Học cách thích nghi, vượt khó
Buổi gặp mặt được tổ chức tại cơ quan Hội LHPN TPHCM vào ngày 18/7 vừa qua trong không khí thân mật, vui tươi. Chị Hoàng Thị Hiền - Chủ tịch Hội LHPN xã Bàu Lâm - chia sẻ: “Tôi phải đón xe từ 4g sáng để kịp buổi họp mặt. Đây là lần đầu được tham dự buổi gặp gỡ trực tiếp với Hội LHPN thành phố và các xã, phường, đặc khu nên tôi rất háo hức”.
Chị Lê Thị Điệp - Chủ tịch Hội LHPN phường Chánh Phú Hòa - trải lòng: “Buổi gặp mặt với Hội LHPN TPHCM hôm nay đã để lại trong tôi nhiều cảm xúc. Đó là sự thân tình, gần gũi, nhiều chị em lần đầu gặp mặt nhưng đã làm quen nhau rất nhanh”. Chị Điệp tiếc nuối vì thời gian gặp gỡ còn ít, chưa đủ để trao đổi, chia sẻ nhiều nội dung.
 |
Hội LHPN TPHCM tổ chức họp mặt Chủ tịch Hội LHPN 168 xã, phường, đặc khu vào ngày 18/7 |
Hòa với niềm vui chung, Chủ tịch Hội LHPN các phường, xã, đặc khu đã chia sẻ kinh nghiệm công tác trong giai đoạn khởi đầu sau sắp xếp. Chị Đặng Thị Sâm - Chủ tịch Hội LHPN phường Tam Thắng - thông tin: Tam Thắng được sắp xếp lại từ 4 phường nên địa bàn trở nên rộng lớn. Chính vì vậy, trong 3 tuần đầu sau sáp nhập, hội đã họp ban chấp hành để kiện toàn bộ máy, nhanh chóng bắt nhịp và duy trì các công việc quen thuộc như Ngày thứ Bảy tình nguyện, Ngày Chủ nhật xanh, các mô hình gây quỹ từ rác thải tái chế, thực hiện các công trình vườn hoa chào mừng Đại hội Đảng các cấp…
Song song đó, hội cũng phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội giải ngân nguồn vốn vay cho hội viên. Tính đến nay, hội đang quản lý nguồn vốn khoảng 72 tỉ đồng, với hơn 1.200 thành viên tham gia vay vốn. Chị Sâm khẳng định: “Các chi hội dù sáp nhập nhưng tinh thần vẫn rất nhiệt huyết, vẫn duy trì các hoạt động truyền thống trước đây. Tôi cảm thấy đây là thuận lợi lớn nhất trong giai đoạn này”.
Tuy nhiên, vẫn còn không ít đơn vị gặp khó khăn. Chị Nguyễn Ngọc Lê - Chủ tịch Hội LHPN phường Tây Nam - cho biết, phường được thành lập dựa trên việc sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường An Tây và một phần của xã Thanh Tuyền, xã An Lập. Hiện phường Tây Nam có tới 16 khu phố gắn với hoạt động của 16 chi hội phụ nữ, tăng gấp 4 lần so với phường An Tây trước đây và những khó khăn ban đầu là điều không thể tránh khỏi.
Là một cán bộ hội mới, chị Lê thừa nhận đã từng cảm thấy lo lắng khi nhận nhiệm vụ, đặc biệt là khi quy mô địa bàn lớn, nhân sự chủ yếu là cán bộ mới chuyển từ các đơn vị khác về. Những yếu tố trên đã gây trở ngại và ít nhiều ảnh hưởng đến việc tiếp cận thực tế và nắm bắt tâm tư hội viên. Tuy nhiên, hội đã chủ động kiện toàn tổ chức, xây dựng quy chế hoạt động, phân công cụ thể từng cán bộ phụ trách địa bàn, đảm bảo thông tin thông suốt từ cấp phường xuống tận khu phố.
Chị Lê đánh giá: “Hiện chúng tôi chỉ mới tiếp cận, làm quen để rà soát lại hoạt động và định hướng các phong trào, hoạt động gắn được với các chị chi hội trưởng. Trong thời gian tới, hội sẽ rà soát, đánh giá các mô hình hiện có, mô hình nào còn hiệu quả sẽ tiếp tục duy trì, mô hình nào hoạt động yếu sẽ mạnh dạn giải thể để sắp xếp lại”.
Lắng nghe, đồng hành cùng cơ sở
Tại buổi gặp mặt, nhiều cán bộ hội cơ sở đã thẳng thắn trước những khó khăn sau sáp nhập. Một trong những thách thức lớn nhất hiện nay là đội ngũ cán bộ hội cơ sở phần lớn là người mới, vừa tiếp nhận nhiệm vụ nên còn lúng túng. Việc tiếp cận và xử lý các biểu mẫu, văn bản điện tử cũng còn khó khăn do số lượng nhiều, chưa quen phần mềm quản lý.
Bên cạnh đó, việc nắm bắt tình hình hội viên và củng cố, xây dựng chi hội ở các khu phố, ấp mới cũng gặp nhiều trở ngại, nhất là trong bối cảnh địa bàn rộng, số lượng hội viên biến động, tăng gấp nhiều lần so với địa bàn cũ. Chuyện tập hợp hội viên cũng mỗi nơi một khác và chưa đồng đều, một số nơi không phát triển được do thiếu nguồn lực.
Trước thực tế đó, nhiều cán bộ hội đã mạnh dạn kiến nghị Hội LHPN TPHCM tiếp tục quan tâm, tăng cường tập huấn nghiệp vụ chuyên môn; hướng dẫn việc thành lập chi hội, hỗ trợ tiếp cận và quản lý nguồn vốn vay. Nhiều chị bày tỏ mong muốn Hội LHPN TPHCM có sự phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các tổ chức để tránh trùng lặp và nâng cao hiệu quả. Nhiều ý kiến cũng đề nghị xem xét các chính sách phù hợp hơn với đội ngũ cán bộ hội cơ sở, như chế độ hỗ trợ cho phó chủ tịch hội, kinh phí hoạt động của các chi hội đặc thù…
Bà Võ Ngọc Thanh Trúc - Chủ tịch Hội LHPN TPHCM - ghi nhận và chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc mà cán bộ hội cơ sở đang đối mặt trong giai đoạn đầu sau sắp xếp, ổn định tổ chức. Bà cho biết: “Đây là giai đoạn đầu thực hiện nhiệm vụ sau sắp xếp, sáp nhập, nên không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc. Buổi họp mặt hôm nay là bước khởi đầu để các chị em gặp gỡ, làm quen, kết nối”. Bà Trúc khẳng định, hội sẽ có kế hoạch tổ chức ngay các lớp tập huấn chuyên sâu, xây dựng các văn bản, cẩm nang hướng dẫn… để hỗ trợ cán bộ cơ sở dễ dàng tiếp cận, áp dụng và hoàn thành nhiệm vụ.
Chủ tịch Hội LHPN TPHCM đề nghị Hội LHPN các phường, xã, đặc khu tiếp tục khẩn trương xây dựng quy chế làm việc, tổ chức, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng người. Xây dựng chương trình công tác những tháng cuối năm gắn với việc rà soát lại hệ thống các chỉ tiêu nhiệm vụ của chương trình năm.
Các cấp hội cần tập trung thực hiện các nội dung trọng tâm như phát huy vai trò của hội trong tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị. Quan tâm thực hiện các chương trình giám sát liên quan đến phụ nữ và trẻ em. Phát động phong trào thi đua cao điểm chào mừng đại hội các cấp, chú trọng các nội dung mang tính chiều sâu, có chất lượng cũng như tập trung chuẩn bị cho công tác tổ chức đại hội. Ngoài ra, các cấp hội cần tiếp tục kiện toàn, củng cố tổ chức, tham mưu cấp ủy tại địa phương tổ chức chương trình gặp gỡ, đối thoại cán bộ, hội viên phụ nữ…
6 nội dung trọng tâm trong chương trình công tác Hội LHPN TPHCM Hội LHPN TPHCM vừa triển khai chương trình từ nay đến cuối năm, tập trung vào 6 nội dung: 1. Tiếp tục triển khai hiệu quả các phong trào yêu nước và phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới”; tiếp tục các nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ các cấp. 2. Sắp xếp tổ chức bộ máy tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả nhằm xây dựng tổ chức hội vững mạnh; chuẩn bị tổ chức Đại hội đại biểu Phụ nữ các cấp nhiệm kỳ 2026-2031. 3. Phát động thi đua 100 ngày chào mừng Đại hội Đảng; tuyên truyền, triển khai trong hội viên, phụ nữ tham gia góp ý văn kiện và nâng cao vai trò tham mưu về công tác cán bộ nữ chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031. 4. Tập trung triển khai 4 nghị quyết đột phá được xem là “bộ tứ trụ cột” đưa đất nước vươn mình, đó là: Nghị quyết 57, Nghị quyết 59, Nghị quyết 66, Nghị quyết 68. 5. Nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội, quan tâm đề xuất một số chính sách cho phụ nữ và trẻ em. 6. Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; huy động nguồn lực tổng hợp từ các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để đổi mới phương thức hoạt động hội. |
Trang Nguyễn