Giáo sư Trần Hồng Quân: Người góp công đầu cho đổi mới giáo dục

27/08/2023 - 07:32

PNO - Giáo sư Trần Hồng Quân là người đã dành cả đời cho giáo dục. Ông đưa ra những chính sách lớn, tạo nên chuyển biến đột phá đối với giáo dục Việt Nam.

Sự ra đi của giáo sư (GS) Trần Hồng Quân để lại niềm thương tiếc vô hạn trong lòng người thân, bạn bè, đồng nghiệp cũng như những người quan tâm đến giáo dục.

Giáo dục đại học “cất cánh”

Suốt cả cuộc đời, GS Trần Hồng Quân luôn nặng lòng với giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học. Ông mong muốn hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam là một khối thống nhất, để tạo nên sức mạnh tổng hợp và cùng nhau phát triển.

Ông là người khởi xướng để mở ra hệ thống các trường đại học ngoài công lập. Theo Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, người sát cánh với GS Trần Hồng Quân giai đoạn ông là Bộ trưởng Bộ Đại học, Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề và sau này là Bộ Giáo dục và Đào tạo - những năm đầu của thời kỳ đổi mới, giáo dục ngoài công lập chưa dễ dàng được chấp nhận.

Khi nghỉ chức vụ Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, GS Trần Hồng Quân vẫn tham gia tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị góp ý xây dựng chính sách phát triển giáo dục
Khi nghỉ chức vụ Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, GS Trần Hồng Quân vẫn tham gia tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị góp ý xây dựng chính sách phát triển giáo dục

Thế nhưng, GS Trần Hồng Quân đã đặt nền móng thành công cho hệ thống trường đại học ngoài công lập. Năm 1994, sau 6 năm thí điểm thành công mô hình đại học dân lập với cái tên Trung tâm Đại học dân lập Thăng Long, Chính phủ có chủ trương cho phép thành lập các trường dân lập, trong đó có Trường đại học Thăng Long.

Những năm 90, giáo dục Việt Nam bước vào thời kỳ đổi mới mạnh mẽ, GS Trần Hồng Quân đã mời GS Nguyễn Xuân Thu, lúc đó đang giảng dạy tại Đại học RMIT (Úc) về làm cố vấn cao cấp cho Bộ Giáo dục và Đào tạo.

GS Nguyễn Xuân Thu kể lại, ông đã chủ động gặp gỡ Bộ trưởng Trần Hồng Quân, cùng bàn cách để cải cách giáo dục. Ông cũng đề xuất việc mời trường quốc tế về mở tại Việt Nam “để nước ta được thấy, nghe và học hỏi cách thức quản lý của họ”.

Tháng 7/1996, văn bản xin thành lập trường RMIT do Bộ trưởng Trần Hồng Quân ký được trình lên văn phòng Chính phủ. Tháng 1/1998, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản đồng ý về mặt nguyên tắc cho Đại học RMIT được thành lập phân viện tại Việt Nam. Hai năm sau, RMIT Việt Nam được thành lập tại TP.HCM.

“Công lao của anh đối với giáo dục nước nhà rất to lớn. Sự nghiệp của GS Trần Hồng Quân là sự nghiệp mở đầu cho một làn sóng giáo dục quốc tế vào Việt Nam. Sự nghiệp này để đời cho nhiều thế hệ mai sau” - GS Nguyễn Xuân Thu bày tỏ.

Việc gì tốt cho giáo dục thì khuyến khích cho làm

Đối với những nhà làm giáo dục, GS Trần Hồng Quân là một Bộ trưởng gần gũi anh em trí thức, từ tốn khiêm nhường, không quan liêu hách dịch, thấy việc gì tốt cho giáo dục thì khuyến khích cho làm. 

Khi Bộ Giáo dục; Bộ Đại học, Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề sáp nhập lại thành Bộ Giáo dục và Đào tạo, điều đầu tiên tân Bộ trưởng Trần Hồng Quân làm là dành thời gian đi xem xét, quan sát tất cả cơ sở vật chất của Bộ.

Ông cũng trao đổi với các lãnh đạo của hai bên để tạo điều kiện cho đơn vị hòa nhập nhanh chóng. GS Trần Hồng Quân đều từng làm lãnh đạo ở cả hai đơn vị nên có am hiểu sâu sắc về cả giáo dục đại học và phổ thông. Khi thiết lập đơn vị mới, ông mạnh dạn phân công cho các thứ trưởng và thực hiện hàng loạt chương trình mục tiêu.

Nổi bật là chủ trương xây dựng hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú để chăm sóc cho đồng bào miền núi. Chương trình đã đạt mục tiêu thành lập hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú với 50 trường thuộc Trung ương, 250 ở huyện và 300 trường bán trú ở xã.

Tiếp đến là các chính sách về đào tạo giáo viên, xây dựng hệ thống các trường sư phạm. Mỗi tỉnh có một trường cao đẳng để đào tạo giáo viên bậc mầm non đến THCS, các trường Trung ương đào tạo giáo viên bậc THPT và trường chuyên nghiệp khác. Hệ thống quản lý cũng được phân cấp, giáo viên mầm non, phổ thông do địa phương phụ trách... 

Cố Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Hồng Quân cũng là người khuyến khích các trường đại học chuyển từ đào tạo theo niên chế sang tín chỉ, học phần. Ngoài ra, ông chủ trương từng bước mở rộng phân cấp quản lý, tiến tới các trường tự quản.

Ngay cả khi nghỉ chức vụ Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, GS Trần Hồng Quân vẫn dành nhiều tâm huyết góp phần thúc đẩy sự nghiệp giáo dục nước nhà. Với vai trò là Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, ông vẫn tham gia tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị góp ý xây dựng chính sách phát triển ngành, đội ngũ nhà giáo, chăm lo cho các thế hệ sinh viên, học sinh...

Những năm tháng cuối đời, GS Trần Hồng Quân vẫn dành tâm huyết cho con đường phát triển giáo dục. Khi sức khỏe không cho phép, cách đây 2 năm, ông rời vị trí Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhưng vẫn là Chủ tịch Hội đồng cố vấn Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.

Dung Nhi

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI