Góp tiền mua đất 5 năm, đất chẳng thấy đâu lại bị chủ đầu tư kiện ra tòa

03/07/2022 - 07:33

PNO - Đó là tình trạng người dân góp vốn mua đất dự án Khu nhà ở Suối Giữa do Công ty Cổ phần đầu tư thương mại Á Châu làm chủ đầu tư.

Góp tiền mua đất, đất chẳng thấy đâu

Thời gian qua, hàng trăm người dân trót đóng tiền cho Công ty Cổ phần đầu tư thương mại Á Châu (gọi tắt Công ty Á Châu, trụ sở tại Khu đô thị Sala, phường An Phú Đông, TP.Thủ Đức, TPHCM) để mua đất theo hình thức “giữ chỗ và hợp tác đầu tư” tại dự án Khu nhà ở Suối Giữa (phường Tương Bình Hiệp, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương).

Sau 5 năm mở bán trái phép, dự án Khu nhà ở Suối Giữa vẫn chỉ là bãi đất cho cỏ mọc. Ảnh: Nhật Linh.
Sau 5 năm mở bán trái phép, dự án Khu nhà ở Suối Giữa vẫn chỉ là bãi đất cho cỏ mọc. Ảnh: Nhật Linh.

Theo tìm hiểu, dự án Khu nhà ở Suối Giữa (tên cũ là Khu nhà ở Tương Bình Hiệp) rộng hơn 30ha, mặt tiền Quốc lộ 13, cạnh Trạm thu phí Suối Giữa. Dự án được TP.Thủ Dầu Một phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 1/500 vào tháng 8/2015 với tính chất khu nhà ở kết hợp thương mại dịch vụ.

Hiện nay khu đất dự án đóng kín cổng, bên trong cỏ dại cây bụi mọc um tùm trong khi hàng trăm người dân đã góp tiền, mong sớm nhận đất xây nhà ổn định cuộc sống - phải đi thuê trọ lẫn chịu lãi vay ngân hàng.

Đến cuối năm 2017, dù dự án chỉ mới được UBND TP.Thủ Dầu Một phê duyệt quy hoạch 1/500, khu đất dự án vẫn chưa đền bù giải tỏa xong, chưa đủ điều kiện huy động vốn nhưng Công ty Á Châu và các đơn vị phân phối đã ký hợp đồng “giữ chỗ và hợp tác đầu tư” với hàng trăm khách hàng.

Tuy nhiên, khách hàng không được mua với giá Công ty Á Châu đưa ra mà phải mua qua một số người trung gian dẫn đến giá “hợp tác đầu tư” chênh lệch hơn rất nhiều.

Thế nhưng suốt 5 năm qua, dự án vẫn là bãi đất trống, chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đường, điện theo quy định để triển khai dự án, bàn giao đất cho người dân.

Anh Bùi Bá Đông (ngụ TP. Thủ Đức, TP.HCM) cho biết, thông qua giới thiệu của các công ty môi giới, anh mua đất của Công ty Á Châu và trực tiếp đóng tiền cho Công ty Á Châu. “Suốt mấy năm nay, Công ty Á Châu cầm tiền của chúng tôi làm gì, dùng vào mục đích gì mà không thực hiện dự án?”, anh Đông đặt câu hỏi.

Ngày 30/10/2020, UBND tỉnh Bình Dương đã ra quyết định xử phạt hành chính số 3174 đối với Công ty Á Châu về hành vi vi phạm “huy động hoặc chiếm dụng vốn trái phép” tại dự án Khu nhà ở Suối Giữa với số tiền 285 triệu đồng. Đồng thời, buộc thực hiện đúng quy định, bồi thường thiệt hại (nếu có) cho bên mua, bên thuê mua đối với hành vi trên.

Chờ đợi được nhận đất quá lâu, người dân liên tục đến khu đất căng băng rôn cầu cứu cũng như gửi đơn cầu cứu đến nhiều cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương.

“Năm 2020, Công ty Á Châu bị phạt hơn 200 triệu đồng vì bán đất chưa đủ điều kiện giao đất. Mà việc bán này diễn ra từ 2017, đến 2020 mới bị phạt. Vậy doanh nghiệp có dấu hiệu lừa đảo hay không, chúng tôi yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ”, anh Phạm Minh Tuấn (ngụ TP.Dĩ An) bức xúc khi đã đóng hàng trăm triệu vào dự án mà đất không biết chừng nào mới có.

Phía mặt tiền Quốc lộ 13 nhếch nhác vì bảng thông tin dự án rách tả tơi. Ảnh: Nhật Linh.
Phía mặt tiền Quốc lộ 13 nhếch nhác vì bảng thông tin dự án rách tả tơi. Ảnh: Nhật Linh.

Nhận đơn cầu cứu, ngày 22/2/2022, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi đã có cuộc họp với Công ty Á Châu và người dân. Tại Kết luận số 119 ngày 25/2/2022 về ý kiến kết luận và chỉ đạo của ông Lợi, giao Bí thư Thành ủy Thủ Dầu Một chỉ đạo UBND thành phố chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tổ chức đối thoại giữa chủ đầu tư và các hộ dân đề thỏa thuận, thống nhất các vần đề còn vướng mắc, yêu cầu chủ đầu tư có kế hoạch, cam kết bằng văn bản với cơ quan chức năng và người dân.

Trường hợp chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết hoặc không tiếp tục thực hiện dự án thì UBND tỉnh sẽ kiên quyết chỉ đạo xử lý theo quy định pháp luật. Cũng tại Kết luận này, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các hộ dân tiếp tục tích cực phối hợp với chủ đầu tư thỏa thuận, cùng nhau giải quyết những vấn đề còn tồn tại để dự án được sớm triển khai.

Dự án vẫn đắp chiếu, người đóng tiền bất ngờ bị chủ đầu tư kiện

Tại biên bản số 21/BB-UBND ngày 22/4/2022 trao đổi nội dung giữa Công ty Á Châu và khách hàng góp vốn do UBND TP.Thủ Dầu Một tổ chức, người dân không đồng ý với lộ trình, kế hoạch triển khai dự án mà Công ty Á Châu đưa ra là kéo dài đến 2025.

Người dân 5 năm chờ đất cất nhà nhưng dự án gần như bỏ hoang, trong khi đó chủ đầu tư bất ngờ quay lại kiện người dân góp vốn. Ảnh: Nhật Linh.
Người dân 5 năm chờ đất cất nhà nhưng dự án gần như bỏ hoang, trong khi đó chủ đầu tư bất ngờ quay lại kiện người dân góp vốn. Ảnh: Nhật Linh.

Ông Võ Chí Thành - Phó chủ tịch UBND TP đề nghị Công ty Á Châu làm việc với các sở ngành của tỉnh để xem xét rút ngắn thời gian thực hiện dự án. Phải xác định cụ thể thời gian bàn giao nền đất cho người dân vào lộ trình, kế hoạch triển khai dự án.

Tuy nhiên, thay vì chấp hành chỉ đạo của cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương, mới đây, Công ty Á Châu bất ngờ khởi kiện một số khách hàng ra Tòa án nhân dân TP.Thủ Dầu Một để xem xét tuyên “hợp đồng giữ chỗ và hợp tác đầu tư” giữa công ty với khách hàng là vô hiệu.

Lý do kiện, doanh nghiệp này cho rằng do vướng mắc về giải tỏa, đền bù nên kéo dài tiến độ dự án và muốn thanh lý hợp đồng với khách hàng nhưng không thỏa thuận được. Hình thức thỏa thuận doanh nghiệp này sẽ trả lại tiền cùng một khoản lãi tính theo lãi suất ngân hàng.

Ông Trần Mạnh Cung (người góp vốn mua đất) bức xúc: “Chúng tôi đóng tiền mua đất chứ đâu phải cho Công ty Á Châu vay đâu mà giờ trả lại rồi cộng lãi suất ngân hàng. 5 năm qua chúng tôi chỉ chờ nhận đất làm nhà, an cư lạc nghiệp. Thế mà tiền đã đóng nhưng đất chẳng thấy đâu lại còn bị kiện tụng, phải đi bỏ công bỏ việc mỗi khi tòa triệu tập nên ai cũng uất ức. Phải chăng sau nhiều năm ngâm dự án, giá đất tăng lên cao, nay chủ đầu tư muốn lấy đất để bán lại? ”.

Theo luật sư Trần Minh Cường – Đoàn luật sư TP.HCM, đa số tranh chấp tại dự án bất động sản xuất phát từ hợp đồng góp vốn. Hiện pháp luật quy định dự án đất nền thì chủ đầu tư chỉ được ký hợp đồng mua bán khi hoàn tất pháp lý, cấp giấy phép xây dựng...trong trường hợp này mới được ký hợp đồng huy động vốn.

Tuy nhiên nhiều chủ đầu tư lách luật bằng hợp đồng góp vốn, đặt cọc, hứa mua hứa bán, đa phần để huy động vốn vì dự án chưa đầy đủ pháp lý huy động vốn. Khi tranh chấp, do chưa đủ điều kiện kinh doanh thì khi đó tòa xem xét tính hiệu lực của hợp đồng, xem xét vô hiệu hợp đồng theo đó các bên trả cho nhau những gì đã nhận, bên nào có lỗi thì bồi thường. Như vậy, phần thiệt thòi sẽ luôn thuộc về người dân lỡ tin lời chủ đầu tư.

Nhật Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI