Hành trình từ rác thải trở thành thời trang

29/08/2020 - 08:50

PNO - Dép xỏ ngón Tlejourn đang dần được các nhà bảo vệ môi trường và chủ thương hiệu thời trang biết đến với mong muốn chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp, ý thức làm điều gì đó cho môi trường thông qua các sản phẩm của họ.

Cuộc hành trình bắt đầu cách đây 5 năm trên hòn đảo Satun, Thái Lan với 100.000 đôi dép xỏ ngón bị trôi ra biển. Người ta không biết chúng đến từ đâu hoặc đã đi bao xa trước khi đến một số bãi biển đẹp nhất ở miền nam Thái Lan. Suốt ba tháng trời ròng rã, một nhóm tình nguyện viên môi trường có tên Trash Hero mới thu gom được số rác trên để “tái sinh” cho chúng một cuộc sống mới ở tỉnh Pattani, cách đó hàng trăm cây số.

“Những đôi dép này từng bị bỏ đi vì có thể chủ nhân không còn thích chúng nhưng giờ đây sẽ có nhiều người khác muốn có chúng” - Nattapong Nithi-Uthai, giảng viên Khoa Khoa học và Công nghệ của Đại học Prince of Songkla ở tỉnh Pattani - cho biết.

Khi nhóm Trash Hero chở đống rác dép xỏ ngón đến nhà mình, ông Nattapong đã thật sự choáng váng. Đó là hàng chục ngàn chiếc dép chất đống trên một chiếc xe tải mười bánh. Chúng bẩn thỉu, không khớp đôi và hoàn toàn vô giá trị. Ông không nghĩ rằng đại dương đã phải đón nhận nhiều rác như vậy.

Một chiếc dép xỏ ngón nhặt từ bãi biển trước khi được tái chế thành dép xỏ ngón Tlejourn  - Ảnh: Pichayada Promchertchoo
Một chiếc dép xỏ ngón nhặt từ bãi biển trước khi được tái chế thành dép xỏ ngón Tlejourn - Ảnh: Pichayada Promchertchoo

“Họ nói rằng họ đã thu gom được 80.000kg rác biển trong vòng 3 tháng và riêng phần dép này đã nặng 8.000kg, có khoảng 100.000 chiếc dép” - ông Nattapong nói.

Núi dép trước nhà bắt đầu thôi thúc ông Nattapong tìm kiếm giải pháp. Vào thời điểm đó, ông đang hướng dẫn một nhóm sinh viên xử lý rác thải trong khuôn khổ chương trình Lãnh đạo trẻ Thái Lan thuộc chương trình Một thế giới trẻ - một sự kiện toàn cầu thường niên quy tụ các tài năng trẻ từ nhiều quốc gia và lĩnh vực khác nhau để tạo ra tác động xã hội thông qua các sáng kiến và dự án mới. 

Tlejourn - thay đổi tư duy về rác thải

Nhóm của ông Nattapong đã chọn phát triển một mô hình kinh doanh có thể biến những đôi dép bỏ đi, nhặt từ các bãi biển Thái Lan trở thành những đôi dép mới có chất lượng và giá trị cao hơn. Dự án được gọi là Tlejourn, tiếng Thái Lan có nghĩa là “lang thang trên biển”.

Ngày nay, dự án Tlejourn đã phát triển thành một mô hình doanh nghiệp xã hội thông qua sản phẩm của mình không chỉ tái chế rác thải đại dương mà còn hỗ trợ nền kinh tế địa phương và nâng cao nhận thức về các mảnh vụn biển.

Điều đặc biệt là những chiếc dép xỏ ngón này mang rất nhiều màu sắc do được tạo từ nhiều chiếc dép bỏ đi khác nhau. Dẫu không có đôi nào giống đôi nào nhưng chúng lại mang một thông điệp tuyệt vời về vấn đề xử lý rác thải.

“Giải pháp của chúng tôi không phải là về công nghệ mà là về tư duy. Chất thải không nên chỉ được sử dụng làm chất độn. Chúng nên được biến thành sản phẩm mới. Vì vậy, nếu chúng ta sử dụng chất thải làm nguyên liệu thô, nó sẽ ngày càng được tận dụng nhiều” - ông Nattapong nói.

Dép xỏ ngón Tlejourn đang dần được các nhà bảo vệ môi trường và chủ thương hiệu thời trang biết đến với mong muốn chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp, ý thức làm điều gì đó cho môi trường thông qua các sản phẩm của họ. Hiện tại, trang Facebook của doanh nghiệp xã hội này có hơn 20.000 người theo dõi. Con số này đang ngày càng tăng lên.

Doanh nghiệp xã hội của ông Nattapong sau đó hợp tác với mạng lưới các nhà bảo vệ môi trường toàn cầu từ Trash Hero để cung cấp nguồn nguyên liệu chính là dép xỏ ngón đã bỏ đi.

Trash Hero là một nhóm hoạt động tình nguyện phi lợi nhuận, hình thành trên đảo Lipe ở Satun trước khi mở rộng khắp Đông Nam Á, sang Úc, châu Âu và Mỹ. Nhóm tình nguyện này hiện có hơn 330.000 thành viên trên toàn thế giới, đã thu gom khoảng 1,65 triệu ký rác, bao gồm ít nhất 36 triệu chai nhựa.

“Chúng tôi không chỉ nhặt rác để làm cho môi trường sạch hơn mà chúng tôi làm điều đó còn nhằm làm sạch tâm trí của chúng ta, để ngừng tạo ra rác thải trong tương lai và nhận thức được nguồn gốc của rác…” - ông Nattapong, người phụ trách nhóm Trash Hero ở Thái Lan chia sẻ.

Thời trang tạo công ăn việc làm cho người nghèo
Hằng tuần, những “anh hùng rác” trên khắp Thái Lan đều tụ tập để thu gom rác. Những chiếc giày, dép bỏ đi sẽ được phân loại và vận chuyển đến cơ sở sản xuất của Tlejourn ở Pattani để tái chế.

Những đôi dép xỏ ngón Tlejourn thành phẩm  - Ảnh: Pichayada Promchertchoo
Những đôi dép xỏ ngón Tlejourn thành phẩm - Ảnh: Pichayada Promchertchoo

Chúng được làm sạch, cắt nhỏ và trộn với keo polymer, sau đó nén, đúc thành tấm và cắt thành đế dép với các kích cỡ khác nhau. Những mẩu thừa còn lại sẽ tiếp tục được cắt nhỏ và tiếp tục quy trình tái chế để sản xuất các đôi đế khác.

Nguyên vật liệu sau đó được vận chuyển đến một ngôi làng nhỏ ở Klong Maning, nơi một nhóm thợ đóng giày lắp ráp dép xỏ ngón và đóng gói bằng tay, để sẵn sàng phân phối đến các cửa hàng. Mỗi đôi dép xỏ ngón như vậy có giá từ 399 baht đến 1.980 baht.

Trong 5 năm qua, Tlejourn đã mang đến cho hàng tấn rác thải một cuộc sống mới bằng cách mang lại giá trị thương mại cho nó. Mặt hàng này đang được bán tại một số cửa hàng bán lẻ ở Thái Lan. Doanh nghiệp cũng đã hợp tác với các thương hiệu giày khác để truyền tải thông điệp của mình đến nhiều người tiêu dùng hơn.

Từ một chiếc dép nhặt trên biển tới một  sản phẩm hoàn hảo được bán với giá lên đến 1,4 triệu đồng - Ảnh: Pichayada Promchertchoo
Từ một chiếc dép nhặt trên biển tới một sản phẩm hoàn hảo được bán với giá lên đến 1,4 triệu đồng - Ảnh: Pichayada Promchertchoo

Quá trình tái chế này cũng giúp người dân địa phương có thêm việc làm và thu nhập. Mỗi đôi dép có một giá cố định có thể chia đều cho ba. Phần đầu tiên bao gồm chi phí vận chuyển và tái chế. Phần thứ hai là người dân địa phương làm dép. Phần thứ ba là một khoản lợi nhuận cố định cho các cửa hàng bán lẻ.

“Điều này làm giảm bất bình đẳng vì thông thường, khi một doanh nghiệp phát triển, chúng ta sẽ thấy khoảng cách lớn giữa thu nhập của CEO và người lao động. Nhưng với mô hình của chúng tôi, điều đó sẽ không xảy ra bởi chúng tôi hoạt động song song” - ông Nattapong nói thêm.

Tlejourn đã xây dựng một trung tâm đào tạo và sản xuất tại một ngôi làng địa phương. Nơi này chào đón bất kỳ ai muốn kiếm thêm thu nhập bằng cách lắp ráp dép xỏ ngón.
“Tôi có một đứa con nhỏ và phải ở nhà chăm sóc con. Vì vậy, tôi làm thêm công việc này” - cô Rohaning Palaya, 32 tuổi, đang làm việc tại Tlejourn, cho biết.

Những chiếc dép xỏ ngón nhặt từ biển được làm sạch, cắt nhỏ và trộn với keo polymer - Ảnh: Pichayada Promchertchoo
Những chiếc dép xỏ ngón nhặt từ biển được làm sạch, cắt nhỏ và trộn với keo polymer - Ảnh: Pichayada Promchertchoo

Với sự tỉ mỉ, cô dùng búa đục lỗ trên đế dép trong khi những người khác đang dán các đế lại với nhau. Đã 5 năm nay, những người dân địa phương này kiếm thêm thu nhập từ nghề làm dép xỏ ngón mà không cần phải đi làm việc xa nhà.

Trước khi doanh nghiệp xã hội này được thành lập, một số phụ nữ trong làng không có việc làm và phải dựa vào tài chính của chồng. Ngày nay, với thu nhập có thêm từ nghề làm dép, cuộc sống của họ đã được cải thiện.

Cô Rohaning (phải) đang làm dép xỏ ngón tại xưởng sản xuất của Tlejourn - Ảnh: Pichayada Promchertchoo
Cô Rohaning (phải) đang làm dép xỏ ngón tại xưởng sản xuất của Tlejourn - Ảnh: Pichayada Promchertchoo

Thái Lan đang đối mặt với một thách thức nghiêm trọng về môi trường do hàng triệu tấn rác thải nhựa gây ra. Trên thực tế, lượng rác thải đổ vào đại dương của nước này nhiều thứ năm trên thế giới. Theo báo cáo năm 2015 của nhóm vận động bảo vệ môi trường Ocean Conservancy, hơn một nửa rác thải nhựa trên đại dương có nguồn gốc từ Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Việt Nam và Thái Lan.

Tổ chức này cũng nói rằng, nếu các quốc gia không có biện pháp quản lý chất thải nhựa một cách hợp lý thì đến năm 2025, cứ 3 tấn cá sẽ có 1 tấn rác thải nhựa trong đại dương.

Tú Quyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI