'Lên ruột' với chỉ tiêu hộ kinh doanh

13/06/2017 - 11:00

PNO - Đã hơn sáu tháng - nửa chặng đường - vận động các hộ cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp (DN) theo chủ trương phát triển 60.000 DN của TP.HCM năm 2017, nhưng nhiều địa phương chỉ thực hiện được 1/10 chỉ tiêu TP đặt ra.

Lên DN rồi giải thể?

Chiều 6/6, chúng tôi ghé chợ đầu mối nông sản Hóc Môn (H.Hóc Môn), một trong những nơi được địa phương tập trung vận động chuyển đổi hộ cá thể lên DN. Không khí buôn bán đang diễn ra tấp nập, các container hàng hóa liên tục ra-vào chợ.

Nghe hỏi về chuyện chuyển đổi lên DN, anh Đào Hữu Lộc - chủ sạp hành, tỏi Lộc Kiều - sạp lớn nhất-nhì chợ với lượng hàng nhập khẩu mỗi ngày lên đến vài ba tấn lắc đầu, cho biết: “Khó lắm, nhức đầu lắm! Cách đây vài năm, chúng tôi có thành lập công ty TNHH MTV Hữu Lộc để nhập hàng hóa từ Trung Quốc, Ấn Độ và mong muốn nâng tầm làm ăn bài bản hơn. Song tôi không đủ kiến thức chuyên môn về thuế, về kế toán, rồi phải lo hồ sơ hợp đồng, bảo hiểm cho lao động, lại thêm mệt mỏi vì kê khai thuế, nơm nớp lo bị chi cục thuế kiểm tra… tôi hết thời gian làm ăn”. 

'Len ruot' voi chi tieu ho kinh doanh
Hộ kinh doanh rau - củ trong chợ đầu mối Hóc Môn không mặn mà khi được vận động chuyển lên DN.

Cũng chính vì vậy mà chưa đầy một năm, anh Lộc phải giải thể công ty này. Hiện tại, với sạp hành - tỏi này, anh  đóng thuế khoán khoảng 700.000đ/tháng.

Theo anh Lộc, sắp tới dù hộ kinh doanh có đóng thuế khoán cao hơn, anh cũng chấp nhận thay vì phải lên DN. Tương tự, nhiều tiểu thương ngành hàng nông sản khác hầu như cũng lấy hàng từ mối lái hoặc trực tiếp từ nông dân, bán lại cho tiểu thương nhỏ lẻ nên không có hóa đơn chứng từ.

Một cơ sở sản xuất bánh mì trên đường Lê Văn Khương (Q.12) cũng đang trong tình trạng không muốn lên DN, dù cơ sở anh có khoảng 10 lao động và có tên trong danh sách vận động của quận. Anh quyết liệt từ chối vì cơ sở nhỏ không có nhu cầu vay vốn, buôn bán nhỏ lẻ nên cũng không cần hóa đơn, chứng từ. Nếu vì cơ sở có 10 lao động mà phải lên DN thì anh thà “giảm bớt lao động, cho lực lượng này chuyển sang thời vụ”.

Đặc biệt hơn, nhiều hộ kinh doanh nhất quyết không chịu lên DN vì nỗi sợ mất thương hiệu. Ông L.A.T. chủ cơ sở đóng giày L.T. (gần chợ Bình Tây, Q.6) là một điển hình. Theo ông, hiệu giày L.T. có từ bao đời và do cha ông gầy dựng nên. Nếu chuyển lên DN, L.T. lại bị trùng tên với quá nhiều DN khác. Gia đình ông thà giữ hình thức hộ kinh doanh còn hơn là lên DN rồi mất luôn thương hiệu. 

Linh hoạt cho hộ “sử dụng giấy phép con”

Sốt ruột với chỉ tiêu TP đặt ra, bà Nguyễn Thị Phượng, Trưởng phòng Kinh tế Q.12, cho biết: “Từ tháng 8/2016, quận đã triển khai chương trình này đến các phường nhưng kết quả khá khiêm tốn".

Theo bà Phượng, có nhiều hỗ trợ cho hộ lên DN, cụ thể như hỗ trợ phần mềm kế toán, kê khai thuế miễn phí trong thời gian đầu, hỗ trợ thủ tục lên DN… nhưng bấy nhiêu vẫn chưa đủ hấp dẫn để hộ kinh doanh thấy ích lợi mà chuyển đổi.

Thực tế, nhiều cơ sở may gia công, cửa hàng ăn uống nằm trong danh sách vận động của quận nhưng khi địa phương tiếp cận, họ cũng lắc đầu với lý do sử dụng lao động không thường xuyên, không có hóa đơn nguyên liệu đầu vào, không có kiến thức, chuyên môn kế toán, ngại chi phí thuê kế toán, phí bảo hiểm cho người lao động…

Để giải bài toán khó này, ông Lý Sâm - Trưởng phòng Kinh tế H.Hóc Môn, đề xuất: “Muốn hộ kinh doanh hào hứng lên DN, ngành thuế nên có chính sách ưu đãi cụ thể hơn, ví dụ giảm thuế vài ba tháng”. Và nỗi lo ngại của các hộ về việc bị mất thương hiệu khi chuyển lên DN là có thật.

Vì vậy, ông Đoàn Văn Luân, Trưởng phòng Kinh tế Q.6, cho biết: “Chúng tôi khuyến khích hộ kinh doanh hoạt động song song hai hình thức vừa là hộ kinh doanh vừa là công ty TNHH để làm quen dần với mô hình mới. Sau khi tự tin với mô hình mới, các đối tượng này có thể giải thể hộ kinh doanh thay vì phải giải thể ngay để thành lập DN như quy định hiện nay. Để hiện thực hóa chỉ tiêu TP đề ra, cá nhân tôi cho rằng nên bỏ hình thức hộ kinh doanh mà chỉ còn DN tư nhân bởi hai mô hình này hoạt động không khác gì nhau. Ngoài ra, khi hộ đã chuyển lên DN, các sở - ngành nên hỗ trợ thủ tục liên thông để giảm khâu đi lại, mất thời gian, chi phí…”. 

Trước tình hình số lượng hộ cá thể lên DN ít ỏi như hiện nay, TP đã tạm thời chấp nhận cho hộ chuyển lên DN được sử dụng những giấy phép con trong khoảng thời gian đầu. Đó là những giấy tờ mà địa phương cấp cho hộ khi hoạt động dưới hình thức hộ kinh doanh như giấy chứng nhận VSATTP, giấy phép kinh doanh… và được sử dụng cho đến khi hết hiệu lực thay vì phải xin cấp lại các loại giấy tờ này ngay khi lên DN . 

Hiện nay, các thành phần kinh tế đều vận động theo cơ chế thị trường. Để có nhiều hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi lên DN, vấn đề phải xuất phát từ nhu cầu thực tế của họ. Điều đó còn bị chi phối bởi cơ chế vận hành DN hiện nay vẫn nhiều rắc rối, đặc biệt việc nhũng nhiễu DN vẫn là một ám ảnh đối với nhiều người kinh doanh. 

Số hộ kinh doanh đã chuyển lên doanh nghiệp tại một số quận tính đến tháng 5/2017
Quận Bình Tân: 64 hộ chuyển lên DN/chỉ tiêu 1.754 DN trong năm 2017 
Quận 12: 11 DN/chỉ tiêu 1.161 DN
Quận 6: 46 DN/chỉ tiêu 878 DN

Thu Hồng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI