Văn hóa nghệ thuật 2022: Trỗi dậy mạnh mẽ nhưng chưa đủ sức chuyển mình

Hoa hậu như “nấm mọc sau mưa”

27/12/2022 - 14:30

PNO - Hàng loạt hoa hậu xuất hiện khiến giá trị của danh xưng này tụt giảm trong lòng công chúng. Nhiều đơn vị tổ chức cũng vướng lùm xùm trong khâu tổ chức, kiện tụng mua bán giải.

Nhanh chóng thích nghi với nhịp sống mới, uyển chuyển ứng dụng lợi thế của thời đại 4.0, văn hóa nghệ thuật đã bắt nhịp trở lại nhưng chưa có những bước chuyển mình đầy lạc quan.

Phim trên màn ảnh nhỏ và cuộc đổi ngôi ngoạn mục

Nhà tổ chức có thể thu lợi nhuận rất lớn 

Chung kết Hoa hậu Việt Nam 2022 diễn ra tối 23/12, khép lại mùa nhan sắc năm nay. Khi Nghị định 144/2020/NĐ-CP quy định về các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, thi người đẹp, người mẫu có hiệu lực, năm 2022, Việt Nam đã có 25 cuộc thi hoa hậu, thay vì mỗi năm chỉ có 2 cuộc thi như trước đây. 

Hoa hậu xuất hiện nhiều đến nỗi, có thời điểm chỉ sau một đêm, Việt Nam có thêm 2 hoa hậu mới. Nhiều công ty không chỉ tổ chức một mà rất nhiều cuộc thi trong năm như: Sen Vàng (Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu Thế giới Việt Nam, Hoa hậu Hòa bình Việt Nam), Uni Media (Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, Hoa hậu Siêu quốc gia Việt Nam, Hoa khôi sông Vàm)… Hầu hết ban tổ chức (BTC) chia sẻ muốn tạo ra sân chơi cho các cô gái. Nhưng đây không phải là mục tiêu duy nhất. Lợi nhuận thu về từ các sân chơi này có thể rất lớn. Trong đó, nguồn thu lớn nhất có thể dễ thấy là từ nhà tài trợ, đặc biệt với những cuộc thi ở “chiếu trên”. 

BTC Hoa hậu Quý bà Việt Nam Toàn cầu 2022 bị tố mua bán
BTC Hoa hậu Quý bà Việt Nam Toàn cầu 2022 bị tố mua bán giải

Hoa hậu luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt của công chúng, nên là kênh quảng bá được nhiều nhãn hàng ưa chuộng. Nhìn số lượng nhà tài trợ cho một cuộc thi có thể ước tính sơ bộ về nguồn thu của các đơn vị tổ chức. Có thông tin số tiền của nhà tài trợ kim cương đã lên mốc 10 tỉ đồng. Nhà tài trợ vàng, nhà tài trợ bạc cũng móc hầu bao từ 3-5 tỉ đồng.

Bà Phạm Kim Dung - CEO Sen Vàng - cho biết các cuộc thi do đơn vị này tổ chức thường chi không dưới 60 tỉ đồng. Mùa Hoa hậu Việt Nam 2018, kinh phí là 100 tỉ đồng. Con số này chưa tính các dịch vụ phụ trợ khác. Một người từng làm việc cho một đơn vị chuyên tổ chức hoa hậu cho biết, hầu như sau mỗi mùa tổ chức, công ty này đều thu về số tiền không nhỏ. Việc phát triển nội dung trên nền tảng số cũng góp phần tăng thêm nguồn thu cho các đơn vị tổ chức. 

Trong năm qua, nhiều đơn vị tổ chức bị xử phạt. BTC Miss Peace Vietnam 2022 bị UBND TPHCM phạt 55 triệu đồng vì tổ chức thi người đẹp mà không có văn bản chấp thuận. Hoa hậu Thiếu niên Việt Nam 2022 cũng bị “tuýt còi” vì tự ý thông báo tổ chức nhưng chưa được cấp phép. Sở Văn hóa và Thể thao TP Đà Nẵng phạt BTC Hoa hậu Quý bà Việt Nam Toàn cầu 2022 vì tổ chức cuộc thi không đúng với đề án được đặt ra. Mức phạt này, so với những nguồn lợi mà BTC thu được, chẳng đáng là bao. Vì lẽ đó, việc xử phạt được nhận định chưa đủ tính răn đe. 

Bên cạnh đó, khi nắm quyền quản lý các cô gái sau đăng quang, đơn vị tổ chức, quản lý cũng được ăn chia % lợi nhuận từ các hợp đồng quảng cáo, làm việc của họ. Với những mối lợi dễ thấy này, chắc chắn các cuộc thi hoa hậu vẫn sẽ tiếp tục sôi động trong thời gian tới.

Khán giả "bội thực", hoa hậu mất giá 

Trên nhiều diễn đàn nhan sắc, khán giả bày tỏ sự ngán ngẩm khi hoa hậu xuất hiện ngày càng nhiều, đến mức thật khó để nhớ được tên, danh hiệu của các người đẹp đăng quang. Chất lượng của các cuộc thi không đồng đều. Những cuộc thi mới tổ chức lần đầu, chất lượng thí sinh thường rất thấp. Khâu tổ chức của nhiều sân chơi thiếu chuyên nghiệp, sơ sài.

Ban tổ chức Miss Peace Vietnam 2022 bị phạt  55 triệu đồng vì tổ chức cuộc thi ở TPHCM nhưng không có văn bản chấp thuận
Ban tổ chức Miss Peace Vietnam 2022 bị phạt 55 triệu đồng vì tổ chức cuộc thi ở TPHCM nhưng không có văn bản chấp thuận

Việc cấp phép dễ dàng, dẫn đến nhiều BTC cũng không thực hiện nghiêm lịch trình tổ chức. Một số cuộc thi liên tục lùi lịch tổ chức, thậm chí đến nay vẫn chưa diễn ra. Trong khi đó, một số cuộc thi lại thay đổi thành phần giám khảo, ban chuyên môn tạo nên hình ảnh lộn xộn, bát nháo. Mỗi cuộc thi đều được BTC gắn với mục tiêu hỗ trợ cộng đồng, thúc đẩy phát triển du lịch… Tuy nhiên, nhiều BTC nói không đi đôi với làm. 

Những lùm xùm xảy ra liên tục cũng khiến các cuộc thi hoa hậu xấu đi trong mắt công chúng. Hồi tháng Chín, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an khởi tố, tạm giam Lê Hoàng Long (31 tuổi, quê Hải Phòng) về hành vi môi giới mại dâm. Trong đường dây này, có những người đẹp từng đoạt giải cao tại các cuộc thi nhan sắc trong nước. Một số sân chơi bị biến thành nơi đổi chác, mua bán danh hiệu. Nổi cộm nhất là vụ á hậu 3 Hoa hậu Quý bà Việt Nam Toàn cầu 2022 Đặng Thị Hương (35 tuổi, quê Bà Rịa - Vũng Tàu) tố BTC cuộc thi mua bán giải. Đây không phải lần đầu thực trạng này xảy ra ở các cuộc thi hoa hậu trong nước. 

Vụ tranh chấp tên gọi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam giữa Công ty Sen Vàng và Công ty Minh Khang, dẫu đã hạ màn, nhưng cũng là vết đen trong bức tranh thi nhan sắc. Nhiều chương trình, cuộc thi tổ chức chui; hoặc được cấp phép nhưng thực hiện không đúng nội dung thông báo. Điều này khiến công tác phối hợp xử lý của cơ quan quản lý về văn hóa còn bị động, tạo dư luận không tốt. Đây cũng là một trong những khó khăn mà Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM nêu ra trong báo cáo gửi UBND TPHCM, về thực tiễn quản lý nhà nước trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật và các cuộc thi nhan sắc trên địa bàn.

Các đơn vị tổ chức tiếp thu, học hỏi từ các cuộc thi quốc tế, nhưng thiếu đi sự nhạy cảm, dẫn đến những hình ảnh xấu xí trong mắt công chúng. Văn hóa ăn mặc của các thí sinh tại nhiều cuộc thi cũng gây bức xúc. Nhiều bộ cánh hở hang quá mức tạo hình ảnh kém duyên. Khán giả… dị ứng với màn hô tên của các thí sinh Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022. Cuộc diễu hành trên đường phố tại Quy Nhơn của thí sinh Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2022 cũng nhận nhiều bình luận tiêu cực.

Một số BTC đã manh nha kế hoạch tổ chức các cuộc thi sắc đẹp trong năm 2023. Luật định mới đưa các cuộc thi hoa hậu về với cơ chế để thị trường tự điều chỉnh, hệ lụy là những ồn ào. Liệu sẽ có cơ chế điều chỉnh trong thời gian tới, hay lại phó mặc cho công chúng, thị trường?

Váy áo kém duyên 

Bộ váy á hậu Phương Anh mặc khi trao giải cho á hậu 1 Hoa hậu Việt Nam 2022 khiến dư luận bàn tán xôn xao vì có một số khoảnh khắc rất kém duyên dưới ánh đèn sân khấu. Thực tế, bộ váy này sẽ không “phản chủ” như thế nếu ê kíp của người đẹp chi tiết và cẩn trọng hơn khi chọn trang phục.

Trước đó, tháng 6/2022, Hà Anh - giám khảo Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam - bị chỉ trích vì hình ảnh phản cảm khi diện áo dài. Nhà thiết kế Lý Quí Khánh nhận trách nhiệm khi ê kíp không kiểm tra kỹ trang phục với đèn flash của máy ảnh. Trong một đêm thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022, hoa hậu Mai Phương cũng gặp sự cố lộ rõ nội y dưới ống kính máy ảnh.

Không khó để thấy tại các cuộc thi hoa hậu, trang phục xuyên thấu, cắt xẻ gợi cảm luôn được ưa chuộng hàng đầu. Chính những trang phục này không ít lần tạo ra những hình ảnh nhạy cảm, khiến người xem đỏ mặt, đặc biệt tại một số góc nhìn cận ở sân khấu trực tiếp. Trong live stream phần thi áo tắm của một cuộc thi cách đây gần 3 tháng, một á hậu diện chiếc váy xẻ sâu đến mức khi máy quay bắt cận làm lộ rõ cả nội y. Một hoa hậu khi dự đêm chung kết cuộc thi hoa khôi luống cuống lấy tay che váy khi đứng lên trả lời phỏng vấn vì đường xẻ quá sâu ngay vùng nhạy cảm.

Chuyện ăn mặc của phụ nữ hiện đại không còn gói gọn trong tiêu chí kín cổng cao tường. Tuy nhiên, không vì lẽ đó mà sự trang nhã, duyên dáng lại bị xem nhẹ. 

Hà Nam

Trung Sơn

 

 

 

 

 
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI