KỶ NIỆM 74 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SĨ (27/7/1947 - 27/7/2021):

Họ vẫn chọn lẽ sống vì mọi người

26/07/2021 - 13:44

PNO - Chiến tranh đã lùi xa vào dĩ vãng, những nữ chiến sĩ cách mạng trung kiên năm xưa đã hy sinh một phần xương máu cho Tổ quốc giờ vẫn chưa chịu nghỉ ngơi.

Chiến tranh đã lùi xa vào dĩ vãng, những nữ chiến sĩ cách mạng trung kiên năm xưa đã hy sinh một phần xương máu cho Tổ quốc giờ vẫn chưa chịu nghỉ ngơi. Các dì vẫn lăn xả vào công việc chung, đặc biệt trong mùa dịch này các dì bằng sức lực và điều kiện của mình tham gia phụ nấu cơm, quyên góp cho bếp nghĩa tình, vận động tuyên truyền phòng chống dịch… 

Nữ thương binh gương mẫu, sống nghĩa tình

Gửi lại một phần xương máu trong cuộc chiến chống Mỹ, người nữ thương binh 71 tuổi Đoàn Thị Kim Cúc (P.13, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) tự hào vì đã sống những ngày thật trọn vẹn cho đời.

16 tuổi bà Kim Cúc tham gia hoạt động cách mạng với vai trò làm giao liên tại Sài Gòn. Để hoàn thành nhiệm vụ, bà Cúc từng phải xin ở đậu nhà dân và núp dưới nhiều cái “bóng” như “đi học nghề may”… Năm 1969, bà Cúc bị bắt và bị tra tấn dã man. “Không hiểu làm sao mình có thể vượt qua được. Cảnh tượng đó đến bây giờ vẫn còn ám ảnh trong tôi. Rất nhiều đồng đội của tôi cũng bị bắt và phải chịu cực hình. Có người đã chết chỉ sau hai ngày vì không chịu nổi các đòn tra tấn. Tôi sống được là nhờ anh em, đồng đội lén để dành thức ăn cho mình” - bà nhớ lại.

Để giữ vững lòng tin với Đảng, mỗi ngày trong trại giam, bà Cúc cùng đồng đội dạy nhau học thuộc bài thơ 30 năm đời ta có Đảng bằng cách nói vọng qua theo đường ống nước. “Mỗi lúc khó khăn, tôi lại đọc bài thơ để có đủ lòng kiên trung. Lúc nào tôi cũng dặn mình phải ráng thêm chút nữa để hoàn thành nhiệm vụ” - bà Cúc kể.

Sau 13 tháng giam cầm, tra tấn, không thể kết tội, chúng buộc phải trả tự do cho bà Cúc. Do nhiều tháng bị trói buộc, giam cầm, bà Cúc bị sa khớp tay, đi đứng khó khăn. Cho đến nay, dù đã kết hợp các phương pháp trị liệu nhưng cánh tay trái của bà vẫn đau nhức, không thể nâng cao khỏi đầu. 

Chiến tranh đi qua, hòa bình trở lại, bà vẫn là người đảng viên gương mẫu, sống có nghĩa có tình. Hiện tại, bà là Trưởng ban điều hành, Bí thư chi bộ khu phố 1, P.13, Q.Phú Nhuận.

Cô Cúc trong một buổi kể chuyện truyền thống cho các thế hệ trẻ - Ảnh: T.A.
Cô Cúc trong một buổi kể chuyện truyền thống cho các thế hệ trẻ - Ảnh: T.A.

Dịch bệnh bùng phát, thấy dân tình thất nghiệp, khó khăn, bà Cúc đã rủ bạn bè và các con mình góp tiền, góp sức nấu bữa ăn chăm lo sức khỏe cho các lực lượng đang làm nhiệm vụ phòng, chống dịch. Liên tục hơn nửa tháng qua, mỗi ngày bà Cúc duy trì nấu khoảng 100 suất ăn phục vụ hai buổi sáng, chiều. Cảm động trước việc làm của bà, nhiều người đã cùng góp sức. Hàng ngày, rau củ quả được phường và những tấm lòng thiện nguyện hỗ trợ. Gạo và nhiều loại thực phẩm lúc nào cũng được bà trữ sẵn trong nhà. 3 giờ sáng mỗi ngày, bà thức dậy nấu nướng. Các con trai, con gái, dâu, rể cùng phụ việc bếp núc với bà. Ngày nào các nhóm làm nhiệm vụ không thể đến nhà nhận thì con bà Cúc sẽ chở cơm đến từng điểm chốt.

Ngoài việc duy trì bếp cơm, bà Cúc còn hỗ trợ các hộ dân đang thực hiện cách ly, lực lượng bảo vệ an ninh trật tự và dân quân tự vệ tại địa phương bằng những phần quà thiết thực. 

Truyền thống đang được phát huy, tiếp nối 

Nhắc đến những gia đình truyền thống đang tham gia chống dịch, chị Nguyễn Thị Mai - Chủ tịch Hội LHPN xã Phú Mỹ Hưng, H.Củ Chi, TP.HCM - xúc động: “Thương lắm. Nhìn các cô đóng góp cho phòng, chống dịch mới hiểu vì sao các cô được Tổ quốc ghi công. Họ không tiếc cả tuổi thanh xuân, huống gì ao cá, luống rau… của hôm nay”.

Nói rồi chị Mai đưa chúng tôi đến thăm nhà bà Đỗ Thị Giàu (74 tuổi), một nữ y sĩ của bệnh xá Bộ Tư lệnh Sư đoàn 5 thời chống Mỹ. Ngôi nhà đơn sơ nằm nép giữa vườn cây xanh. Trong vườn có hơn chục gốc chuối, có buồng nào bà Giàu cũng để chín rồi gọi điện kêu cán bộ phụ nữ đến chặt đem về tiếp sức cho các lực lượng đang làm nhiệm vụ phòng, chống dịch. Nghe chị Mai nhắc chuyện, bà Giàu chỉ cười: “Già rồi, không còn sức, cũng không có của để dành, nên có gì đóng góp cái nấy”. 

 

Bà Giàu "bàn giao" quài chuối chín cây cho các cị cán bộ Hội LHPN xã mang trao tặng lực lượng phòng, chống dịch.

Bà Giàu nghẹn ngào: “Chiến tranh khiến người ta mất mát nhiều thứ, nhưng dịch bệnh hoành hành, dân mình cũng khổ lắm. Chống dịch như chống giặc, phải cậy sức dân để lan tỏa sức mạnh”.

Cũng có ý thức giống bà Giàu, nhiều gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công ở TP.HCM đã trở thành nòng cốt trong công tác phòng, chống dịch ở các địa phương. Đó là tủ bánh mì nghĩa tình của bà Nguyễn Thị Hường - nguyên cán bộ Ban Trí vận Sài Gòn - Gia Định (P.Đa Kao, Q.1, TP.HCM) - mỗi ngày cung cấp 200 - 500 ổ cho người dân trong suốt hai năm dịch bệnh vừa qua. Là sự trợ sức cho hàng ngàn bữa ăn do Hội LHPN P.Trung Mỹ Tây, Q.12, TP.HCM tổ chức cùng hàng trăm bộ quần áo bảo hộ cho lực lượng tuyến đầu chống dịch của bà Nguyễn Thị Cát - người mẹ nuôi quân ở Quảng Trạch, Quảng Bình năm xưa. Là “Bếp ăn nghĩa tình” của nữ thương binh Võ Thị Kim Em (P.Bình Trưng Đông, TP.Thủ Đức) đã hoạt động hết công suất trong thời gian qua…

Và còn rất nhiều những cống hiến, sẻ chia được các gia đình có truyền thống cách mạng đang phát huy, tiếp nối. 

Thiên Ân

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI