Học Bác để biết ước mơ, cống hiến

19/05/2025 - 06:47

PNO - Dù đã nghỉ hưu, họ vẫn miệt mài với công tác thiện nguyện, trở thành điểm tựa tinh thần cho bao hoàn cảnh khó khăn. Tấm lòng yêu thương và tinh thần sẻ chia cao đẹp của họ đã góp phần lan tỏa tư tưởng, đạo đức Bác Hồ.

Nếu được, sao không giúp người?

Nghỉ hưu từ 1/1/2025 nhưng đến nay, ngôi nhà của chị Bùi Thị Kim Hường - nguyên Chủ tịch Hội LHPN phường 16, quận 8 - vẫn là nơi chị em hội viên phụ nữ thường xuyên lui tới. Với họ, chị Hường là một điểm tựa tinh thần giữa bộn bề cuộc sống. Còn với chị, sự lui tới thường xuyên của mọi người là niềm hạnh phúc, là sự an ủi lớn lao sau bao năm công tác.

Dù không còn làm việc nữa, nhưng nhà chị Hường vẫn là nơi tập kết hàng hóa hỗ trợ các chương trình an sinh xã hội. “Quán tính” của một người có 10 năm làm công tác hội khiến chị, dù đã nghỉ hưu, vẫn tiếp tục theo các nhóm thiện nguyện đến với những nơi xa xôi mỗi khi có cơ hội.

Trong 10 năm làm công tác hội, chị Bùi Thị Kim Hường đã miệt mài với các hoạt động an sinh xã hội, đặc biệt, mô hình “Trao yêu thương” đã trao hàng tấn quần áo, vật dụng hỗ trợ người khó khăn trên mọi miền đất nước
Trong 10 năm làm công tác hội, chị Bùi Thị Kim Hường đã miệt mài với các hoạt động an sinh xã hội, đặc biệt, mô hình “Trao yêu thương” đã trao hàng tấn quần áo, vật dụng hỗ trợ người khó khăn trên mọi miền đất nước

Chị Hường làm công tác hội từ tháng 9/2014. Với sự nhiệt tình, trách nhiệm và hiệu quả trong công việc, chị nhiều lần được đề bạt chuyển sang các vị trí khác trong chính quyền, nhưng chị đã xin ở lại với công tác phụ nữ. Bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn, hội còn triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa, từ hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế, đến các chương trình an sinh xã hội.

Với nhiều chương trình, cần phải có thời gian mới thấy được hiệu quả, còn các hoạt động an sinh xã hội thì có thể nhìn thấy và đong đếm được ngay. Niềm vui của những người được giúp đỡ là động lực lớn kéo chị Hường ở lại với hội cho đến ngày về hưu.

Chị Hường cho biết, trên địa bàn phường 16, quận 8 có 2/3 dân số là người nhập cư, công nhân nghèo ở trọ, những khó khăn trước mắt luôn phải ưu tiên giải quyết. Những ngày cả thành phố bị phong tỏa bởi dịch COVID-19, nửa đêm, chị nhận cuộc gọi từ một nữ công nhân bảo rằng trong túi không còn đồng nào, phòng trọ chỉ còn mấy gói mì tôm và đứa con 8 tháng tuổi không còn nổi một giọt sữa.

“Em có thể nhịn đói, nhưng con em không thể thiếu sữa. Em đã gọi rất nhiều nơi nhưng không được, mong chị giúp gia đình em” - nữ công nhân nghẹn ngào trong điện thoại. Thắt lòng, chị Hường cho địa điểm và hẹn nữ công nhân đến đó, chị sẽ hỗ trợ trong khả năng của mình. Rồi chị vào bếp lấy 10 gói mì tôm, 1 bắp cải cho vào túi ni lông cùng 500.000 đồng. Trời tờ mờ sáng, chị mang gói đồ ra đặt ở chân cột điện đối diện nhà mình rồi đứng trước nhà đợi nữ công nhân đến. Ánh mắt xúc động của nữ công nhân khi cầm túi quà luôn nhắc chị phải cố gắng làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ những hoàn cảnh ngặt nghèo.

Đó cũng là điều mà nhiều năm trước chị đã làm với mô hình “Trao yêu thương”. Từ đám cháy thiêu rụi khu trọ, chị kêu gọi chị em khu phố gom góp các vật dụng cũ để hỗ trợ những gia đình bị cháy. Nhờ đó, chỉ 1 ngày sau khi cháy, những gia đình đã có thể sinh hoạt bình thường với đầy đủ những vật dụng cơ bản.

Và theo cách đó, chị đã vận động và trao tặng hàng chục tấn quần áo, vật dụng của người có cho người khó trên mọi miền đất nước. “Nếu được, sao không giúp người qua cơn hoạn nạn? Khi đã giúp người qua cơn hoạn nạn, chúng tôi lại nghĩ, sao mình không tiếp tục sẻ chia với những người khó khăn khác?” - chị Hường nói về mô hình được Hội LHPN TPHCM trao giải thưởng Nguyễn Thị Định lần thứ bảy, năm 2022.

Gieo hạt mầm hy vọng

Trong video tôn vinh những người phụ nữ truyền cảm hứng từ dự án MSE - chương trình hỗ trợ những người kinh doanh nhỏ và siêu nhỏ do IECD - Viện Hợp tác và Phát triển châu Âu - thực hiện đánh dấu thành tựu 10 năm có mặt tại Việt Nam, chị Vạn Ngọc Thủy - Chi hội trưởng khu phố 6, phường 14, quận Bình Thạnh - xuất hiện vô cùng tự tin.

Chị là một trong số những người phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn đã tham gia khóa học làm bánh và những kiến thức hỗ trợ khởi nghiệp do IECD phối hợp với Hội LHPN TPHCM tổ chức năm 2017. Và đến nay, sau gần 1 thập niên đón nhận sự hỗ trợ từ dự án phi lợi nhuận ấy, chị Thủy đã kiến tạo, thay đổi cuộc sống gia đình và đủ tiềm lực để chắp cánh cho tương lai con cái.

Chị Vạn Ngọc Thủy cùng góc trưng bày sách ảnh về Bác Hồ ngay tại nhà riêng
Chị Vạn Ngọc Thủy cùng góc trưng bày sách ảnh về Bác Hồ ngay tại nhà riêng

Năm 2017, cắp sổ đi học nghề ở tuổi 50, chị Thủy gặp không ít khó khăn, nhất là về các kỹ năng truyền thông mạng xã hội. Và như nhiều phụ nữ Hoa, chị cũng chưa thoát được chuyện “nội trợ”, chuyện gia đình, con cái. “Nhiều áp lực dồn lên vai khiến tôi không ít lần muốn bỏ cuộc” - chị Thủy tâm sự.

Từ lớp dạy làm các loại bánh Pháp, khi kết thúc khóa học, mỗi học viên sẽ chọn cho mình một loại bánh có thể tạo nên “thương hiệu”. Chị Thủy chọn tạo dấu ấn với món bánh cookies và bánh mì hoa cúc. Nhưng đó là câu chuyện rất dài, bởi chị luôn cần thêm thời gian để tiêu hóa kiến thức, rồi từng bước thực hành, sửa đi sửa lại công thức để tạo ra sản phẩm được chấp nhận.

Chị chia sẻ: “Tôi mất nhiều thời gian hơn vì khả năng tiếp nhận các dữ liệu chậm hơn. Thời gian đầu, dòng khách F1 của tôi chỉ có bạn bè, người thân. Họ sử dụng, trải nghiệm sản phẩm và giới thiệu bánh thì bánh mới đến được dòng khách F2. Trong quá trình đó, tôi không ngừng quan sát, lắng nghe phản hồi để điều chỉnh. Tuy nhiên, việc thiếu công nghệ, thiếu sự quảng cáo cũng khiến tôi chậm hơn. Không được quảng bá nên tôi dùng uy tín, mối quan hệ bền vững và ổn định để phát triển kinh doanh”.

Khi được hỏi, điều gì đã làm nên thành quả, chị Thủy khẳng định, mục tiêu tốt đẹp và khát khao mạnh mẽ đã giúp chị duy trì sự cố gắng. Năm 2019, con gái đạt được học bổng du học trong điều kiện kinh tế gia đình còn chật vật. Muốn gia đình trở thành điểm tựa để con yên tâm bay cao, bay xa, ngoài những mẻ bánh, chị Thủy cũng không biết đặt hy vọng vào đâu.

Từ đó, chị đã quyết tâm, kiên trì và toàn tâm theo đuổi nghề. Không xuất hiện đại trà, rầm rộ, nhưng những chiếc bánh cookies, bánh mì hoa cúc từ “Bếp Bà Bi” lặng lẽ có mặt trong những cuộc họp, hội nghị tại địa phương; len lỏi trong bữa sáng của nhiều gia đình. Cứ thế, chị Thủy gom góp từng đồng lo cho con gái trong 4 năm học tập xứ người. Hiện nay, con gái chị đã tốt nghiệp và ổn định việc làm.

Từ năm 2023, khi gánh nặng gia đình đã vơi đi, chị Thủy bắt đầu nhận hỗ trợ các lớp dạy nghề làm bánh cho hội viên, phụ nữ khó khăn và sẵn sàng truyền đạt những kinh nghiệm trong quá trình buôn bán. Bên cạnh đó, tủ bánh mì của chị cũng là điểm đến thân quen của những người nghèo, người thu gom ve chai, bán rau. “Tôi không nghĩ mình đang làm điều gì quá lớn lao. 1 ổ bánh mì mình trao tặng lúc xế chiều sẽ khiến những người lao động nặng nhọc cảm thấy ấm lòng”.

Tháng 5/2024, tham gia hội thi kể chuyện về Bác Hồ dành cho phụ nữ dân tộc thiểu số do Hội LHPN quận Bình Thạnh tổ chức, chị Thủy đã mang câu chuyện cuộc sống của mình để nói về tính kiên trì và tinh thần tự học, tự rèn luyện: “Tôi nhận thấy, mọi thành tựu lớn lao của Bác đều bắt nguồn từ sự trui rèn, kiên trì. Nếu không học Bác để biết ước mơ, biết nỗ lực, tôi đã không thể thay đổi bản thân, cải thiện kinh tế gia đình như ngày hôm nay”.

Hướng đến kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025), dự kiến ngày 20 và 21/5, Hội LHPN TPHCM sẽ tổ chức “Hành trình theo dấu chân Bác Hồ”, tuyên dương 26 tập thể và 26 cá nhân điển hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2024-2025. Bằng những hành động cụ thể, thiết thực, nhiều phụ nữ TPHCM đã trở thành những tấm gương sáng trong việc học tập và làm theo lời Bác. Chị Bùi Thị Kim Hường và chị Vạn Ngọc Thủy là 2 trong số các cá nhân được tuyên dương dịp này.


Nhân An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI