Khi dữ liệu trở thành “vũ khí mềm” bảo vệ phụ nữ, trẻ em

09/07/2025 - 07:21

PNO - Hệ thống này được thiết kế để kết nối liên thông giữa các ngành, các cấp, gồm công an, y tế, hội LHPN, cơ quan tư pháp, dịch vụ xã hội… Nạn nhân sẽ không còn phải “chạy lòng vòng” trình báo nhiều nơi.

Từ ngày 10/7 tới đây, Nghị định 110/2025/NĐ-CP của Chính phủ - quy định về cơ sở dữ liệu phòng, chống bạo lực gia đình - chính thức có hiệu lực.

Không chỉ là một bước tiến trong quản lý, hệ thống dữ liệu này được kỳ vọng là công cụ đắc lực, là một tia hy vọng, là cánh tay công nghệ dang rộng, giúp những nạn nhân của bạo lực gia đình được nhận diện, lắng nghe và bảo vệ kịp thời.

Khác với trước đây, khi mọi vụ việc được xử lý rời rạc, theo phản ánh cá nhân, thì giờ đây, tất cả sẽ được tập trung thành một cơ sở dữ liệu quốc gia, gồm: thông tin về người bị hại, người gây bạo lực, thời điểm - hình thức - mức độ vụ việc, các biện pháp can thiệp, xử lý và kết quả cuối cùng.

Những con số tổng thể này sẽ giúp cơ quan chức năng nắm bắt nhanh, can thiệp sớm và hoạch định chính sách đúng trọng tâm, sát với thực tiễn cuộc sống.

Ảnh mang tính minh họa - Beo_GEM.AI
Ảnh mang tính minh họa - Beo_GEM.AI

Đáng chú ý, hệ thống này được thiết kế để kết nối liên thông giữa các ngành, các cấp, gồm công an, y tế, hội LHPN, cơ quan tư pháp, dịch vụ xã hội… Nạn nhân sẽ không còn phải “chạy lòng vòng” trình báo nhiều nơi, bởi chỉ cần một điểm tiếp nhận, thông tin sẽ được chia sẻ đồng bộ, tiết kiệm thời gian và tránh bỏ sót.

Đặc biệt, hội LHPN các cấp sẽ có thêm một công cụ mạnh để phát huy vai trò vốn có - từ người lắng nghe, hòa giải, đến người hỗ trợ pháp lý, tâm lý, kết nối dịch vụ y tế hay nơi tạm lánh. Thay vì “đi từng nhà” bằng trực giác và kinh nghiệm, nay hội có thể dựa vào dữ liệu cụ thể để chủ động tiếp cận, bảo vệ và phản ánh chính sách dựa trên bằng chứng rõ ràng.

Song, dữ liệu không tự sinh ra. Để “bộ não” này vận hành tốt, rất cần sự chung tay từ cộng đồng - từ những cán bộ cơ sở kiên nhẫn ghi nhận vụ việc, đến người hàng xóm dám lên tiếng thay vì im lặng. Mỗi thông tin cung cấp kịp thời có thể cứu được một người phụ nữ khỏi tổn thương, cứu một đứa trẻ khỏi vòng xoáy bạo lực.

Cơ sở dữ liệu không thể thay thế trái tim và sự tử tế, nhưng nó giúp nâng bước cho những người đang âm thầm bảo vệ phụ nữ và trẻ em mỗi ngày. Và biết đâu, trong tương lai gần, thay vì phải nín nhịn chịu đựng, một người phụ nữ bị bạo lực có thể mạnh dạn nói ra, và biết chắc rằng, phía sau mình là cả một hệ thống đang lắng nghe, sẵn sàng hành động.

Trúc Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI