Im lặng là đồng loã với tội ác

19/04/2019 - 11:30

PNO - Nán lại sau buổi nói chuyện chuyên đề về ngăn chặn xâm hại tình dục ở trẻ em, cô sinh viên tên Ngọc Mai(*) rụt rè tiến lại gặp Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ: “Cô ơi, em có thể chia sẻ với cô câu chuyện của mình?”.

Được sự khuyến khích của vị luật sư, cô sinh viên bắt đầu câu chuyện: “Ký ức đó là quá đau lòng nên em nhớ rõ. Nó xảy ra khi em mới lên năm, lên sáu, từ một người dượng, là chồng của dì em”.

Ngập ngừng, cô nói tiếp: “Với những người thân, mọi sự đụng chạm chỉ được xem là biểu hiện của tình yêu thương. Nhưng một lần, dượng xoa dầu cho em, bàn tay dượng quẩn quanh nơi bụng, rồi di chuyển dần xuống bộ phận sinh dục. Trong suy nghĩ non nớt của một đứa trẻ, em chưa hề biết đến hai chữ “dâm ô”. Nhưng hành động của dượng khiến em thấy lạ, nên em đã hất tay dượng ra. Kể từ ngày đó, em bắt đầu “sợ” dượng”- Ngọc Mai thoáng rùng mình khi nhắc lại chuyện cũ.

Im lang la dong loa voi toi ac

Rồi theo thời gian, Ngọc Mai luôn thắc mắc về hành vi đó là vô tình hay có điều gì khác?

Lớn lên, cô ít gặp dượng hơn, nhưng việc dượng đụng chạm vào những vùng nhạy cảm thì vẫn cứ lặp lại trong những dịp gặp gỡ trên danh nghĩa yêu thương.

Vào học cấp II, những tiết học về giáo dục giới tính giúp  cô cảm nhận được việc xảy ra với mình hình như “không bình thường” nên đã kể với mẹ. Trái với sự lo lắng của cô, mẹ dường như lại xem chuyện chẳng có gì to tát. Mẹ chỉ dặn: “Nếu dượng còn như vậy thì con nên tránh đi”.

“Sống chung với lũ rồi cũng quen, em không nghĩ nhiều đến sự nghiêm trọng của vấn đề ấy nữa mà tập làm quen với việc tránh né, như tránh một điều mà mình không thích. Nhưng lên cấp III, khi nhận thức về vấn đề sâu sắc hơn, em bắt đầu chia sẻ câu chuyện của mình với các chị gái trong nhà, với mục đích để các chị biết mà đề phòng. Nhưng các chị cũng biết và từng chứng kiến những hành vi của dượng, khi đang ngồi xem phim mà cứ sờ đùi em, sờ sâu vào trong váy. Thế rồi cả nhà lại quy ước lại: nên tránh với những hành động trên vì dượng là người thân trong nhà”- Ngọc Mai kể.

“Cho đến nay, khi đã là sinh viên đại học năm thứ ba, hiểu biết khá nhiều về giới tính, về xâm hại tình dục, nhưng những hành động đó của dượng vẫn còn diễn ra với em, thì có khả năng những đứa trẻ khác cũng bị như vậy. Em nên lên tiếng hay tiếp tục im lặng?”- Mai phân vân với luật sư. LS Trần Thị Ngọc Nữ khuyên em nên mạnh dạn tố cáo những hành vi không đúng đắn của dượng mình, mà trước hết, là với người dì ruột. Bởi nếu im lặng thì như em nhận thức: có thể nhiều đứa trẻ khác cũng bị như vậy.

Với tâm lý sợ dị nghị, sợ gây đổ vỡ quan hệ gia đình, gây tổn thương cho người thân, nên các gia đình vẫn muốn bỏ qua sự việc. Từng trực tiếp can thiệp vào nhiều trường hợp trẻ bị hiếp dâm bởi người thân nhưng gia đình lại không tin và không muốn đi đến cùng sự việc, tiến sĩ Doãn Thị Ngọc, trường ĐH Hoa Sen cho rằng: rơi vào hoàn cảnh ấy, nạn nhân trở nên đơn độc, khủng hoảng giữa những người thân. Cho nên, “sự hợp tác của gia đình là yếu tố cần thiết đầu tiên bên cạnh sự chung tay vào cuộc của các cơ quan, tổ chức liên quan”.

Thu Lê

*Đã thay đổi tên nhân vật

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI