Khi loài người đối diện với quá khứ và tương lai

21/05/2020 - 16:53

PNO - Wolf Hall và Never Let Me Go, hai cuốn sách biểu trưng cho số phận loài người khi nhìn về quá khứ và những vấn đề phải đối mặt ở tương lai.

Tờ The Guardian mới đây vừa đưa ra gợi ý 100 cuốn sách hay nhất trong 20 năm đầu thế kỷ XXI. Có mặt trong danh sách này là các quyển sách đồ sộ, kỳ công, từng đoạt nhiều giải thưởng lớn như Man Booker, Putlizer, Nobel ở các thể loại tiểu thuyết, hồi ký hoặc biên niên sử. Tiêu biểu và nổi bật nhất trong top 10 danh sách này, phải kể đến Wolf HallNever Let Me Go, hai cuốn sách biểu trưng cho số phận loài người khi nhìn về quá khứ và những vấn đề phải đối mặt ở tương lai.

Wolf Hall (tựa Việt: Lâu đài Sói hay Sảnh Sói) của Hilary Mantel - nữ nhà văn đầu tiên nhận hai giải Man Booker. Lấy bối cảnh nước Anh cuối thế kỷ XVI, Wolf Hall kể lại cuộc đời của Thomas Cromwell, nhân vật lịch sử nổi bật nhất nước Anh thời Trung cổ, người bằng trí thông minh và đầu óc nhạy bén, đã cùng vua Henry VIII đưa nước Anh thoát khỏi sự phụ thuộc của giáo hội. 

Mantel tập trung mô tả hai giai đoạn quan trọng nhất cuộc đời Cromwell: năm ông 14 tuổi, là đứa con của một người thợ rèn rượu chè be bét phải tha hương cầu thực; và khi Cromwell 40 tuổi, trở thành cố vấn của Hồng y Wolsey.

Mantel không tô hồng hay bôi đen nhân vật, bà vẽ nên chân dung một con người trước số phận lịch sử, buộc phải chọn lựa: hoặc là để người khác giẫm đạp coi thường, hoặc đứng dậy, làm chủ bản thân và tạo nên lịch sử. Cromwell đã chọn cách thứ hai. Ông có thể là một nhà chính trị nhiều mưu lược, tinh quái, nhưng đồng thời cũng là một người rộng lượng, hết lòng thương yêu vợ con; một con người luôn dao động qua lại ranh giới giữa thiện và ác.

Wolf Hall được đánh giá là cuốn tiểu thuyết xuất sắc không chỉ bởi tài năng kể chuyện khéo léo của Mantel, mà còn bởi cách đặt vấn đề của bà trước các nhân vật lịch sử qua góc nhìn hiện tại. Họ luôn được thế hệ sau nhìn bằng đôi mắt tò mò.

Giải mã họ là điều không đơn giản. Nhưng ngợi ca họ quá trớn hay triệt hạ họ để phê phán, đều thật ngốc nghếch và ấu trĩ. Vì tất cả đều là con người phức tạp với đúng bản chất của nó; có thể phạm sai lầm, nhưng cũng có thể trở nên phi thường trong khoảnh khắc.

Never Let Me Go - tiểu thuyết khoa học giả tưởng của nhà văn người Anh gốc Nhật Kazuo Ishiguro - ngay khi ra đời năm 2005 đã tạo thành cơn chấn động chưa từng thấy trong giới văn chương, bởi nó nhìn trực diện vào tương lai và đặt con người vào câu hỏi tiến thoái lưỡng nan: Thế nào mới là con người? Giúp người thân kéo dài sự sống hay bảo vệ những đứa trẻ sinh ra bằng nhân bản vô tính mới là nhân đạo?

Trong thế giới giả tưởng của Ishiguro, ung thư và hàng loạt căn bệnh hiểm nghèo được chữa khỏi đã khiến người ta quên mất nguồn nội tạng khổng lồ, khỏe mạnh ấy được lấy từ những cá thể nhân bản vô tính. Những đứa trẻ được nuôi dưỡng như cách người ta nuôi một loài để phục vụ nhu cầu cuộc sống mà họ biết chắc sẽ có lúc cần đến.

Thật không may, trong thế giới tưởng chừng không cảm xúc, không ý niệm ấy, có ba đứa trẻ đặc biệt đến từ “cơ sở nuôi người” Hailsam. Nhờ đặc ân của những người nuôi, chúng nhận thức, rồi dần khám phá ra bi kịch “được nuôi”. Chúng cam chịu, chấp nhận cái chết như một phần của sự sống, và trải nghiệm cảm giác cận kề cái chết một cách bình thản.

Never Let Me Go chính là lời chia tay đầy nước mắt và ám ảnh, dấy lên niềm đau đớn dữ dội xuyên thấu tâm can người đọc. Sự tiến bộ của khoa học, công nghệ có làm con người trở nên nhân đạo hơn, hay sẽ ngày một xa bản tính người? Hay loài người cần có cái nhìn tỉnh táo hơn trước khi lấy sự sống của người này bù cho người khác? 

Hoài Hương

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI