Đừng gieo mầm gian dối

08/12/2022 - 06:27

PNO - Sau khi tờ Science (từ tháng Tư) đăng bài giới thiệu nghiên cứu gây sốc của tiến sĩ Anna Abalkina - nhà khoa học người Nga - về thị trường mua bán bản thảo bài báo khoa học, nghi vấn về một số nhà khoa học Việt Nam mua bài cũng được đề cập.

Tiến sĩ Anna Abalkina đã phân tích hơn 1.000 mẩu quảng cáo được đăng trên trang web 123mi.ru, từ đó phát hiện một thị trường mua bán bản thảo bài báo khoa học. Bằng chứng là thông tin khớp nhau giữa các mẩu quảng cáo và các bài báo khoa học được công bố sau đó trên các tạp chí khoa học quốc tế.

Việc có được bài báo khoa học đăng trên tạp chí khoa học quốc tế mà không phải do mình làm ra giúp người mua hợp thức hóa những mục đích riêng của mình, thủ lợi cho mình nhưng để lại hệ lụy cho cộng đồng làm khoa học và toàn xã hội.

Ở Việt Nam, chuyện gian lận sáng kiến, sáng chế khoa học không chỉ diễn ra ở bậc cao. Ngay ở bậc học phổ thông, chuyện mua bán sáng kiến, sáng chế để dự các kỳ thi sáng tạo, nghiên cứu khoa học cũng đang trên đà phổ biến, đến mức người gian lận không cần giấu giếm, không còn cảm thấy xấu hổ vì hành vi gian lận của mình.

Việc mua bán sản phẩm khoa học kỹ thuật diễn ra thường xuyên trên “chợ mạng”
Việc mua bán sản phẩm khoa học kỹ thuật diễn ra thường xuyên trên “chợ mạng”

Trong khoảng 15 năm trở lại đây, người ta hay dùng cụm từ “bệnh thành tích” để chỉ các hành vi tiêu cực trong thi cử và các hành vi gian dối khác trong ngành giáo dục. Cuộc thi nhằm khuyến khích học sinh sáng tạo lại trở thành triệt tiêu sự sáng tạo do sự gian dối của người lớn. Những người lẽ ra là tấm gương đạo đức của học trò lại dạy học trò gian dối. Thật đau lòng.

Mua bán sáng kiến khoa học để đi thi lấy giải là sự dối trá khó chấp nhận được. Chính một thầy giáo đã nhận định: “Một số thầy cô còn tham gia vào việc mua bán sáng kiến. Những việc làm trên đang giết chết sự sáng tạo của thế hệ trẻ - chủ nhân tương lai của đất nước”.

Ở bậc học cao hơn, cũng có không ít trường hợp dùng báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ của người khác để làm luận văn. Có người ngang nhiên đạo văn, mua bài báo khoa học quốc tế để làm đẹp hồ sơ chức danh giáo sư, phó giáo sư của mình.

Trong thi cử, đề thi thế nào thì cách học thi thế ấy. Đề thi mở thì học sinh học theo kiểu sáng tạo, còn đề kiểu “trả bài” thì học sinh sẽ học thuộc lòng. Do đó, cần thay đổi cơ chế đánh giá nghiên cứu để tránh chạy theo số lượng mà không thực chất. Đối với học sinh, việc khơi nguồn sáng tạo không phải qua những kỳ thi mà ở chính việc học.

Không phải ngẫu nhiên mà người trẻ ở các nước phát triển thường tỏ ra tự chủ, tự tin, có quan điểm riêng, biết làm việc nhóm và hợp tác hiệu quả với người khác. Trong khoa học, họ có nhiều phát minh, nhiều công bố quốc tế. Tất cả những điều này đã được rèn luyện rất kỹ trong chương trình giáo dục phổ thông.

Ở nhiều nước tiên tiến, học sinh không cần học thuộc lòng các kiến thức có sẵn để thi mà học để có năng lực, học phương pháp, học cách tư duy và thực hành. Học xong bài, học sinh không nhất thiết phải nhớ các thông tin cụ thể mà chỉ cần biết cách tìm kiếm, thẩm định thông tin, biết công việc một nhà khoa học nên làm…

Năm 2018, Bộ GD-ĐT chính thức ban hành Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực. Chương trình đang được áp dụng ở các lớp Một, Hai, Ba, Sáu, Bảy và Mười. Hy vọng rằng, với chương trình mới, cách dạy và học sẽ phát huy năng lực, sự sáng tạo của học sinh. Khi đó, trí tuệ, năng lực sáng tạo của học sinh vẫn sẽ tăng lên nhiều bậc mà không cần đến các cuộc thi. 

Nhưng để có lứa học sinh đạt “5 phẩm chất chủ yếu, 10 năng lực cốt lõi” như mục tiêu của chương trình, còn phải chờ khá lâu. Còn bây giờ, việc dạy học cũng như các cuộc thi sáng chế dành cho lứa tuổi học trò nếu không khơi gợi được sự sáng tạo cho các em thì đừng nên gieo mầm gian dối. 

Diệu Hằng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI