Khi nỗi lo thực phẩm mùa dịch được giải quyết

21/07/2021 - 06:44

PNO - Những ngày đầu thành phố bước vào giãn cách theo Chỉ thị 16, số ca nhiễm COVID-19 tăng vọt, nhưng không khiến người ta lo lắng bằng việc mua được thực phẩm...

Những ngày đầu thành phố bước vào giãn cách theo Chỉ thị 16, số ca nhiễm COVID-19 tăng vọt, nhưng dường như không khiến người ta lo lắng bằng việc mua được thực phẩm ở đâu. 

Đây không phải lần đầu TPHCM giãn cách, nên khi thấy mọi người ùn ùn đến siêu thị, tôi trấn an vợ: “Tủ lạnh còn đồ thì khỏi cần mua, mai mốt cửa hàng, siêu thị lại đầy ắp hàng hóa, vắng người mình tha hồ chọn…”. Các doanh nghiệp cũng khẳng định nguồn hàng dự trữ đủ đáp ứng nhu cầu tăng đột biến từ thị trường. Vợ nghe theo, nhưng hai ba ngày sau, những lần đi chợ về của vợ là… tay không, hoặc chỉ vài thứ mua được tạm bợ dù phải xếp hàng rất lâu. Vợ giao việc đi chợ lại cho tôi. 

Người dân xếp hàng chờ vào siêu thị mua sắm
Người dân xếp hàng chờ vào siêu thị mua sắm

Hôm nhà hết sạch rau, tôi chạy một vòng ra khu chợ gần nhà đã đóng cửa với hy vọng những cửa hàng nhỏ quanh chợ còn bán. Đúng là một vài cửa hàng vẫn bán trong trạng thái cửa khép hờ. Tôi phải dựng xe khá xa theo yêu cầu người bán, rồi khom người qua lớp cửa để vào trong. Mùi rau củ hư thối xộc thẳng qua lớp khẩu trang, hầu hết hàng còn lại là hàng tồn, nhưng không ít khách như tôi vẫn chấp nhận cảnh đi mua hàng lấm lét như đi ăn trộm, vì gần như không còn lựa chọn. Những loại rau nêm, gia vị như hành lá, ngò rí… ngày thường được tặng kèm, giờ cũng trở nên khan hiếm, đắt đỏ… 

Ra đường, không khó để bắt gặp những thùng xốp ngoằn ngoèo chữ viết tên, số điện thoại người nhận… Đa số là đồ “cứu trợ” từ người thân dưới quê gửi lên qua các nhà xe. Hoặc người ở quận này còn thì san sẻ cho người thân ở quận khác. Những đồng nghiệp của tôi cách nhau hàng chục cây số còn chia sẻ vài củ gừng hay bó hành lá qua ứng dụng giao hàng. Không còn được lựa chọn, nhiều người chấp nhận mua theo kiểu “méo mó có hơn không”, thì tránh sao khỏi tâm lý bất an. Những con hẻm nhỏ bỗng dưng mọc ra các điểm bán lèo tèo vài ba mớ rau, hay những con cá mềm nhũn vì ngấm nước đá… 

Thật may khi chúng ta không phải đón nhận các thông tin về các vụ ngộ độc trong thời điểm tất cả bệnh viện của thành phố đang phải dành hết ưu tiên cho việc chữa trị bệnh nhân COVID-19 này.

Những doanh nghiệp cung ứng hàng thiết yếu trước đó có tự tin về nguồn hàng dự trữ trong kho đủ đáp ứng nhu cầu tăng đột biến, nhưng họ cũng không lường trước được, khi các địa phương đồng loạt áp dụng các biện pháp phòng dịch, thì việc đưa hàng từ kho đến điểm bán cũng khó khăn biết chừng nào. Hơn hết, kênh bán lẻ hiện đại dường như vẫn chưa đủ sức gánh thay toàn bộ công việc của phương thức mua bán truyền thống qua các chợ. Cơ quan chức năng cũng nhanh chóng nhận ra khi các chợ đầu mối, chợ truyền thống… đồng loạt dừng hoạt động chuỗi cung ứng đứt gãy. Và dù có lường trước các tình huống, nhưng khi thực tế diễn ra, thì có quá nhiều điều vượt xa kịch bản ban đầu. 

Chỉ khi các điểm trung chuyển nông sản thực phẩm, thực ra là để một, hai chợ đầu mối tái mở cửa một phần; các chợ truyền thống đáp ứng đủ tiêu chí an toàn phòng, chống dịch bệnh được mở bán trở lại, trong điều kiện giới hạn vài tiểu thương ngành hàng rau củ; tổ chức cho tiểu thương bán luân phiên hay phát phiếu cho người đi chợ; các điểm bán lưu động cũng được mở rộng, sức ép lên các siêu thị, cửa hàng nhờ đó được giảm tải.

Nhiều biện pháp phòng, chống dịch cũng thay đổi, những nút thắt trong lưu thông phân phối hàng hóa liên tỉnh được cởi bỏ, quản lý thị trường vào cuộc, tiểu thương, tài xế được xác định là đối tượng ưu tiên tiêm vắc-xin ngừa COVID-19. Những lời cam kết đủ hàng hóa ít hơn, thay vào đó là các kệ hàng nhiều thực phẩm hơn, thì nhịp mua bán cũng tự khắc ổn định. Người dân cũng bớt nhốn nháo chạy khắp nơi tìm mua thực phẩm, những chiếc xe máy chất đầy thực phẩm trên đường cũng ít đi, các điểm bán cũng không còn tha hồ hét giá…

Rõ ràng, khi những thứ gọi là thiết yếu được đảm bảo, người dân mới yên tâm chống dịch. 

Hoàng Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI