh vừa đảm bảo an toàn, trong sân trường chỉ nên trồng những loại cây có hệ rễ phát triển tốt, cành nhánh dẻo dai. Bên cạnh đó, không nên trồng tràn lan mà nên cân nhắc, nếu khuôn viên trường chật hẹp thì nên chọn giải pháp khác để tăng mảng xanh, còn cây cổ thụ chỉ phù hợp với không gian rộng. Về lâu dài, các cây cổ thụ đều phải được giám định để có kế hoạch thay thế, cây nào cần để lại, cây nào cần đốn bỏ. Phải xây dựng “hồ sơ cây xanh”, để có kế hoạch chăm sóc, dự báo chính xác với quá trình phát triển của cây.

Ông Đinh Quang Diệp cho rằng: “Hiện nay, các trường muốn xử lý, trồng mới hay đốn hạ cây cổ thụ thì phải xin ý kiến của Sở Xây dựng. Nhưng đến khi có sự cố thì sở lại bảo không liên quan vì nằm trong khuôn viên trường. Như vậy, cần xem lại quy trình quản lý để chặt chẽ hơn, không thể khoán trắng cho trường vì trường không có chuyên môn. Sở phải có thống kê các cây cổ thụ trên toàn thành phố, ngay cả trong các cơ quan, công sở, trường học, để theo dõi, kiểm tra, nhắc nhở định kỳ. Sở là đơn vị quản lý nhà nước thì không thể không có trách nhiệm khi xảy ra sự cố về cây xanh”.

Tổng rà soát cây xanh trong trường học

Ông Dương Trí Dũng - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM - cho hay, năm nào thành phố, sở và các phòng GD-ĐT cũng có văn bản nhắc nhở các trường rà soát, ứng phó với thiên tai, mưa bão, không chỉ với cây xanh mà cả các cơ sở vật chất có khả năng đổ sập, gây nguy hiểm…

Theo quy định, có những loại cây do trường chủ động chăm sóc, có những cây phải có sự cho phép của cơ quan quản lý chuyên môn là Sở Xây dựng. Trường học cũng phải theo chỉ đạo của quận, huyện để chăm sóc, quản lý cây xanh phù hợp điều kiện của nhà trường, đặc biệt là những trường có cây cổ thụ lâu năm. Hiện nay, tiền chăm sóc cây xanh lấy từ nguồn kinh phí thường xuyên của các trường. Bên cạnh đó, sở cho phép các trường vận động nguồn xã hội hóa để phục vụ những hoạt động về mảng xanh, bảo dưỡng cây xanh. 

Đối với việc xảy ra ở Trường THCS Trần Văn Ơn, theo ông Dương Trí Dũng, tuy cây xanh ở trong khuôn viên trường nhưng việc xét trách nhiệm tùy tình huống cụ thể. Đối với công tác cây xanh, nhà trường phải có kế hoạch, có hợp đồng cụ thể với các cơ quan chuyên môn để thực hiện các công tác bảo dưỡng, chăm sóc. Như vậy, trong hợp đồng này có quy định trách nhiệm thực hiện của các bên liên quan.

Hiện nay, sau khi có ý kiến chỉ đạo của UBND TPHCM, sở đang nắm bắt sự việc, xác định trách nhiệm cụ thể. Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở giáo dục tập trung rà soát công tác phòng chống mưa bão, thiên tai, trong đó tổng rà soát hệ thống cây xanh, đặc biệt cây cổ thụ trong nhà trường để đảm bảo an toàn cho học sinh, phụ huynh và giáo viên.

 Minh Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI