Hiện tượng "Bố già": Chạm tới cảm xúc bởi câu chuyện đủ đời, đủ thật!

15/03/2021 - 07:05

PNO - Đến những suất chiếu cuối trong ngày, ngoài rạp vẫn rất đông khán giả đợi xem "Bố già" - một hình ảnh đã lâu và gần như rất hiếm mới xuất hiện tại rạp. Sau "Bố già", phim Việt xem như “cứu được một bàn thua” với khán giả Việt, dù chưa thật xuất sắc.

Bố già đang “làm mưa, làm gió” ngoài rạp với doanh thu “phi nước đại”, và con số phòng vé sau cùng - theo nhiều nhà làm phim, có thể sẽ soán ngôi và tạo nên kỳ tích mới cho phim Việt. Theo nhà phát hành Galaxy, đến 19g ngày 14/3, doanh thu Bố già đã vượt mức 200 tỷ đồng, trở thành phim Việt cán mốc 200 tỷ nhanh nhất, sau chín ngày chiếu. 

Tại rạp, nhiều khán giả khó tìm được vé hoặc chỗ ngồi tốt nếu đến sát giờ chiếu phim, không ít người xem đành ngậm ngùi ra về. Trước đó, trong ba ngày cuối tuần (tính từ 5-7/3), Bố già đạt doanh thu cao thứ ba thế giới khi thu về 2,4 triệu USD (tương đương khoảng 55,2 tỷ đồng), từ số liệu của trang Box Office Mojo (đơn vị theo dõi doanh thu phòng vé hoạt động từ năm 1999, hiện là công ty con của Amazon). Thành công của Bố già được xem như cú hích lớn cho các cụm rạp sau khi trải qua một mùa phim tết ảm đạm. Không ngoa khi nói Bố già là bộ phim lấy lại niềm tin về phim Việt với khán giả trong nước.

Trấn Thành và hai diễn viên nhí trong phim Bố già
Trấn Thành và hai diễn viên nhí trong phim Bố già

Bố già có gì để làm nên hiện tượng tại rạp?

Có lẽ tên tuổi Trấn Thành và thành công của web drama Bố già chiếu trên YouTube chính là tiền đề tạo nên thành công hiện tại. Mặc dù chỉ chiếu trên YouTube, nhưng năm tập phim trong series Bố già được khán giả cực kỳ yêu thích, mỗi tập liên tục lọt top 1 trending. Sau khi bản điện ảnh công chiếu tại rạp, series Bố già phát trên các nền tảng trực tuyến như Galaxy Play hay Netflix lọt top được xem nhiều nhất trong ngày. 

Trấn Thành lắm tài và cũng lắm chiêu trò để tên tuổi luôn thuộc top 10 nghệ sĩ được tìm kiếm nhiều nhất trên mạng mỗi tháng. Nam diễn viên sở hữu lượng fan hùng hậu và chuyện khán giả ra rạp vì Trấn Thành là điều vô cùng dễ hiểu. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, nếu Bố già là một sản phẩm tệ, chắc chắn Trấn Thành dẫu là siêu sao hàng đầu cũng không thể cứu vãn.

Thời gian qua, phim Việt giãy chết tại rạp, những tên tuổi bảo chứng cho doanh thu phòng vé cũng bất lực trước sự quay lưng của khán giả vì phim kém. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh từng nói, chỉ có một cách để lấy lại niềm tin của khán giả Việt - là làm được phim hay, mọi yếu tố còn lại chỉ là cộng thêm. 

Bố già thắng vì dàn diễn viên được đặt để đúng chỗ, vì nhạc phim, thời điểm phát hành hợp lý, vì kế hoạch truyền thông... Khi giải mã, Bố già có ti tỉ lý do để thắng đậm, nhưng chính xác thì phim thắng nhờ kịch bản chạm được tới cảm xúc của khán giả, chạm rất sâu bởi câu chuyện đủ đời, đủ thật. 

Phim cho khán giả tin vào câu chuyện của ba Sang (Trấn Thành đảm vai) và con trai của ông - thằng Quắn (Tuấn Trần), một YouTuber thức thời, quậy phá. Đặt trong một xóm lao động nghèo với nhiều nhân vật điển hình: một người đàn ông nát rượu, cờ bạc; một người vợ vô duyên, xem trọng tiền bạc, hình thức; người chồng vô sinh, ủy mị... Bố già rất đời, đời từ nhân vật cho tới câu thoại, tình huống. Người xem thấy được mình trên phim - giữa những xung đột thế hệ, thấy được những tính cách, số phận, câu chuyện đã từng gặp ngoài đời. 

Trong một tình huống, ông ba Sang quặn thắt lòng buông tiếng chửi thề và nói với thằng Quắn: “Tao thương mày mà” khi biết đứa con mắc bệnh tim muốn cứu mạng mình. Thằng con ngỗ ngược, bốc đồng thời trẻ lẩm nhẩm trong miệng đôi dòng “tui thương ba”, “tui thương ba” và không ngừng tung cú đấm vào thành gỗ vì cha chối từ quyền được sống.

Ai trong cuộc đời cũng có sai lầm, và cái sai của ba Sang hay thằng Quắn dễ thấy, dễ đồng cảm. Thằng Quắn mới khá lên vài năm, nhưng muốn “cải cách” cuộc đời của một ông già sống bao đồng suốt mấy chục năm đằng đẵng, ai nhún nhường, ai chịu thua cuộc? Sự dằn vặt càng nặng về cuối phim, cho tới khi câu kết hiện trên màn hình: “Chúng ta có nhiều thời gian, ba mẹ thì không”, khán giả nhận được trọn vẹn thông điệp mà ê-kíp sản xuất gửi gắm.

Nhà sản xuất Charlie Nguyễn khi nhận cái kết đau cho phim Người cần quên phải nhớ (tháng 12/2020), anh thừa nhận phim thua vì “không chạm vào trái tim khán giả, không gây vỡ òa về cảm xúc. Khán giả không thương nhân vật, không đau nỗi đau của nhân vật”. Trên phim Charlie Nguyễn, anh bày biện nhiều món, nhưng đều xa lạ với người xem, thiếu dụng công về mặt kịch bản nên thành ra thừa, để cảm xúc trôi tuột.

Đương nhiên, Bố già không hoàn hảo. Tình huống mâu thuẫn để đẩy cao trào trong phim chưa đủ sức làm bùng nổ câu chuyện, bởi có gì để nói nhiều, khi hai cha con chỉ vì yêu thương nhau nên... xích mích? Đôi chỗ, vì mải lo lớp lang trong câu chữ - cách chơi chữ lắm vần vè, tham mảng miếng hài của Trấn Thành mà trở nên ồn ào, thừa thãi và vô hồn. So với nhiều tác phẩm kinh điển, đậm ngôn ngữ hình ảnh, Bố già chưa thể gọi là xuất sắc, nhưng trong dòng phim thương mại, cách khai thác kỹ một chủ đề đã cũ của phim đáng phải học hỏi.

Trailer phim Bố già:

 

 

Giữa thời điểm phim Việt tuyên bố sử dụng các kỹ thuật one-shot, đầu tư khủng cho bối cảnh, trưng trổ những góc máy độc... thì Bố già xuất hiện, minh chứng cho một bộ phim thành công khi và chỉ khi đủ chạm tới cảm xúc của số đông khán giả. Trấn Thành nói anh còn thiếu sót trong sản phẩm đầu tay, nếu có cơ hội làm lại, Bố già chắc chắn sẽ thành công hơn. Đây là thái độ khiêm tốn của Trấn Thành, nhưng đúng với chất lượng của phim. Bởi Bố già chưa chạm ngưỡng xuất sắc, ngoài việc cho thấy nhà làm phim có nghiên cứu thị trường, chỉn chu trong kịch bản.

Diễm Mi
 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI