Lê Rin và những cuộc "check in" ẩm thực

24/05/2020 - 07:20

PNO - Lê Rin ở ngoài nhìn nhỏ xíu, trẻ hơn tuổi 31 và cả những bức ảnh được đăng tải trên các trang báo. Hỏi vui: “Sao Rin ăn nhiều mà không mập?”.Anh cười hiền queo. Có lẽ năng lượng đã dồn hết vào những bức tranh, những dự án sách cả rồi.

Sau artbook Việt Nam miền ngon (2017), Lê Rin tiếp tục cho ra mắt cuốn Việt Nam dọc miền du ký (tập 1, Thái Hà Books và Nhà xuất bản Lao Động vừa ấn hành). Hiện anh vẫn đang tiếp tục tập 2 với chủ đề Huế - Sài Gòn - Hà Nội…

Lúc thất nghiệp mới thấy... đường đi sáng 

Có thể nói, Lê Rin là gương mặt tiên phong vẽ món ăn và in sách artbook ẩm thực tại Việt Nam. Việt Nam miền ngon ra mắt cách đây ba năm - thời điểm thể loại sách họa còn khá hiếm hoi - nhanh chóng trở thành tựa sách được bạn đọc yêu thích, tìm đọc.

Họa sĩ Lê Rin
Họa sĩ Lê Rin`

Lần đầu tiên có một artbook ẩm thực được vẽ công phu, đẹp mắt, trình bày kỳ công, sinh động. Mỗi món ăn còn kèm theo phần ghi chép hướng dẫn cách nấu nướng, chế biến. Từ bánh mì, bánh da lợn, bánh khoai mì nướng, bánh khoái, bánh bèo chén, chuối nếp nướng… đến chả cá Lã Vọng, bún đậu mắm tôm, bún chả Hà Nội, bánh đa cua, bún bò Huế, bún mắm, cơm dừa Bến Tre… Rồi những gánh hàng rong qua mọi nẻo đường. Sách của Rin mang đến nhiều cảm xúc, “đánh thức” vị giác vì những món ăn được vẽ rất bắt mắt, trình bày đúng kiểu ẩm thực đặc trưng các vùng miền. 

Món ăn nào trước khi vẽ, Lê Rin cũng đều ăn thử, cảm nhận, chụp ảnh làm tư liệu. Mỗi tác phẩm của anh được hoàn thành bằng sự tổng hòa các giác quan: thị giác, xúc giác, khứu giác, vị giác… lẫn sự hào hứng, say mê. Anh chăm chút từng chi tiết trên cọng rau, con cá, từng sợi bún, chiếc bánh... Để mỗi món ăn đều thể hiện đúng nguyên bản trong giá trị văn hóa ẩm thực Việt. Mỗi bức vẽ mất gần nửa ngày. Rin không chỉ vẽ cho giống, mà vẽ để giữ lại những tinh túy của ẩm thực các vùng miền, mỗi món ăn như nhắc người đọc nhớ về một vùng đất.

Với Lê Rin, vẽ một món ăn không đơn thuần là sao chép lại hình ảnh thực lên giấy bằng màu vẽ mà đòi hỏi người họa sĩ phải có kiến thức và am hiểu về món ăn đó. Sự sáng tạo trong những minh họa cũng không giống như một graphic designer thiết kế nên một cái logo mà phải vẽ nên một món ăn trở nên gần gũi, hấp dẫn khiến người ta nhìn cũng phải thèm.

Vẽ đi vẽ lại cho đến khi tự hài lòng đã khiến anh tiêu tốn rất nhiều thời gian. Rin vẫn nhớ rất rõ món ăn đầu tiên được đặt bút vẽ là món canh chua, ngày 20/6/2016. Đó là những ngày anh… thất nghiệp sau khi rời công việc trợ lý cho nhà thiết kế Nguyễn Công Trí. 

“Lúc ấy tôi chỉ nghĩ là vẽ giết thời gian thôi. Nhưng càng vẽ càng thấy Việt Nam có quá nhiều món ăn ngon, tự hỏi sao mình không thử thiết kế thành một bản thảo sách rồi gửi đến nhà xuất bản. Đến tháng 11/2016, tôi vẽ được 100 món, dành thêm một tháng nữa làm nội dung bản thảo rồi gửi đi. Một vài nơi từ chối. Cuối cùng thì Thái Hà Books nhận in, vui vô cùng. Tháng 5/2017, sách chính thức ra mắt, tôi cũng chỉ nghĩ ừ thì sách in được là vui rồi, coi như đã hoàn thành tâm nguyện và… không nghĩ gì nữa” - Lê Rin nhớ lại.

Anh cũng không hề nghĩ rằng tác phẩm đầu tay cũng chính là cánh cửa dẫn lối anh bước vào con đường vẽ tranh ẩm thực. Đến giờ, Việt Nam miền ngon đã tái bản bốn lần, với 7.500 bản in. Còn Lê Rin, nhận được nhiều cơ hội hợp tác với nhiều thương hiệu lớn. Grab, McDonald’s, Vietnam Airlines, Vinamilk, Domino’s  Pizza, Samsung, Daniel Wellington… đã chọn Lê Rin đặt hàng.

Nhiều người khuyến khích Rin thực hiện tiếp tập 2 Việt Nam miền ngon. Nhưng sau những chuyến du lịch kết hợp thực tế sáng tác, anh lại đổi ý làm bản thảo artbook kết hợp vẽ món ăn và khai thác thêm những giá trị văn hóa ở các vùng miền. Những di sản, di tích, làng nghề, không gian văn hóa mỗi vùng được Lê Rin chọn lọc, giới thiệu trong 155 trang sách Việt Nam dọc miền du ký

“Tôi muốn giữ lại những giá trị có thể đã và đang mất dần trong tương lai. Như nghề đan võng gai - nhân vật trong sách chính là bà tôi, giờ bà đã ở tuổi 80 và nghề này ở quê tôi không còn ai làm nữa. Bản Cát Cát (Sa Pa) ngày tôi đến, những ngôi nhà gỗ của đồng bào H’Mông đã được xây mới, hiện đại hơn nhưng đã mất bản sắc cũ. Đỉnh Mã Pì Lèng trong chuyến đi đầu tiên còn hoang sơ, lần thứ hai trở lại đã thấy người ta xây công trình bên dòng Nho Quế” - Lê Rin bùi ngùi.

Thay vì kể lại bằng cảm xúc, trải nghiệm, Lê Rin chọn cách truyền tải câu chuyện một cách khách quan. Những bức tranh vẽ bằng màu nước tỉ mẩn, chăm chút kỹ lưỡng từng chi tiết và những giá trị văn hóa trong cuốn sách cứ cuốn hút người đọc cho đến trang cuối cùng. 

Suýt bỏ học vì nhà nghèo

Cho đến bây giờ mỗi khi nhắc về chuyện ngày xưa, mẹ Rin vẫn hay đùa: “Ngày đó mà con nghỉ học thì… uổng quá”. 

Ngày đó là những năm cuối cấp III của Lê Rin. Quê Rin là một ngôi làng bên chân núi, thuộc thôn Khánh Nhơn, xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Nhà nghèo, người quê nhiều khi muốn con nghỉ học đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình. Rin bảo anh cũng đã đồng ý nghỉ, đi làm công việc sửa xe hay lao động tay chân gì cũng được. Nhưng rồi mẹ lại bảo: “thôi con tiếp tục học đi”. Những định hướng nghề nghiệp của chàng trai mười tám ngày ấy cũng mù mờ như đường vào TP.HCM hay phải chọn trường nào để thi. 

“Ban đầu tôi dự định thi vào trường đại học Quy Nhơn, làm thầy giáo. Nhưng ba tôi nói con có năng khiếu vẽ, sao không trở thành họa sĩ. Mà hồi đó ở quê tôi, ai nghe hai từ “họa sĩ” cũng nghĩ đến chữ “nghèo, tóc tai bù xù”, không có tương lai. Nhưng tôi lại nghĩ khác. Vậy là chuyển hướng sang thi Đại học Kiến trúc TP.HCM, rồi thi…rớt. Sau này theo chuyên ngành ở trường đại học Công nghệ Sài Gòn (STU), càng học tôi càng thấy mình đã đi đúng sở thích, có thể phát huy được sở trường của bản thân” - Lê Rin chia sẻ. 

Các artbook của Lê Rin
Các artbook của Lê Rin

Hỏi Rin có dự định sẽ làm một cuốn sách khác về tuổi thơ, cho quê mình hay không. Anh gật đầu, “sẽ”. Anh vẫn nhớ những hừng đông mẹ gọi dậy gánh hàng ra chợ, trên con đường gập ghềnh thiếu ánh sáng. Vẫn nhớ những ngày đun củi, khói mờ mắt bên lò rượu truyền thống của gia đình. Vẫn thương vô cùng nông trại nhỏ chăn nuôi heo, gà, vịt… và những dịp Tết cả nhà quây quần làm bánh thuẫn… Một tuổi thơ nghèo khó không biết nhiều món ăn ngon nhưng lại vô cùng ngọt ngào.

Gánh chè và những món ăn ngon lành của mẹ là một phần dấu nhớ trên những nét vẽ của Rin về ẩm thực quê nhà trong những cuốn sách sau này. Nhưng Rin nói, đó là dự án còn phải xếp hàng sau nhiều kế hoạch khác cho sách họa mà anh đang có. Một phần ký ức quê nhà cũng đã được anh chọn khắc họa trong Việt Nam dọc miền du ký (phần tỉnh Ninh Thuận).

Những ngày này, Rin vẫn đang tập trung cho tập 2 Việt Nam dọc miền du ký. Mỗi ngày anh làm việc chăm chỉ từ 9g sáng có khi đến 12g đêm. Rin bảo còn phải đi nhiều hơn về các tỉnh phía Bắc để làm đầy tư liệu. 

Và hành trình vẫn chưa dừng lại... 

Việt nam dọc miền du ký tập 1 cũng từng được lên kế hoạch ra mắt sách, triển lãm trong dịp Hội sách TP.HCM lần thứ 20. Nhưng mọi thứ đã bị hoãn lại do COVID-19. Những tác phẩm của Lê Rin đều được in song ngữ, hoặc chuyển ngữ sang tiếng Anh. Bằng một lối đi riêng khởi từ đam mê của bản thân, Lê Rin đang dần góp phần lớn trong việc quảng bá ẩm thực, văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Lục Diệp

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI