Giá cước giao hàng khó giảm

24/09/2021 - 07:07

PNO - Đã qua sáu ngày kể từ lúc Sở Công thương TPHCM gửi văn bản đề nghị các doanh nghiệp không áp dụng mức giá giao hàng giờ cao điểm khiến giá cước tăng cao và người tiêu dùng bức xúc, hiện vẫn chưa có nhà cung cấp dịch vụ nào điều chỉnh giá.

Đại diện Gojek cho biết hãng chưa có kế hoạch thay đổi giá cước do chi phí ngày càng tăng. Sự bất cân đối giữa cung và cầu shipper (người giao hàng) dẫn đến giá cả dịch vụ tăng cao theo. Giá cước của ứng dụng Be cũng không thay đổi sau 24/9. Không những giá cước cao, nhiều siêu thị, cửa hàng còn cho biết việc tìm tài xế giao hàng liên quận hiện nay vẫn khá khó khăn ở một số thời điểm.

Một số hãng cũng chuẩn bị tổ chức tự xét nghiệm COVID-19 và cập nhật kết quả vào kho dữ liệu dùng chung của TPHCM theo yêu cầu của Sở Công Thương kể từ ngày 24/9. Những nhà cung cấp dịch vụ này cho biết, chi phí với hãng và các đối tác shipper sẽ tăng đáng kể khi thực hiện yêu cầu này.

Từ hôm nay (24/9), các doanh nghiệp dịch vụ giao hàng sẽ tự tổ chức xét nghiệm, shipper chịu một phần chi phí - ẢNH: N.CẨM
Từ hôm nay (24/9), các doanh nghiệp dịch vụ giao hàng sẽ tự tổ chức xét nghiệm, shipper chịu một phần chi phí - Ảnh: N.Cẩm

Ông Nguyễn Việt Linh - đại diện ứng dụng Be  - cho biết từ ngày 24/9, tài xế của Be sẽ được thực hiện xét nghiệm nhanh. Tài xế tự trả 75.000 đồng/lần xét nghiệm (giấy xét nghiệm có hiệu lực trong ba ngày). Quy trình xét nghiệm được thiết kế giảm thiểu các thủ tục như xếp hàng, đăng ký; số hóa toàn diện để toàn bộ khâu lấy mẫu xét nghiệm chỉ mất một phút/người, trả kết quả trực tuyến trong vòng 15 - 30 phút sau đó.

Đại diện AhaMove cho biết hãng hỗ trợ 70% chi phí xét nghiệm cho tài xế, nhưng giới hạn về số lượng theo ngày nên sẽ ưu tiên cho các đối tác đăng ký sớm nhất. Grab cũng hỗ trợ chi phí xét nghiệm dành cho đối tác GrabBike tại TPHCM từ ngày 24/9 bằng hình thức cộng vào ví đối tác 300.000 đồng vào thứ Sáu hằng tuần nếu thỏa mãn một số điều kiện. Chẳng hạn, tài xế phải chạy tối thiểu mười khung giờ hoặc số chuyến hoàn thành trong thời gian xét duyệt mỗi tuần… Riêng Gojek vẫn chưa công bố chính sách hỗ trợ chi phí xét nghiệm cho tài xế và nêu khó khăn doanh nghiệp (DN) không có chuyên môn về y tế và nguồn lực cần thiết để thực hiện việc test nhanh COVID-19 cho hơn 13.000 tài xế; lo ngại có thể thực hiện không đúng kỹ thuật test mẫu gộp ở quy mô lớn dễ dẫn tới kết quả không chính xác…

Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM - cho rằng khi thành phố từng bước mở cửa lại nền kinh tế thì việc để DN tự tổ chức xét nghiệm, tự chịu trách nhiệm là xu hướng bắt buộc phải thực hiện. Cách làm này vừa nhanh chóng, thuận lợi và đảm bảo an toàn hơn là phụ thuộc vào việc tổ chức xét nghiệm thông qua đơn vị y tế. Trên thực tế thời gian qua đã xảy ra tình trạng quá tải tại một số điểm xét nghiệm và khó đảm bảo an toàn theo yêu cầu phòng, chống dịch. 

Nhiều người tiêu dùng lo ngại khả năng DN dịch vụ sẽ cộng chi phí xét nghiệm hoặc có thể sẽ tự giới hạn số lượng shipper được xét nghiệm, tham gia lưu thông dẫn tới giá cước vận chuyển hàng tiếp tục tăng. 

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI