Đừng tranh cãi chuyện chọn sách, hãy nhìn chương trình kìa!

25/12/2019 - 08:39

PNO - Gần đây, cả xã hội lao xao chuyện chọn sách giáo khoa. Ai chọn? Có chỉ đạo ngầm từ nhà quản lý?...

Tôi cho rằng lo lắng đó là thừa. Bởi, dù ai chọn thì nhất định vẫn phải chọn trong danh mục. Xét cho cùng cũng chỉ là kiểu cởi trói nửa vời. Trừ khi người chọn được quyền chọn ngoài danh mục hoặc “nói không” với sách giáo khoa. Có được sự tự chủ trong học thuật này thì lúc đó hãy bàn đến chuyện ai chọn sách giáo khoa và chọn như thế nào. 

Bộ GD-ĐT đưa ra 5 bộ sách với tổng số 32 quyển sách giáo khoa. Yêu cầu các trường (sau này là UBND tỉnh) phải chọn một bộ với điều kiện phải đọc hết 32 quyển sách đó. Trong dự thảo về chọn sách đang lấy ý kiến còn có chi tiết khá cởi mở: hội đồng chọn sách của nhà trường phải có sự tham gia của phụ huynh học sinh để khách quan vô tư (!?). Đó là những phụ huynh nào? Rồi phụ huynh đó “lọt” vào hội đồng vì có chuyên môn hay vì một lý do khác? Tiếng nói của họ liệu có khách quan, giá trị thật sự hay chỉ ngồi cho đủ thành phần? 

Dung tranh cai chuyen chon sach, hay nhin chuong trinh kia!
Giới thiệu sách giáo khoa lớp Một mới

Cứ cho rằng hội đồng chọn sách giáo khoa sẽ công tâm đi nữa thì sự cởi mở này cũng nửa vời, bởi cuối cùng quy định cũng bắt buộc phải chọn một bộ sách giáo khoa nằm trong danh mục đã phê duyệt, không được làm khác. Giáo viên, nhà trường, hội đồng cảm thấy không phù hợp có quyền không chọn bộ nào được không? 

Chương trình phổ thông đã có, mục tiêu giáo dục cũng được ban hành, đó là nền tảng pháp lý, là kim chỉ nam dạy và học. Vậy thì lẽ ra giáo viên và hội đồng có tất cả quyền quyết định, có thể tự biên soạn ra giáo án hoặc lựa chọn sách giáo khoa nước ngoài phù hợp miễn đúng với khung chương trình chung. 

Một giáo viên chia sẻ một chi tiết nhỏ mà chắc ai trong nghề cũng biết, đó là ở các lớp dạy thêm của các giáo viên có tiếng, đông học sinh nhất thì hình bóng sách giáo khoa gần như không tồn tại. Những vị đó đa phần là giáo viên có năng lực chuyên môn thực sự, họ thoát khỏi những hạn chế khuôn khổ của sách giáo khoa. Thay vào đó, họ cập nhật kiến thức từ nhiều nguồn, chia sẻ những bí quyết từ tích lũy cá nhân…

Vậy sao cứ bắt giáo viên, học sinh phải chọn một bộ sách giáo khoa? Vẫn mang tính áp đặt theo một kiểu nào đó, người dạy và học vẫn chưa thực sự được tự chủ.

Khi chúng ta bận tranh cãi chọn sách giáo khoa như thế nào thì điều quan trọng hơn là chương trình mới đang quay về… cái cũ. Sau 18 năm cải cách giáo dục, học sinh lớp Một lại học vần bắt đầu từ chữ “a”. Còn nhớ, năm 2002, khi bắt đầu chương trình cải cách giáo dục năm 2000, học sinh lớp Một chuyển đánh vần bắt đầu bằng chữ “a” qua chữ “e” với ngàn lẻ một lý do về sự ưu việt của chuyện học chữ “e” trước.

Sau 18 năm học với sự ưu việt đó, thì nay theo chương trình mới, học sinh lớp Một lại bắt đầu cách đánh vần với chữ đầu tiên là “a”. Thay đổi này dĩ nhiên cũng được lý giải bởi sự hữu ích của nó. Các nhà giáo dục đã từng phủ định nó để đặt ra cái mới và giờ lại phủ định cái mới để quay về cái cũ mà không có bất kỳ thống kê hay nghiên cứu tổng kết sau ngần ấy năm thực hiện. 

Phải chăng việc đổi mới, cải cách giáo dục đang thiếu nhất quán và tính hệ thống xuyên suốt, mà thay vào đó là tư duy nhiệm kỳ? Thực ra, trong học thuật, việc công nhận lại một giá trị đã từng bị phủ định cũng không có gì lạ. Nhưng, chúng tôi chỉ mong sự thay đổi này đơn giản là xuất phát từ thực nghiệm khoa học và tính hiệu quả, chứ không phải vì nhận kinh phí viết chương trình mới rồi thì phải có cái mới.

Thanh Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI