Lan tỏa tình yêu áo dài qua các mùa lễ hội

08/03/2023 - 10:00

PNO - Lễ hội Áo dài TPHCM lần thứ chín, năm 2023 đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo công chúng khi dư âm và sự lan tỏa của chiếc áo dài đang ngày một nhân lên.

Chiếc áo nhiệm màu

Trong đêm 5/3, dừng chân tại vòng chung kết cuộc thi “Duyên dáng áo dài TPHCM năm 2023” và không có giải thưởng, nhưng chị Trịnh Thanh Huyền (phường 7, quận 8) vẫn cười tươi khi gặp bạn bè, người thân đến ủng hộ mình dưới sân khấu. Niềm vui lại được nhân đôi khi trong số bạn bè của chị có một người được chị “dụ dỗ”, thuyết phục đi thi, hỗ trợ tư vấn về trang phục, màu sắc, phụ kiện và lần đầu tiên đứng trên sân khấu trình diễn, đã được trao giải nhất ở bảng A2 (bảng thi dành cho người lớn tuổi). Chị Huyền tin rằng, từ lần đầu tiên này, áo dài sẽ có một vị trí đặc biệt trong lòng bạn và từ đó lan tỏa thêm ra nhiều người.

Các nhà ngoại giao của các nước cùng nhau trải nghiệm kỹ thuật nhuộm vải từ thảo mộc
Các nhà ngoại giao của các nước cùng nhau trải nghiệm kỹ thuật nhuộm vải từ thảo mộc

Làm nghề kinh doanh tự do nên trước đây chị Huyền ít có cơ hội diện áo dài. Nhưng vào tháng 3/2022, Chi hội Phụ nữ chung cư D1 Phú Lợi thành lập đúng vào mùa lễ hội áo dài, nên chị Huyền “bị vận động” mặc áo dài, rồi lại “bị vận động” tham gia hội thi Duyên dáng áo dài quận 8, và tiếp sau đó là hội thi Duyên dáng áo dài TPHCM lần thứ tám, khiến chị say đắm áo dài lúc nào không hay. Trong năm qua, chị có tổng cộng 9 lần đứng trên các sân khấu lớn nhỏ để trình diễn áo dài. Tủ áo dài của chị cũng vì thế mà tăng thêm gần 20 bộ. Mỗi dịp đặc biệt như ngày sinh của mình hay đến trường dự lễ khai giảng năm học mới của con, chị đều đi chọn vải để may một bộ áo dài mới. Chúng tôi hỏi, bằng cách nào mà tình yêu áo dài nảy nở nhanh như vậy?

Chị Huyền kể: “Những ngày cùng chị em đi trình diễn, nhìn mọi người tỏa sáng trong những phong cách áo dài khác nhau, tôi đã cảm nhận nhiều hơn về nét đẹp của chiếc áo dài và cảm thấy mình cũng tự tin, duyên dáng hơn khi mặc”. 

Không chỉ tự nuôi nấng tình yêu của mình đối với áo dài, chị Huyền còn nhen nhóm tình yêu ấy với chị em phụ nữ chung cư. Qua 2 mùa lễ hội, chị trở thành “đại sứ áo dài” tại chung cư khi nhận được nhiều tin nhắn, cuộc gọi của chị em nhờ tư vấn về loại vải, tiệm vải, tiệm may, phối màu sao cho đẹp… Và niềm vui, tình yêu với áo dài ở chị càng lớn hơn khi nhìn thấy chị em, bạn bè xung quanh ai cũng tự tin diện áo dài trong các lễ hội, sự kiện hay những khi dạo phố.

Ngày 6/3, tại buổi giao lưu “Áo dài Việt Nam - Chiếc áo nhiệm màu” do Nhà văn hóa Phụ nữ TPHCM tổ chức, một chị phụ nữ Đài Loan đang sinh sống và làm việc tại TPHCM cho biết, chị trở thành thợ may áo dài bởi yêu vẻ đẹp khiêm nhường, giản dị nhưng tinh tế của chiếc áo dài. “Ngày trở về Đài Loan lấy chồng, trong hành trang của tôi có chiếc áo dài màu xanh ngọc. Đó là lần đầu tiên tôi mặc chiếc áo dài Việt Nam. Chồng và các em rất thích bởi chiếc áo dài tôn dáng người mặc, gần như che hết mọi khuyết điểm, thật sự là chiếc áo nhiệm màu. Tôi may tặng mỗi người một bộ và ai cũng thích. Trong những năm qua, tôi thích mặc áo dài khi xuất hiện tại những sự kiện quan trọng” - chị chia sẻ.

“Chưa bao giờ áo dài lộng lẫy như thế!”

Tiến sĩ tâm lý Lý Thị Mai xúc động nói lên điều ấy khi bà có mặt trong đêm khai mạc Lễ hội Áo dài TPHCM năm 2023 với vai trò là một đại sứ. Vị đại sứ cho biết, những ngày qua, bà vẫn chưa thoát khỏi không khí lễ hội, không phải vì sự hoành tráng của chương trình mà vì tính nhân văn trong câu chuyện quảng bá áo dài - cũng là chuyện khẳng định dáng vẻ, tâm hồn đất nước. Trong đêm khai mạc, trước sự chứng kiến của hàng ngàn người dân thành phố và du khách quốc tế, từ nam giới đến phụ nữ, từ người lành lặn đến người bị khiếm khuyết một phần cơ thể, đều tự tin, tự hào khi mặc chiếc áo dài mang nhiều thông điệp sâu sắc của cả chiều dài văn hóa dân tộc. Ở đó, có cả những ngày dài đau đáu, trăn trở của những người làm văn hóa để chiếc áo dài ngày càng bay xa.

Áo dài tung bay trong những ngày lễ hội tại TPHCM  ảnh: tam nguyên
Áo dài tung bay trong những ngày lễ hội tại TPHCM - Ảnh: Tam Nguyên

Ai cũng công nhận, áo dài ngày nay đa dạng hơn về kiểu dáng và chất liệu, không chỉ phù hợp với vóc dáng đa dạng mà còn tạo sự thoải mái cho người mặc. Hình ảnh trên tà áo dài không chỉ là di sản, là văn hóa, vẻ đẹp tâm hồn người Việt, là vẻ đẹp trải dài trên dải đất hình chữ S, mà còn là những hình ảnh chắt lọc của văn hóa, văn minh của nhân loại. Đó là điều kiện để chúng ta tin rằng, áo dài không chỉ có sứ mệnh quảng bá văn hóa, đất nước, con người Việt Nam mà còn mang mục đích truyền tải, kết nối để cùng nhau phát triển. 

“Áo dài sẽ là hình ảnh của tương lai!” - bà Ariadne Feo Labrada - Tổng lãnh sự quán Cu Ba tại TPHCM - khẳng định khi tham dự tọa đàm về bảo tồn và phát triển áo dài gắn với phát triển du lịch TPHCM cũng như tham quan các work shop về kỹ thuật nhuộm, vẽ, trải nghiệm trực tiếp quy trình và các kỹ thuật độc đáo hình thành chất liệu cũng như làm nên hình ảnh chiếc áo dài ngày nay diễn ra cuối tuần qua. Cho rằng trải nghiệm trực tiếp sẽ khiến nâng cao giá trị nhận thức, từ đó nuôi dưỡng tình yêu đối với trang phục truyền thống này, bà Ariadne Feo Labrada đề xuất TPHCM nên tổ chức nhiều hoạt động để giảng giải ý nghĩa của chiếc áo dài, kỹ thuật tạo màu cũng như quy trình làm ra chiếc áo dài với bạn trẻ và du khách. Bà Ariadne Feo Labrada cũng tin tưởng rằng, truyền thống, văn hóa Việt Nam gắn với tà áo dài sẽ được phát huy qua những mùa lễ hội. 

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI