Giao lưu trực tuyến '45% người Việt bị viêm dạ dày, chữa hoài không dứt?'

16/10/2019 - 17:07

Nhiều bệnh nhân sau khi điều trị, tình trạng viêm dạ dày vẫn tái phát. Để giúp bạn đọc hiểu rõ về bệnh viêm dạ dày, cách chữa dứt điểm, Báo Phụ Nữ TP.HCM tổ chức buổi giao lưu trực tuyến “Viêm dạ dày chữa hoài không dứt?”.

Buổi giao lưu diễn ra từ lúc 9g ngày 20/11 trên Báo điện tử Phụ Nữ, www.phunuonline.com.vn. Bạn đọc có thể gửi câu hỏi tại đây hoặc gửi về email giaoluutructuyen.baophunu@gmail.com

Giao luu truc tuyen '45% nguoi Viet bi viem da day, chua hoai khong dut?'
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Bác sĩ Trần Nguyễn Ái Thanh tại cuộc giao lưu

Buổi giao lưu trực tuyến có sự tham gia của bác sĩ Trần Nguyễn Ái Thanh - Trưởng khoa Nội Tổng quát, Bệnh viện Quận Thủ Đức TP.HCM.

Viêm dạ dày kéo dài, người bệnh sẽ có những biểu hiện thiếu máu, sụt cân, một số người có cảm giác bụng cồn cào nên muốn ăn liên tục dẫn đến tăng cân. Đau dạ dày nặng gây loét, chảy máu bên trong, ói ra dịch máu, dịch đen, đi cầu phân đen, ra máu. Đau dạ dày tạo điều kiện thuận lợi cho vi trùng H. pylori (H.P) tấn công gây ung thư dạ dày.

Nội dung buổi giao lưu trực tuyến:

* Thưa bác sĩ, trước đây tôi chưa từng nghe nói đến vi khuẩn H.P gây ung thư dạ dày. Loại vi khuẩn này lây như thế nào? Làm sao để phòng tránh? (Kim Châu, Đăk Mil, Đăk Nông)

BS Trần Nguyễn Ái Thanh:

- H.P là một trong những tác nhân chính gây viêm loét dạ dày mãn tính, tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Đường lây của vi khuẩn này là: miệng - miệng, phân - miệng. Như vậy, chủ yếu vi trùng này lây qua đường ăn uống. Ta có thể phòng tránh bằng những các sau đây:

- Tiệt trừ vi trùng này ở những người nhiễm vi khuẩn H.P để tránh lây nhiễm cho các thành viên trong gia đình.

- Nên dùng riêng đồ dùng ăn uống như chén, muỗng, nĩa, đũa... Hạn chế ăn cơm ở hàng quán kém vệ sinh.

- Rửa sạch tay trước và sau khi ăn.

- Nên tầm soát vi khuẩn H.P khi gia đình có thành viên bị nhiễm.

Giao luu truc tuyen '45% nguoi Viet bi viem da day, chua hoai khong dut?'

* Bác sĩ ơi, viêm dạ dày với loét dạ dày có giống nhau không? Bị loét dạ dày thì rất sợ đồ chua, nhưng cơ thể thì rất cần vitamin C để tăng cường đề kháng, vậy em nên bổ sung vitamin C bằng đường nào? (Huỳnh Tấn Cường, Ba Tri, Bến Tre)

BS Trần Nguyễn Ái Thanh:

- Chào bạn. Viêm và loét dạ dày thường có triệu chứng lâm sàng tương tự nhau: đau thượng vị, buồn nôn, khó tiêu, ợ hơi, ợ chua... Tuy nhiên, tổn thương trên niêm mạc dạ dày thì khác nhau.

- Viêm dạ dày: là một dạng phù nề, tổn thương tế bào niêm mạc, giảm số lượng tế bào tuyến ở người viêm teo dạ dày.

- Loét dạ dày: thường là tổn thương niêm mạc bề mặt dạ dày và có thể gây phá hủy cấu trúc các lớp dưới niêm mạc, cơ. Vì vậy, loét dạ dày dễ gây biến chứng xuất huyết, thủng dạ dày, hẹp môn vị... hơn là viêm dạ dày.

Để bổ sung vitamin C ở người viêm loét dạ dày, nên bổ sung bằng đường tĩnh mạch.

* Bác sĩ có thể gợi ý cho tôi vài món ăn mà người bị viêm dạ dày nên ăn? Tôi bị viêm dạ dày 3 năm nay, điều trị ở bệnh viện, nhưng bệnh thường tái phát (Dương Thu Loan, 30 tuổi, Long An)

BS Trần Nguyễn Ái Thanh:

- Các món ăn mà người viêm dạ dày nên ăn:

- Ưu tiên dùng những loại thức ăn ít gây tiết dịch vị, có tính bọc niêm mạc dạ dày như gạo nếp, các loại ngũ cốc, bánh mì, sữa, lòng trắng trứng, mật ong, thạch, chè, cá nghiền/ hấp...

- Món ăn phải mềm, không quá nóng hoặc quá lạnh. Cần thiết, có thể xay nhuyễn thức ăn.

- Nên ăn nhiều buổi trong ngày, mỗi buổi các nhau từ 2-3 tiếng, không ăn quá no cũng không để quá đói.

Viêm dạ dày có rất nhiều nguyên nhân như vi trùng H.P, ký sinh trùng, stress, chế độ ăn uống không hợp lý, rượu bia. Trường hợp của bạn nên đi xét nghiệm, tầm soát H.P, thử các loại giun sán đường ruột, kiêng cữ rượu bia, ăn uống điều độ, giảm áp lực công việc. Nếu vẫn không hết, bạn nên đi đến bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để được khám và tư vấn kỹ hơn.

Giao luu truc tuyen '45% nguoi Viet bi viem da day, chua hoai khong dut?'

* Tôi không có triệu chứng bị đau dạ dày, nhưng đi khám thì bác sĩ bắt nội soi dạ dày... Như vậy có sao không? (Mai Thị Tuyết Loan, Biên Hòa, Đồng Nai)

BS Trần Nguyễn Ái Thanh:

- Chào bạn. Vẫn có một số trường hợp mà chúng ta nên tầm soát bệnh lý đường ruột, trong đó có dạ dày. Nếu có 10 triệu chứng báo động gây ung thư hoặc gia đình có người bị ung thư đường ruột thì những triệu chứng báo động đó có thể không phải là triệu chứng tại chỗ dạ dày: thiếu máu, sụt ký chưa rõ nguyên nhân, rối loạn tính chất phân... Do không khám trực tiếp nên không biết bạn có triệu chứng nằm trong nhóm đó hay không?

Nội soi dạ dày đúng quy trình thì gần như không gây hậu quả gì sau đó. Thông thường, các biến chứng xảy ra ngay trong quá trình nội soi như dị ứng thuốc tê, rối loạn nhịp tim, hít sặc...

* Bác sĩ Thanh ơi, người bị nhiễm vi khuẩn HP có phải đã bị viêm dạ dày không. Vi khuẩn HP ở bao lâu trong cơ thể thì gây ung thư dạ dày? (Nguyễn Thị Mai Thi, 29 tuổi, Thủ Đức, TP.HCM).

BS Trần Nguyễn Ái Thanh:

- Chào bạn. Nhiễm vi trùng H.P có thể gây các bệnh lý ở dạ dày như viêm dạ dày cấp, viêm teo dạ dày, loét dạ dày... hoặc đôi khi không gây ảnh hưởng gì. Hiện vẫn chưa biết H.P ở bao lâu trong cơ thể thì gây ung thư, tuy nhiên, tỷ lệ H.P cao có liên quan đến ung thư dạ dày.

Giao luu truc tuyen '45% nguoi Viet bi viem da day, chua hoai khong dut?'

* Thưa bác sĩ, vi khuẩn H.P có thể diệt được không? Bạn em đã được uống thuốc điều trị diệt vi khuẩn H.P, vậy em ăn uống chung với bạn thì có bị lây không? (Trần Thị Tuyết Ngọc, Q.6, TP.HCM)

BS Trần Nguyễn Ái Thanh:

- Hiện có rất nhiều phác đồ điều trị khỏi vi khuẩn H.P với hiệu quả từ 85-95%. Có thể kiểm tra vi trùng H.P còn hay không qua test Urease qua nội soi dạ dày, test hơi thở UBT, xét nghiệm phân tìm kháng nguyên H.P. Nếu bạn của bạn đã điều trị khỏi rồi thì bạn cũng bớt lo lắng khi ăn uống cùng. 

* Chào bác sĩ, trào ngược dạ dày có phải đã mắc bệnh viêm dạ dày chưa? Bác sĩ cho tôi biết cách khắc phục trào ngược dạ dày? (Lê Thị Thủy 50 tuổi, Quận 2, TP.HCM)

BS Trần Nguyễn Ái Thanh:

- Chào chị. Trào ngược dạ dày thực quản là dạng bệnh khác, không hẳn là viêm dạ dày nhưng thường đi cùng với viêm dạ dày. Trào ngược dạ dày là tình trạng trào ngược từng lúc hay thường xuyên dịch dạ dày lên thực quản gây ra các triệu chứng và biến chứng tại thực quản. Thường là do hoạt động cơ thắt dưới thực quản bị giảm chức năng.

Cách khắc phục: giảm rượu bia, thuốc lá, cà phê; hạn chế thức ăn có nhiều gia vị mạnh tạo ga; tránh ăn quá no, nằm nghỉ ngay sau bữa ăn. Nên ăn tối cách giờ ngủ ít nhất 2 tiếng đồng hồ; giảm áp lực công việc. Có thể sử dụng thuốc kháng tiết như omeprazol, esomeprazol... 1 đến 2 tuần trong hợp nặng.

Nếu vẫn chưa khắc phục được, chị nên đi đến bác sĩ chuyên khoa để được khám và điều trị.

Giao luu truc tuyen '45% nguoi Viet bi viem da day, chua hoai khong dut?'

* Làm sao trị dứt điểm bệnh loét hang vị dạ dày và trào ngược dạ dày. Bệnh về dạ dày có gây ra triệu chứng khó thở, làm mệt và mắc nghẹn không? (Tuyết Lan, Q.4, TP.HCM)

BS Trần Nguyễn Ái Thanh:

- Tùy nguyên nhân gây loét hang vị mà có thể điều trị triệt để hay không. Thông thường, loét dạ dạy sẽ được điều trị kháng tiết và băng niêm mạc dạ dày từ 8-12 tuần, đồng thời điều trị các nguyên nhân đi kèm như tiệt trừ H.P, điều trị ký sinh trùng... Ngoài ra, bệnh nhân cần phải tuân thủ chế độ ăn phù hợp: tăng cường sữa, bột ngũ cốc, bánh mì, bột gạo nếp, trứng, cá xay/ hấp nhừ, tránh rượu bia, thức ăn chua cay, chiên xào, nhiều gia vị, thức ăn tạo gas, muối chua...; ăn uống điều độ không quá no, quá đói; giảm stress...

Bệnh về dạ dày cũng có thêm những triệu chứng vay mượn các cơ quan khác như khó thở, làm mệt, mắc nghẹn... nên đôi khi sẽ bị chẩn đoán nhầm với các bệnh khác.

* Thưa bác sĩ, thường thì hễ bị đau dạ dày là người ta khuyên uống nghệ và mật ong. Vậy uống nghệ và mật ong thường xuyên có chữa hết bệnh viêm dạ dày không? (Lưu Mỹ Ngọc, Chợ Mới, An Giang)

BS Trần Nguyễn Ái Thanh:

- Nghệ có tác dụng tăng tiết dịch mật, hỗ trợ tiêu hóa. Mật ong góp phần giảm tiết axit dạ dày, tăng ngon miệng. Vì vậy, dùng nghệ và mật ong cũng góp phần giảm triệu chứng viêm dạ dày. Tuy nhiên, để điều trị dứt bệnh viêm dạ dày, thông thường cần các nhóm thuốc kháng tiết mạnh như omeprazol, esomeprazol...

Giao luu truc tuyen '45% nguoi Viet bi viem da day, chua hoai khong dut?'

* Chưa có triệu chứng, nhưng tôi có nên đi tầm soát vi khuẩn H.P dạ dày không? Sau khi điều trị, vi khuẩn H.P có hết hay có bị tái lại không? (Ngô Thị Khánh, Củ Chi, TP.HCM)

BS Trần Nguyễn Ái Khanh:

- Tỷ lệ nhiễm H.P ở người Việt Nam chiếm khoảng 70% nên hiện tại không khuyến cáo tầm soát vi trùng H.P ở những người không có triệu chứng. Tuy nhiên, nếu gia đình bạn có người bị nhiễm thì có thể xem xét tầm soát và điều trị để tránh lây nhiễm. Hiện nay, H.P có thể được điều trị dứt. Tuy nhiên, đường lây vi khuẩn H.P là miệng-miệng và phân - miệng nên bạn vẫn có thể bị tái nhiễm nếu ta tiếp tục tiếp xúc với nguồn lây.

* Trẻ nhỏ có bị đau dạ dày không? Làm sao phân biệt được đau dạ dày với đau bụng khó tiêu ở trẻ nhỏ? (Trương Tố Linh, Q.3, TP.HCM)

BS Trần Nguyễn Ái Khanh:

- Trẻ nhỏ vẫn có thể bị đau dạ dày. Nguyên nhân chủ yếu là do vi trùng H.P hoặc ký sinh trùng. Thật ra đau bụng khó tiêu cũng là một trong những triệu chứng của viêm dạ dày. Ở trẻ nhỏ khá khó phân biệt trẻ bị khó tiêu chức năng hay bị đau dạ dày và hai rối loạn này thường hay đi cùng với nhau. Tuy nhiên, đau dạ dày thường đau ở vùng trên rốn kèm nôn ói và đau hay liên quan đến cữ ăn, giờ ăn hơn là tiêu chảy hoặc đau bụng liên quan đến đi tiêu. Nội soi đường tiêu hóa có thể xác định rõ hơn là đau dạ dày hay đau bụng khó tiêu.

* Chào bác sĩ! Tôi nội soi bao tử bị nhiễm vi khuẩn H.P. Tôi uống thuốc 2 tuần, trong lúc uống thuốc miệng lúc nào cũng cảm giác đắng. Tôi có cần kiêng ăn không? (Nguyễn Thị Hồng, TP.HCM)

BS Trần Nguyễn Ái Thanh:

- Các phác đồ điều trị H.P trong 2 tuần đầu thường kết hợp nhiều loại kháng sinh như amoxicillin, tetracyclin, metronidazol... có các tác dụng phụ như đắng miệng, mất vị, vị kim loại, buồn nôn, khó tiêu... Sau 2 tuần, thường chỉ dùng thuốc kháng tiết nên sẽ không bị các tác dụng phụ đó nữa, cảm giác đắng miệng sẽ giảm và hết. Chị vẫn nên tuân thủ chế độ ăn dành cho người đau dạ dày như kiêng thức ăn chua cay, nước có gas, cồn, đồ ăn cứng, thức ăn chiên, dưa muối...

Hiện tại, H.P có thể điều trị dứt điểm. Sau khi kết thúc điều trị 2-4 tuần, chị nên kiểm tra vi trùng H.P bằng các xét nghiệm như nội soi dạ dày, test thở UBT, test phân tìm kháng nguyên H.P để chắc chắn H.P đã được tiệt trừ. Do H.P lây qua đường ăn uống và có thể tái lây nhiễm lại khi tiếp xúc với nguồn bệnh, vì vậy, chị nên khuyên người nhà cùng đi tầm soát và điều trị H.P để tiệt trừ nguồn lây nhiễm. 

Giao luu truc tuyen '45% nguoi Viet bi viem da day, chua hoai khong dut?'

* Tôi bị viêm sung huyết hang vị dạ dày đã điều trị nhiều loại thuốc nhưng không khỏi, xin được tư vấn cách điều trị. (Thái Quỳnh Ly, Đà Nẵng)

BS Trần Nguyễn Ái Thanh:

- Viêm dạ dày có rất nhiều nguyên nhân. Chị đã điều trị nhiều loại thuốc mà không rõ chị đã tầm soát các nguyên nhân gây ra viêm hay chưa. Ví dụ như H.P, ký sinh trùng, chế độ ăn uống, áp lực công việc, các bệnh hay đi kèm như hội chứng ruột kích thích, các chứng khó tiêu chức năng, rối loạn men tiêu hóa...

Vì vậy, chị nên đi gặp bác sĩ để được chỉ định tầm soát nguyên nhân có thể có như trên để có phác đồ điều trị phù hợp.

* Thưa bác sĩ, viêm dạ dày và bị thiếu máu (sắt) có liên quan đến nhau không? (Đỗ Thụy Thủy, Q.5, TP.HCM)

BS Trần Nguyễn Ái Thanh:

- Thiếu máu, thiếu sắt thường liên quan đến viêm dạ dày. Sắt là một trong những chất cần thiết để tạo máu được hấp thu vào cơ thể chủ yếu qua dạ dày tá tràng và đoạn đầu hổng tràng nên viêm dạ dày sẽ ảnh hưởng đến việc hấp thu sắt vào cơ thể. Ngoài ra, viêm loét dạ dày có thể gây mất máu rỉ rả qua đường tiêu hóa. Tình trạng này cũng dễ gây ra thiếu máu, thiếu sắt. 

* Thưa bác sĩ, tôi nghe nói viêm dạ dày không được uống sữa tươi phải không? (Võ Thị Kim Ngân, Cần Giuộc, Long An)

BS Trần Nguyễn Ái Thanh:

- Viêm dạ dày vẫn có thể uống sữa tươi bình thường vì sữa tươi có công dụng trung hòa axit trong dịch vị, là một trong những thức ăn góp phần bảo vệ niêm mạc dạ dày. Bạn nên uống sữa ấm, không nên uống sữa lạnh khi đang bị viêm loét dạ dày. Tuy nhiên, nếu bạn có cơ địa không dung nạp lactose thì mình không nên dùng các loại sữa có chứa lactose.

* Thưa bác sĩ. Tôi đang dùng thuốc điều trị đau nhức sau chấn thương, tôi có nên dùng thêm thuốc đau bao tử để phòng ngừa viêm loét bao tử không? (Đoàn Kim Bích, Thủ Dầu Một, Bình Dương)

BS Trần Nguyễn Ái Thanh:

- Loét dạ dày tá tràng là một trong những biến chứng thường gặp khi sử dụng các thuốc giảm đau như NSAID, corticoid... nên thường bác sĩ sẽ kết hợp thêm các thuốc kháng tiết ở các đối tượng có nguy cơ viêm loét dạ dày tá tràng cao: tuổi cao lớn hơn 65, tiền sử loét dạ dày tá tràng, tiền sử xuất huyết tiêu hóa, đồng sử dụng với thuốc chống đông như aspirin hoặc corticoid, nhiễm H.P... Nếu bạn có các yếu tố nguy cơ trên thì nên dùng thêm thuốc "đau bao tử" để phòng ngừa viêm loét dạ dày.

* Dùng thuốc zantac có đúng lộ trình trị viêm dạ dày không, thưa bác sĩ? (Nguyễn Ngọc Phương, Châu Thành, Tiền Giang)

BS Trần Nguyễn Ái Thanh:

- Zantac là thuốc kháng tiết nhóm kháng histamine, vì vậy, bạn có thể dùng để điều trị viêm dạ dày. Tuy nhiên, thuốc này không được sử dụng ở bệnh nhân suy gan, suy thận nên khi sử dụng phải tôn trọng chống chỉ định của thuốc. Có thể dùng zantac kết hợp với các nhóm antacid như phosphalugel, dimagel... để tăng hiệu quả kháng tiết. Hiện tại có những những nhóm thuốc kháng tiết mạnh hơn và ít tác dụng phụ hơn zantac, bạn có thể xem xét sử dụng như omeprazol, pantoprazol,...

* Tôi mới bị đau dạ dày, nếu đúng là do vi khuẩn H.P thì thời gian điều trị là bao lâu? Có cần phải tái khám nhiều lần không? Bao lâu tôi thì hết khả năng lây lan cho người nhà? (Nguyễn Trung Phát, TP.HCM)

BS Trần Nguyễn Ái Thanh:

- Đa số các phác đồ tiệt trừ H.P sẽ theo lộ trình tấn công 2 tuần đầu bằng kháng sinh kết hợp với kháng tiết và duy trì kháng tiết từ 2-6 tuần tiếp theo. Thời gian duy trì kháng tiết tùy thuộc vào tổn thương của dạ dày là viêm hay loét và các triệu chứng của bệnh nhân. Với trường hợp loét nặng có thể điều trị đến 12 tuần.

Sau phác đồ điều trị, bạn nên tái khám để bác sĩ đánh giá đã khỏi viêm loét dạ dày hay chưa và đã tiệt trừ được H.P chưa. Thông thường, bệnh nhân sẽ được kiểm tra H.P sau 2-4 tuần ngưng thuốc bằng nội soi dạ dày, test thở UBT, xét nghiệm phân tìm kháng nguyên H.P...

Khi H.P đã bị tiệt trừ thì sẽ không lây lan cho người khác. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể tái mắc H.P khi tiếp tục tiếp xúc với nguồn lây.

* Em có con được 2 tuổi, bình thường em vẫn hay mớm cơm cho con. Đọc thông tin trên web thấy bảo rằng bệnh đau dạ dày lây qua ăn uống. Em chưa đi khám bệnh nhưng thỉnh thoảng đói ăn vào thì bụng trên lại đau. Em lo quá, giờ có cách nào không, thưa bác sĩ? (Trần Đình Thanh Trúc)

BS Trần Nguyễn Ái Thanh:

- Mớm cơm cho con thì có thể lây nhiễm một số bệnh truyền nhiễm do lây vi trùng từ răng miệng hoặc dạ dày như H.P. Viêm dạ dày thì không lây cho con nhưng có thể con bị viêm dạ dày cho lây nhiễm H.P từ mẹ. Vì vậy, mẹ nên tránh hành động mớm cơm cho con.

Đau bụng trên khi đói thường là do viêm loét tá tràng, đôi khi cũng có thể do các bệnh khác như là sỏi mật, ung thư dạ dày, viêm tụy... Bạn nên đi gặp bác sĩ để được khám, thực hiện các xét nghiệm như siêu âm bụng, nội soi dạ dày... để xác định bệnh và có hướng điều trị thích hợp.

* Tôi bị trào ngược dịch vị, thường xuyên tái đi tái lại: nóng rát dạ dày, ợ chua... Tôi xin hỏi, bệnh này có trị dứt điểm được không? Trị bằng thuốc gì? Hậu quả của nó là gì? (Nguyễn Kim Anh, Hà Nội)

BS Trần Nguyễn Ái Thanh:

- Trào ngược dịch vị, nóng rát ợ hơi, ợ chua... phù hợp với bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Bệnh trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng trào ngược từng lúc hay thường xuyên của dịch dạ dày lên thực quản, thường là do giảm trương lực cơ thắt dưới thực quản. Chị nên đi bác sĩ khám và nội soi để được chẩn đoán chính xác bệnh.

Bệnh này thường được điều trị bằng điều chỉnh lối sống: cử rượu  bia, cà phê, tránh thức ăn cay, nóng, nhiều gia vị, chiên xào; nước có gas, không ăn quá no, quá nhiều vào lúc tối, tránh nằm ngay sau khi ăn. Thuốc thường sử dụng trong điều trị là kháng tiết dịch vị như PPI: omeprazol, pantoprazol..., kháng histamine: rannitidin, cimetidin..., có thể sử dụng kết hợp với các thuốc điều hòa co thắt đường ruột như domperidon, itopride..

Phẫu thuật thường được chỉ định trong những trường hợp không đáp ứng hoặc đáp ứng kém với điều trị nội khoa: phương pháp tạo nếp gấp đáy vị, khâu tạo hình cơ vòng dưới thực quản qua nội sôi, hoặc tiêm chất sinh học làm tăng khối cơ.

Bệnh này khó điều trị dứt điểm nhưng ít khi gây những biến chứng nguy hiểm. Có thể sử dụng 1-2 tuần thuốc kháng tiết khi triệu chứng tái phát nặng sau ngưng thuốc. Các hậu quả có thể là gây hẹp thực quản, loét thực quản, xuất huyết tiêu hóa, viêm thanh quản,viêm xoang, viêm phổi tái đi tái lại, giảm chất lượng cuộc sống.

Báo Phụ Nữ
Ảnh: Phùng Huy

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC