Học nhẹ, bớt kiểm tra - Dễ ợt!

20/09/2019 - 08:10

PNO - Học sinh TP.HCM có thể không cần làm kiểm tra 15 phút hay một tiết để lấy điểm mà giáo viên tổ chức nhiều hoạt động như diễn kịch, học nhóm, làm thí nghiệm… bù vào.

Học nhẹ, bớt kiểm tra: được không? Câu trả lời của nhiều trường, nhiều giáo viên tại TP.HCM là: dễ ợt! Học sinh có thể không cần làm kiểm tra 15 phút hay một tiết để lấy điểm mà tổ chức nhiều hoạt động như diễn kịch, học nhóm, làm thí nghiệm… bù vào. 

Học trò tiểu học bớt làm “cửu vạn”

Chị Lê Thị Lan, phụ huynh lớp Hai Trường tiểu học Trần Bình Trọng (Q.5, TP.HCM) kể: từ đầu năm học đến nay, con chị không còn than cặp nặng nữa. Mỗi ngày đi học chỉ có bốn cuốn tập, vở gồm toán, tiếng Việt, tiếng Anh và cuốn tự học.

“Con tôi học chương trình tiếng Anh tích hợp nên ngày nào có giờ học mới phải mang theo mấy quyển sách nước ngoài hơi to và nặng. Nhưng một tuần chỉ có hai ngày như vậy. Còn những học sinh học chương trình tiếng Anh tăng cường hoặc tiếng Anh theo đề án ngoại ngữ thì còn nhẹ nhàng hơn, mỗi ngày đi học chỉ mang theo ba cuốn. Bộ sách thì học xong để lại trường, không phải mang vác nhiều như trước”, chị Lan cho biết.

Chị Dương Thùy, phụ huynh tại Q.6 phấn khởi cho biết: “Nhìn mấy học sinh tiểu học khệ nệ mang cái ba-lô to mà thấy tội nên phương châm của tôi là chỉ cho con học trong chương trình, không đăng ký thêm tích hợp hay gì cả. Mỗi ngày đến trường, con tôi chỉ mang theo ba quyển vở gồm tiếng Anh, toán và tiếng Việt, kèm theo cuốn sổ dặn dò”. 

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, năm học 2019-2020, sở yêu cầu các trường tiểu học vào học không được sớm hơn 7g15, thời gian ra chơi mỗi buổi học (kể cả thời gian tập thể dục) không được ít hơn 30 phút.

Đặc biệt, về vở đi học của học sinh, thống nhất ở các khối lớp thuộc bậc tiểu học chỉ nhiều nhất là ba quyển vở, bao gồm: vở môn toán (ghi các kiến thức của môn toán, bài luyện tập môn toán), vở môn tiếng Việt (dùng để ghi phân môn chính tả, luyện từ và câu, tập làm văn, luyện chữ viết của học sinh lớp Một), vở bài học (dùng để ghi các môn và phân môn còn lại).

Hoc nhe, bot kiem tra - De ot!
Trường THPT Nguyễn Du thường tổ chức tiết học trải nghiệm ngoài nhà trường nhằm giúp học sinh thích thú hơn, không thấy áp lực bởi những bài kiểm tra

Các giáo viên tiểu học tại TP.HCM so sánh: số vở học sinh tiểu học ở thành phố này phải đem theo năm nay lại tiếp tục giảm. Năm học trước là bốn quyển và trước đó nữa là năm quyển. Số lượng này cũng thuộc hàng ít kỷ lục so với các địa phương khác. “Làm được điều này, học sinh đỡ mệt vì trước đây các em phải mang vác rất nặng, có khi nhìn cặp còn to hơn người. Vì ngoài bộ sách nặng, cồng kềnh, học sinh còn mang theo đồ dùng học tập, sữa, thức ăn…”, cô Liên, giáo viên tiểu học tại Q.11, nói.

Không cần làm bài kiểm tra vẫn có điểm?

Không chỉ giảm số lượng tập vở học sinh phải “thồ” đi hằng ngày, giáo viên nhiều trường THCS và THPT tại TP.HCM đang sáng tạo ra cách kiểm tra khác với phương pháp kiểm tra truyền thống. 

Mới đây, ngành giáo dục TP.HCM yêu cầu các trường thực hiện việc đánh giá học sinh bằng nhiều hình thức khác nhau, có thể qua: thuyết trình, thái độ học tập của học sinh, qua hồ sơ học tập, vở hoặc sản phẩm học tập, qua việc học sinh báo cáo kết quả thực hiện một dự án, kết quả thực hành, thí nghiệm, kết quả tiết học trải nghiệm ngoài nhà trường… Giáo viên có thể sử dụng các hình thức đánh giá này thay thế cho kết quả của các bài kiểm tra theo hình thức hiện hành. 

Chủ trương này thoạt nghe qua khá hay, thoáng và nếu thực hiện được sẽ giảm áp lực cho người học. Nhưng e rằng nó chỉ dừng lại ở chủ trương trên giấy, bởi muốn thay đổi cách đánh giá thường xuyên thì phải thay đổi tổng thể ở cả hệ thống thi cử. Bằng không thì giáo viên và học sinh tập dợt một đường và đến những cuộc thi quan trọng, đề thi vẫn y như cũ thì rất khó thuyết phục thầy và trò cùng mạo hiểm đổi mới.

Hơn nữa, theo các giáo viên, muốn đổi mới thì người thầy phải sáng tạo, phải dụng công hơn trong cách ra đề. Nếu như trước đây chỉ cần dựa vào bài học nghĩ ra một vài câu hỏi cho bài kiểm tra một tiết hoặc 15 phút. Nhưng nếu làm theo dự án, trải nghiệm thì giáo viên phải tư duy và đầu tư nhiều hơn. 

Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, chia sẻ: “Thật ra không quá khó để làm điều này. Vài năm trở lại đây, giáo viên cũng đang làm. Ví dụ như tại trường tôi, giáo viên được khuyến khích thay vì cứ bắt học sinh trả bài, kiểm tra 15 phút, một tiết bằng cách viết thì linh động đổi một bài kiểm tra thành lấy điểm từ thực hành thí nghiệm, học nhóm, làm dự án…

Tôi không bỏ hết cách kiểm tra theo phương pháp truyền thống vì học sinh vẫn còn tham gia các kỳ thi chung nhưng có thể đổi một phần. Tôi cho rằng đây là chủ trương tích cực giúp thầy và trò thích thú hơn, không thấy xói mòn và mệt mỏi, áp lực bởi những bài kiểm tra”. 

Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận, không khó để làm nhưng nó vẫn còn phụ thuộc vào sự quyết tâm thay đổi của giáo viên. Nên chỉ cần giáo viên thiếu quyết tâm hoặc lười đổi mới thì sẽ khó. 

Yêu cầu về thực hiện đổi mới công tác xây dựng kế hoạch giáo dục, đổi mới dạy học và kiểm tra đánh giá năm học 2019-2020 của Sở GD-ĐT TP.HCM:

Đối với các bài kiểm tra có thời lượng trên 45 phút (một tiết học), nhà trường, tổ/nhóm chuyên môn, giáo viên cần đưa ra bốn mức độ yêu cầu cần thiết là nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao của mỗi loại câu hỏi/bài tập sử dụng để kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh trong dạy học.

Cần xây dựng nội dung đề kiểm tra thể hiện tính bao quát, tăng dần câu hỏi vận dụng, câu hỏi liên hệ vào việc giải quyết những vấn đề thực tiễn của cuộc sống.

Việc kiểm tra cần có sự kết hợp cả giữa lý thuyết và thực hành, tăng cường các câu hỏi mở, gắn với tình hình thời sự với các môn thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, để học sinh có cơ hội bày tỏ chính kiến của mình về những vấn đề thuộc lĩnh vực kinh tế, xã hội, chính trị.

Gia Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI