Khi nạn nhân bạo hành lên tiếng

27/10/2017 - 10:14

PNO - 30 nạn nhân bạo lực gia đình đã dự buổi tọa đàm “Tiếng nói người trong cuộc” do Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM tổ chức vào sáng 26/10. Không ít nạn nhân bày tỏ, họ ráng chịu đòn để gia đình được yên ấm (!?).

Đau đớn, tủi nhục, vẫn “cắn răng chịu đựng”

Là nạn nhân đầu tiên “lên tiếng” tại tọa đàm, chị N.T.P. (ngụ tại P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức) chua xót: “Chồng tôi nhục mạ tôi bằng đủ lời lẽ đê hèn. Không chỉ mắng chửi, ổng còn đánh tôi bằng bất cứ thứ gì vơ được. Những lần bị chồng bạo hành, tôi  không chỉ đau mà còn tủi nhục, xấu hổ. Tôi biết, chính sự sợ hãi và xấu hổ của mình đã tiếp sức cho thói quen bạo lực của chồng kéo dài”.

Khi nan nhan bao hanh len tieng
Chị N.T.L. kể chuyện bị chồng đánh suốt 19 năm qua

Chị P. kết hôn hơn 20 năm trước. Trong cuộc sống hôn nhân, chị đã lấy sự dịu dàng, tử tế để chiều chuộng, chăm sóc chồng con, nghĩ mình thương chồng thì sẽ được thương lại. Thế nhưng, sau khi cưới không lâu, chồng chị bắt đầu đàn đúm, nhậu nhẹt. Sau những cuộc nhậu, anh về “đá thúng, đụng nia” với vợ.

Ban đầu, chị P. nhịn, nhưng đến khi anh được gia đình chia đất, bán đất có tiền, anh sa vào ăn chơi. Chị can ngăn lúc nào là bị chồng đánh chửi lúc đó. Sau nhiều trận đòn của chồng, chị nộp đơn ly hôn, nhưng anh năn nỉ, hứa sẽ không tái phạm. Thế nhưng, anh ta vẫn chứng nào tật đó.

Nghe câu chuyện của chị P., chị Huỳnh Thanh Thủy - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố Phước Lai, P.Long Trường, Q.9 - thốt lên: “Chị ấy dung dưỡng chồng như vậy thì làm sao thoát cảnh bạo hành”.

“Nhưng không cam chịu thì tôi biết phải làm sao?” - chị N.T.L., ngụ tại Q.9, người có 19 năm làm vợ trong tủi nhục, tỏ ra đồng cảm với chị P. Chị L. kể: “19 năm qua, tôi chưa một lần ngủ tròn giấc. Lấy chồng xong, có con ngay, tôi vừa bận bịu chăm con, vừa tự bươn chải kiếm sống. Đã không chia sẻ với vợ, chồng tôi còn kiếm đủ chuyện dằn vặt, hành hạ tôi. Tôi kêu cứu ở công an nhiều đến nỗi mấy chú, mấy anh nhẵn mặt. Mấy năm trước, do các con còn đi học, tôi phải ở nhà để đưa đón, chăm sóc con, giờ thằng lớn sinh năm 2000 và thằng nhỏ sinh 2002 đều xin được việc, đi làm, tôi bỏ nhà vô chòi trồng sen, canh tôm tạm lánh, nhưng anh ta cũng không ít lần mượn rượu vô đó quấy nhiễu tôi”.

Chị L. nói thêm: “Bây giờ tôi đã quyết phải ly hôn rồi. Chẳng qua hồi đó, tôi chịu đựng vì các con còn quá nhỏ. Tôi ráng chịu đòn chồng để… gia đình yên ấm”.

Trước hết, phải tự cứu mình

Theo báo cáo của Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM, trong sáu tháng đầu năm 2017, toàn TP.HCM phát hiện 131 vụ bạo lực gia đình, trong đó 71% vụ bạo lực thể chất, 24% vụ bạo lực tinh thần, 3% vụ bạo lực tình dục và 2% vụ bạo lực về kinh tế. Trong 131 vụ trên, nữ giới chiếm đến 82% tổng số nạn nhân. 

Theo ông Thái Hoàng Nhạc - Phó trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM, đây chỉ là số vụ được phát hiện, là “phần nổi của tảng băng chìm”, bởi không ít vụ, nạn nhân cố tình che giấu. So với cùng kỳ năm 2016, số vụ bạo lực gia đình được phát hiện trong năm 2017 có giảm, nhưng nhiều vụ lại mang tính chất nghiêm trọng, nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của nạn nhân.

“Có nhiều vụ án, nghe tóm tắt đã phải giật mình, như vụ chồng hờ dùng búa đập bể đầu vợ trong phòng trọ, vụ chồng nổi cơn ghen đâm chết vợ trước mặt hai con, hoặc vụ vợ bị chồng lột đồ và tra khảo ngoài đường” - ông Nhạc nói.

Chị Huỳnh Lương Thảo - chuyên viên Phòng Văn hóa và Thông tin Q.8 - cho rằng, bạo hành tinh thần hiện diễn ra khá phổ biến trong giới trẻ trí thức, cán bộ công chức, nhưng hầu hết nạn nhân đều cố tình che giấu. Các cặp vợ chồng này đều có trình độ, có công việc, thậm chí có địa vị cao trong xã hội nên họ không dại gì bạo hành nhau về thể xác. 

Ghi nhận những câu chuyện của “người trong cuộc”, bà Trần Thị Như Phương - Trưởng ban Chính sách Pháp luật, Hội LHPN TP.HCM chia sẻ: “Chính các nạn nhân đều khẳng định, bây giờ không giống ngày xưa nữa, hễ tố cáo bị chồng đánh là có công an vào cuộc, có Hội Phụ nữ trợ sức. TP.HCM có 2.040 khu phố, ấp, mỗi nơi đều có câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc. Toàn thành phố hiện có 1.142 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, 426 số điện thoại đường dây nóng phòng chống bạo lực gia đình. Sức lan tỏa, hiệu quả hoạt động của những địa chỉ này ngày một mạnh mẽ hơn, nhưng điều cần nhất chính là tự các nạn nhân phải lên tiếng, phải biết tự cứu mình”. 

"30 nạn nhân đều bị bạo hành do chồng ăn nhậu, say xỉn. Tôi nghĩ, cần phải chế tài hành vi lạm dụng rượu bia, cần bắt buộc chữa bệnh đối với người nghiện. Nên chăng, cần xem việc sử dụng, lạm dụng rượu bia gây bạo lực, gây thương tích, tổn hại sức khỏe, tinh mạng, tinh thần người khác như một tình tiết  tăng nặng trong tố tụng hình sự”.

Trần Việt Thái - Trưởng phòng Tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp TP.HCM

Nghi Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI