Gặp gỡ những người 'không bỏ cuộc'

25/01/2018 - 15:51

PNO - Ngày 22/1, Báo Phụ Nữ TP.HCM đã tổ chức buổi gặp gỡ thân mật với các bệnh nhân ung thư cổ tử cung là những nhân vật trong chuyên đề 'Đừng bỏ cuộc' của báo.

Chị Phạm Thị Tuyết (SN 1972, ngụ tại đường Ngô Chí Quốc, P.Bình Chiểu, Q.Thủ Đức, TP.HCM) cho biết, sau khi sinh đứa con nhỏ cách đây 9 năm, chị đặt vòng tránh thai. Được một thời gian, cơ thể ngày càng mệt mỏi, đi tiểu nhiều, đau buốt vùng xương chậu nhưng chị cứ nghĩ đơn giản do tác dụng phụ của vòng tránh thai và làm việc quá sức nên vậy. Chỉ đến khi những cơn đau ngày càng trầm trọng hơn, chị mới đi khám thì bàng hoàng hay tin mình đã mắc bệnh ung thư cổ tử cung.

Gap go nhung nguoi 'khong bo cuoc'
Chị Phạm Thị Tuyết vui vẻ trò chuyện cùng chị Lương Thị Huynh - là người đồng cảnh trong cuộc chiến chống ung thư cổ tử cung

Giống như chị Tuyết, chị Lương Thị Huynh (SN 1957, ngụ tại Q.12) có một quá trình chiến đấu với bệnh tật phải tính bằng thập kỷ. Tháng 11/2006, chị bị đau. Đến Bệnh viện Nhân Dân Gia Định thì bác sĩ ở đây chẩn đoán chị bị ung thư cổ tử cung.

Chị được chuyển đến Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM để điều trị. Đó là những chuỗi ngày chị chỉ biết đến đau đớn của việc xạ trị. Suốt 2 năm, từ thân hình cân đối 44 kg, cơ thể chị như chỉ còn da bọc xương, cân nặng giảm còn 37 kg.

“Tôi đã từng nghĩ rằng sẽ chết cho gia đình bớt khổ” – chị ngậm ngùi kể. Tuy nhiên,  gia đình, con cái đã tạo niềm tin cho chị bằng rất nhiều phương thức. Tháng 9 vừa rồi, bác sĩ thông báo chị đã chiến thắng bệnh tật.

Gap go nhung nguoi 'khong bo cuoc'
Chị Phan Thị Hoài Thu (Bình Dương) chia sẻ câu chuyện của mình với các khách mời

Căn bệnh ung thư cổ tử cung dường như chẳng chừa một ai. Là một người làm công việc thiết kế may mặc, dù rất bận rộn nhưng chị Phan Thị Hoài Thu (SN 1967, ngụ tại khu phố Nhị Đồng, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) luôn dành thời gian để đi kiểm tra sức khỏe một cách nghiêm túc, thường xuyên.

Phát hiện vùng kín của mình chảy máu bất thường dù đã mãn kinh hai năm, chị đến bệnh viện làm xét nghiệm và một loạt kiểm tra theo chỉ dẫn của bác sĩ. Nhưng kết quả không như mong đợi khi chị được thông báo bị ung thư cổ tử cung có xâm lấn. Cùng với sự động viên, đồng hành của gia đình, chị đã tiến hành điều trị. Hiện nay, sức khỏe hồi phục một cách nhanh chóng giúp chị Thu trở lại với công việc, sinh hoạt một cách bình thường. Không dừng lại ở việc trị bệnh cho mình, chị trở thành một tuyên truyền viên tích cực về phòng chống bệnh ung thư.

Gap go nhung nguoi 'khong bo cuoc'
Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Vũ Thị Nhung - Chủ tịch Hội Phụ sản TP.HCM - chia sẻ về những kiến thức liên quan đến căn bệnh ug thư cổ tử cung và cách phòng ngừa

Vấn đề nổi cộm là chị em phụ nữ rất chủ quan, với tâm lý “trời kêu ai nấy dạ” nên không chủ động phòng ngừa bệnh này. Có nhiều cách để phát hiện ra ung thư cổ tử cung nhưng có rất nhiều trường hợp phát hiện bệnh đã ở giai đoạn muộn màng.

Đi cùng với mẹ, chị Lan Anh, con gái của chị Lương Thị Huynh cũng cho biết, từ căn bệnh của mẹ, chị quan tâm nhiều hơn đến việc kiểm tra sức khỏe định kỳ. Cứ sáu tháng một lần, chị đến bệnh viện kiểm tra, và thường xuyên tư vấn chị em, bạn bè, người thân khi họ có biểu hiện bệnh tật. Tuy nhiên, đa số chị em với tâm lý “khám sợ ra bệnh” nên ngại đến bệnh viện, đến khi biết mình có bệnh thì đã trễ. "Tâm lý ngại đi khám phụ khoa cũng trở thành một rào cản trong việc phòng ngừa bệnh tật” - chị cho biết.

Gap go nhung nguoi 'khong bo cuoc'
Các khách mời trong chương trình

Có mặt trong buổi gặp gỡ, phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Vũ Thị Nhung - Chủ tịch Hội Phụ sản TP.HCM, người có những loạt bài rất phổ biến cho chị em phụ nữ về ung thư cổ tử cung - thông tin: tỷ lệ mắc bệnh ung thư cổ tử cung tại Việt Nam trước đâylà 28,6/100.000, nay còn khoảng 11/100.000. Tuy nhiên, ở những quốc gia tiến bộ, tỷ lệ này là khoảng 5-6/100.000. Đây là một trong những loại ung thư có thể phòng ngừa được, nếu phát hiện và can thiệp sớm sẽ không chuyển sang ung thư.

Bệnh không có triệu chứng ngay, không đau lúc bắt đầu nhưng trong khoảng thời gian đó, nếu đi khám phụ khoa thì có thể phát hiện được. Những người sinh đẻ nhiều, cổ tử cung sẽ bị tổn thương và nguy cơ virus HPV xâm nhập cao hơn. Vì vậy, làm sao để mọi người biết đến ung thư cổ tử cung để có thể phòng ngừa cũng như biết cách để tự bảo vệ mình là điều hết sức quan trọng.

Bác sĩ Nhung cho biết thêm: “Tinh thần của bệnh nhân rất quan trọng, thuốc chỉ là một phần. Tinh thần tốt, người bệnh sẽ dễ dàng lướt qua bệnh tật”.

Gap go nhung nguoi 'khong bo cuoc'
Bác sĩ Vũ Thị Nhung đại diện công ty Roche Việt Nam trao những phần quà từ quỹ "Chung tay góp sức phòng chống ung thư cổ tử cung" cho các bệnh nhân

Thu Lê – Mẫn Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI