Giá bất động sản nhiều nơi “sốt” bất thường

01/03/2022 - 13:42

PNO - Khi dịch COVID-19 được kiểm soát, thị trường bất động sản cũng sôi động trở lại. Nhiều nơi đang có dấu hiệu “sốt” giá bất thường.

Giá “sốt” theo tin đồn

Tại Đắk Nông, nhiều nơi hiện nay đang trong tình trạng chỉ cần nghe có chủ đầu tư đến xin khảo sát, lập quy hoạch ở một khu vực nào đó, nhiều người liền đổ xô đến mua đất, “cò” các nơi tập trung về. Lâu nay, người dân ở những nơi đây chủ yếu trồng cây cao su, keo và các loại cây ăn trái, hoa màu nhưng nay, chẳng ai thiết tha làm nông nữa, chỉ lo bàn chuyện mua bán đất sao cho được giá nhất.  

Ngày 26/2, có mặt ở đây, chúng tôi thấy từ quán ăn đến quán cà phê, người ta chỉ túm tụm bàn chuyện mua, bán đất, người không có đất thì chuyển sang làm “cò”. Chỉ cần thấy khách đi xe mang biển số tỉnh, thành khác tới, các “cò” liền xáp vào hỏi han, mồi chài. Trước đây, 1ha đất nông nghiệp ở TP.Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông có giá chỉ từ 150-300 triệu đồng, nay đã được “thổi” lên từ 1-2 tỷ đồng. 

Vừa gặp chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hai - ở xã Đắk Nia, TP.Gia Nghĩa - liền kêu bán 2ha đất trồng điều sắp vào mùa thu hoạch với giá 3,8 tỷ đồng. Chúng tôi hỏi sao không chờ thu hoạch xong điều rồi bán đất, ông Hai nói: “Đất đang có giá, phải bán ngay chứ để đó, mai mốt không bán được thì sao?”. Còn những người đi săn đất đều cho biết, họ mua đất vì vừa có một tập đoàn lớn xin lập quy hoạch phát triển một dự án du lịch gần hồ Tà Đùng. Một số “cò” chẳng biết căn cứ vào đâu cho rằng, Đắk Nông sẽ là Đà Lạt thứ hai trong tương lai (?). 

Giá đất ở xã Đắk Nia, TP.Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông đang được thổi lên 2-3 tỷ đồng/ha
Giá đất ở xã Đắk Nia, TP.Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông đang được thổi lên 2-3 tỷ đồng/ha

Chúng tôi tiếp tục đến hai tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai. Những nơi này cũng bắt đầu “sốt” đất, giá tăng gấp 2-3 lần. Trước đây, giá đất nông nghiệp có vị trí mặt tiền đường ở tỉnh Gia Lai chỉ khoảng 500-700 triệu đồng/ha thì nay tăng lên 1,5-2 tỷ đồng/ha. Nhiều nhà đầu tư từ TP.HCM kéo đến đây thu gom đất chờ giá tăng để bán lại. “Hiện nay, đã có quy hoạch đường cao tốc đến Gia Lai, chỉ cần dự án triển khai là giá lên ngay. Hơn nữa, đất ở Đắk Nông đã “sốt” thì từ từ sẽ “sốt” đến Gia Lai. Anh mua ngay lúc này là tốt nhất” - một “cò” đất ở đây chào mời chúng tôi.  

Ở một số huyện của tỉnh Đồng Nai, lấy cớ đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây sắp hoàn thành, giá đất cũng rục rịch “sốt” lại. Ở các huyện Cẩm Mỹ, Thống Nhất, giá đất nông nghiệp tăng từ 20 - 30% so với trước tết Nguyên đán. Còn ở tỉnh Tây Ninh, đất ở nhiều xã thuộc TP.Tây Ninh cũng đang được đẩy giá lên rất cao, từ 200-300 triệu đồng/mét ngang (chiều dài khoảng 30 - 40m) với lý do dự án du lịch núi Bà đang được một tập đoàn bất động sản (BĐS) lớn thi công sắp hoàn thành và tuyến cao tốc TPHCM - Mộc Bài sắp khởi công xây dựng. 

Theo trang batdongsan.com.vn, trong tháng 1/2022, thông tin rao bán đất tăng khoảng 17% và nhu cầu tìm mua nhà, đất tăng khoảng 9% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu diễn ra ở các tỉnh. Riêng ở TP.HCM, thông tin rao bán và nhu cầu tìm mua nhà, đất lại giảm. 

Nhiều hệ lụy khi giá đất bị đẩy cao

Theo chuyên gia bất BĐS Trần Khánh Quang, thị trường BĐS sôi động trở lại ngay sau tết Nguyên đán. Trước đây, việc mua, bán BĐS tập trung ở TP.HCM và khu vực lân cận nhưng hiện nay đã diễn ra ở mọi nơi. Nhiều nơi xa TP.HCM chưa có cơ sở hạ tầng gì mới nhưng một số người vẫn mê mải đi tìm mua đất mà có khi cũng không biết tương lai thế nào, nên mua với giá nào. Người này mua rồi “thổi” giá, sang tay người kia, cứ vậy đẩy giá tăng cao. 

“Nhiều người cứ thấy các tập đoàn BĐS đi đến đâu, liền chạy theo đến đó mà không biết rằng các doanh nghiệp chỉ đang ở bước nghiên cứu về quy hoạch, chưa được chính quyền chấp thuận đầu tư, chưa có gì là chắc chắn. Để triển khai các quy hoạch đó, phải mất ít nhất 5-10 năm. Người mua rất dễ bị “sụp hố” nếu quy hoạch không được cơ quan chức năng phê duyệt. Còn nếu dự án được phê duyệt thì người mua đất rất dễ “dính” đất quy hoạch các công trình,  dự án.  

Theo ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc batdongsan.com.vn khu vực phía nam - hiện nay, giao dịch BĐS tăng trưởng không đồng đều: khu vực gần TPHCM như H.Dầu Tiếng (tỉnh Bình Dương) tăng 89%, TP.Biên Hòa và H.Long Thành (tỉnh Đồng Nai) lần lượt tăng 38% và 28%...

Trong khi đó, TPHCM và nhiều thành phố lớn khác có tiềm năng và nhu cầu nhà ở rất lớn nhưng nhu cầu đầu tư lại thấp hơn. Tình trạng tăng giá bất chấp như hiện nay sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy như chi phí sử dụng đất tăng, kéo theo giá nhà tiếp tục tăng. Những người có tiền đầu tư tiếp tục giàu lên, những người không có nhà ở, không đủ tiền mua nhà tiếp tục chạy theo giá nhà. Nếu cơ quan quản lý nhà nước không có giải pháp kiểm soát tình trạng tăng giá BĐS vô tội vạ, công tác giải phóng mặt bằng, phát triển hạ tầng trong thời gian tới sẽ gặp khó khăn.  

Theo ông Đinh Minh Tuấn, không phải có hạ tầng là giá đất mặc nhiên tăng. Muốn tài sản tăng giá, bản thân nó phải tạo được giá trị gia tăng trực tiếp hoặc gián tiếp, phải cho thuê được, kinh doanh được, phục vụ cho xã hội được… Cho rằng “hạ tầng đến đâu, giá BĐS tăng đến đó” là sai lầm. Có rất nhiều nhà phát triển BĐS nương theo việc phát triển hạ tầng để đẩy giá đất lên. Người mua cần quan sát thật kỹ về tính pháp lý, về quy hoạch vùng, về khả năng tạo được giá trị kinh tế thì BĐS mà mình đầu tư mới mang tính ổn định.

“Tôi dự báo, từ tháng Ba đến tháng Chín năm nay, sẽ có những cơn sóng ngầm đẩy giá đất tăng dần. Nếu cơ quan quản lý không có những chính sách kịp thời điều chỉnh thị trường thì trong thời gian tới, giá đất sẽ vượt nhiều lần giá trị thực, ảnh hưởng xấu đến chính sách phát triển nhà ở của Chính phủ” - ông Đinh Minh Tuấn cảnh báo. 

Thị trường bất động sản năm 2022 rất khó đoán

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, hiện nay, trên thị trường BĐS đang có nhóm đầu tư và đầu cơ. Nhóm đầu tư sẽ không vào lúc giá đang tăng quá nóng và chưa rõ rệt. Nhóm đầu cơ thì luôn tìm chỗ nào nóng nhất để đổ tiền vào rồi thổi lên cho nóng hơn để sang tay, kiếm lời.

Trong khi đó, đối với thị trường BĐS, tin tốt và tin xấu đang đi song song với nhau. Tin tốt là Nhà nước đang đầu tư công rất mạnh, ngân hàng tăng giải ngân, giúp giao dịch BĐS tăng theo. Tin xấu là lãi suất ngân hàng đang tăng, gồm cả lãi suất huy động lẫn lãi suất cho vay. Người vay vốn đi đầu tư sẽ dễ mắc kẹt nếu mua xong mà không bán ra được.  

Năm 2022, các cơ quan quản lý nhà nước cho thấy quyết tâm rất cao trong việc siết tín dụng BĐS, tăng lãi suất ngân hàng. Do đó, năm nay không phải là năm lướt sóng BĐS do thị trường không rõ rệt, rất khó đoán.

Bích Trần
 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI