Gửi một cổ động viên trên khán đài Mỹ Đình

17/12/2018 - 06:43

PNO - Chiến thắng lịch sử không chỉ thuộc về đêm 15/12 mà là sự khởi đầu của một hành trình được xây dựng trên nền tảng thực thụ.

Sau đêm chiến thắng lịch sử 15/12, sáng 16, huấn luyện viên Park Hang Seo đã có cuộc hội ngộ với ông Đoàn Nguyên Đức tại Chu Lai. Nhận phần thưởng 100.000 USD do Thaco trao tặng, thầy Park đã tặng lại để góp phần vào việc phát triển bóng đá Việt Nam và giúp người nghèo.

Đó là một cách hành xử đúng đắn, khôn ngoan và như lời bầu Đức đã nói về thầy Park: “Ông ấy là người rất tốt, phúc hậu và luôn làm việc bằng chính danh dự của mình”.

Gui mot co dong vien tren khan dai My Dinh
 

Cách hành xử ấy giúp nhiều người vỡ lẽ thêm đằng sau câu chuyện "tam cố thảo lư" mà Đoàn Nguyên Đức đã ba lần sang Hàn Quốc mời Park Hang Seo về làm việc; cho đến khoản lương bổng, không chỉ là bên trả - bầu Đức, bên nhận - thầy Park mà là mục đích duy nhất, tâm huyết có thật, cách thức bài bản cho bóng đá Việt của hai con người ít nhiều duyên nợ túc cầu.

Có thể, “phát triển bóng đá Việt Nam” là cụm từ được nhiều quan chức VFF thích dùng, hay dùng, dùng trong phát biểu hơn là trong cách làm, làm thật, làm có hiệu quả. Nhưng, với thầy Park và bầu Đức, bầu Hiển thì lại khác.

Từ tuyết trắng Thường Châu đến sắc đỏ Mỹ Đình là từng bước đi của hành trình phát triển bóng đá Việt Nam được xác lập trên nền tảng thể lực, kỹ thuật, tâm lý của một thế hệ cầu thủ biết chơi bóng, hội đủ văn minh sân cỏ, văn hóa ngoài đường pitch.

Danh thủ Nguyễn Hồng Sơn của thế hệ vàng 1998 đã nói về lứa cầu thủ 2018 như sau: nhìn cái cách Quang Hải, Phan Văn Đức thi đấu, bạn sẽ thấy họ chơi bóng chứ không phải đá bóng. Nghĩa là họ chơi bóng bằng tư duy, bằng sự nhạy cảm và phán đoán chính xác. Họ không bị cảm xúc cá nhân chi phối, cả trong khi thắng lẫn thua, để giữ vững kỷ luật sân cỏ, tuân thủ đấu pháp triệt để. 

Nói không ngoa, cũng chỉ cái số 8 thần thánh của 20 năm trước mới là người vượt lên những xúc cảm cá nhân, làm chủ sân cỏ để hôm nay, anh nhìn ra ưu điểm thế hệ sau mình một cách chính xác, công bằng như thế.

Gui mot co dong vien tren khan dai My Dinh
 

Đành là không phải không có những hạn chế - nếu mặc định sự đòi hỏi cao hơn thế với đội tuyển, nhưng rõ ràng, cú bắt tay với một công ty sữa từ 5 năm trở lại đây để thiết lập chế độ dinh dưỡng đặc thù cho cầu thủ hay chuyên gia thể lực đã nhìn ra điểm yếu phần thân trên cũng như chế độ tập luyện dài nhưng cường độ tập không cao đã ảnh hưởng đến trường lực của tuyển thủ, đã đưa tới giải pháp bền vững cho cuộc “cách mạng thể lực” - điểm yếu đầu tiên của cầu thủ Việt Nam.

Khi thể lực dồi dào, ổn định, trừ thủ môn, 10 vị trí trên sân sẽ thỏa sức hoán đổi theo sơ đồ chiến thuật của huấn luyện viên mà không một toan tính, dự đoán nào của đối phương có thể bắt bài đuổi kịp.

Chỉ trong 4 ngày, từ Bukit Jalil đến Mỹ Đình, cũng là pha bóng cố định ấy - thế mạnh của Malaysia, cũng là góc sút chếch về phía góc cầu môn, cũng là chân sút Safawi Rasid nhưng Đặng Văn Lâm đã cản phá thành công. Sự lơ đễnh của hàng thủ dẫn tới cú bật cao đánh đầu từ Mohd Saad trong trận lượt đi đã thay bằng hàng rào thép trong ngày lượt về, bẻ gãy mọi cuộc tấn công của các tiền đạo chơi cực kỳ xông xáo, ma mãnh của Malaysia.

Chưa kể, là một đội bóng có chiều sâu, sự chuyển đổi trạng thái của cuộc chơi (transition game) giữa tấn công và phòng thủ đã được 10 chiếc áo đỏ linh hoạt, biến hóa nhịp nhàng, thông minh, hiệu quả, phá vỡ ý đồ của Tan Cheng Hoe, khóa chặt đường đi của đội bóng áo vàng.

Thế đấy, để thấy chiến thắng lịch sử này không chỉ thuộc về đêm 15/12 mà là sự khởi đầu của một hành trình được xây dựng trên nền tảng thực thụ, có sức mạnh nội lực, để người hâm mộ tin chắc vào trường lực của một đội tuyển, được bảo trợ bởi những con người biết nghĩ (vì cái chung), biết làm (theo cái đúng), biết tận dụng sức người sức của cho một thế hệ cầu thủ tương lai mà không phung phí, không màu mè, không vẽ vời kiếm chác danh lợi trên màu cờ sắc áo...

Đêm 15/12, người - thử - việc Đặng Văn Lâm là cứu tinh, giọt nước mắt nơi cầu môn là cuộc trở về trọn vẹn của thủ thành chỉ “mong muốn về Việt Nam thử việc đội tuyển U23 Việt Nam, một lần nữa thôi”.

Đêm 15/12, cái "chân gỗ" Anh Đức đã làm mềm trái tim người hâm mộ, tỏa sáng thứ hào quang thầm lặng của một tiền đạo cắm, người vụng về trước mọi cuộc tranh chấp hơn thua nhưng đã ghi bàn duy nhất cho trận thắng lịch sử.

Tất cả đã được cống hiến từ một đội bóng có sức mạnh tư duy, nền tảng kỹ thuật và triết lý thi đấu. Nhìn rộng ra, lớn hơn, một quốc gia - nếu được quản trị và điều hành trên nền tảng sức mạnh ấy, cũng sẽ làm nên ngày lịch sử - có lẽ ông, một cổ động viên nhiệt thành trên khán đài Mỹ Đình hôm 15/12 cũng đã... nghĩ tới.

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI