Dịch COVID-19 căng thẳng, bỏ thi tốt nghiệp THPT được không?

26/05/2021 - 06:23

PNO - Đây là năm thứ hai, dịch COVID-19 bùng phát vào đúng thời điểm chuẩn bị tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT. Rất nhiều đơn vị phải ngồi lại, tính toán thực hiện nhiệm vụ kép vừa đảm bảo công bằng, khách quan, trung thực cho kỳ thi vừa giữ an toàn cho hàng triệu người tham gia…

Theo các chuyên gia, còn chờ gì nữa mà không tạm hoãn cuộc thi có đến gần 100% thí sinh đạt kết quả để tốt nghiệp?

Không công bằng tuyệt đối nếu thi nhiều đợt

Ngày mai 27/5, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) sẽ tổ chức Hội nghị trực tuyến với UBND 63 tỉnh, thành và các trường về công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2021. 

Theo lịch của Bộ GD-ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 sẽ diễn ra từ ngày 6 đến 9/7. Và với tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay, Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT và nhiều địa phương đã tính đến phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT thành nhiều đợt. Tùy tình hình dịch bệnh, các đợt sau có thể dành cho thí sinh thuộc các F bắt buộc phải cách ly, hoặc thí sinh nằm trong khu vực đang bị phong tỏa.

Ở thời điểm này, khi chưa có phương án cuối cùng về kỳ thi càng khiến học sinh, giáo viên lẫn trường đại học chờ đợi trong tâm thế bị động. Học sinh lớp 12 tại rất nhiều địa phương vẫn phải ôn tập online để “chờ lệnh” về phương án thi. Trường đại học cũng chưa dám bỏ hẳn phương án xét kết quả từ kỳ thi này…

Thí sinh được kiểm tra thân nhiệt khi dự thi tốt nghiệp THPT 2020 tại TP.HCM - Ảnh: Thanh Thanh
Thí sinh được kiểm tra thân nhiệt khi dự thi tốt nghiệp THPT 2020 tại TP.HCM - Ảnh: Thanh Thanh

TP.Hà Nội là nơi có số lượng thí sinh đông nhất cả nước với hơn 101.000 thí sinh đăng ký dự thi (tăng khoảng 22.000 so với năm 2020). Dự kiến sẽ có 193 điểm thi với trên 4.200 phòng thi. Thời điểm này, công tác chuẩn bị cho kỳ thi vẫn đang phải tiến hành dù tình hình dịch bệnh ở TP.Hà Nội và khu vực lân cận khá phức tạp.

Chị Hoàng Thị Thanh (Q.Tây Hồ) cho biết: “Gia đình tôi mong muốn nếu kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn tổ chức thì hãy thi đúng lịch, đừng lùi thời gian từng chút một như năm trước sẽ kéo dài mệt mỏi cho con trẻ. Hơn nữa, một kỳ thi mà diễn ra nhiều đợt, đề thi chắc chắn có sự chênh lệch. Nếu chỉ xét tốt nghiệp thì dễ, đằng này xét vào cả đại học thì không đảm bảo kết quả khách quan như nhau. Vì vậy, nếu dịch bệnh phức tạp hơn thì không cần phải tổ chức thi nữa”. 

Đó là chưa kể, bối cảnh năm nay rất khác so với năm trước. Nếu như năm trước chỉ có một số ít thí sinh thuộc diện F phải thi đợt 2 thì năm nay số thí sinh diện phải cách ly và thuộc khu vực phong tỏa rất đông nên khó đảm bảo công bằng giữa thí sinh thi đợt 1 và các đợt sau đó.

Dù hai năm nay, kỳ thi mang tên là thi tốt nghiệp THPT nhưng thực tế vẫn phải “ôm” trong mình hai nhiệm vụ: xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Vì phải đa mang nên dường như kỳ thi không thể đáp ứng hết kỳ vọng, nhất là với chức năng chính xét tốt nghiệp THPT.

Tiến sĩ Đặng Đức Hoàng, cố vấn Trường liên cấp Đào Duy Anh (Q.6, TP.HCM) nói: “Những năm gần đây, kết quả tốt nghiệp THPT luôn đạt tỷ lệ gần 100% thì không cần phải tập trung tổ chức một kỳ thi lớn để xét tốt nghiệp. Việc này nên giao về cho địa phương, nhất là trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Mỗi địa phương sẽ chủ động về ngày thi, quy mô… sao cho phù hợp với điều kiện trên địa bàn". 

Không cần kỳ thi “2 trong 1”

Thạc sĩ Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin - Truyền thông Trường đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM), phân tích: Nếu kỳ thi này chỉ để xét tốt nghiệp THPT thì đâu phải lo gì về việc có công bằng hay không. Bởi bản chất của kỳ thi tốt nghiệp là không có tính cạnh tranh, thí sinh chỉ cần đạt ngưỡng trung bình đều đậu. Nhưng nếu thực hiện chức năng tuyển sinh đại học thì khác, tuyển từ cao xuống thấp, vì vậy có tính cạnh tranh, phân loại rõ rệt. Tình hình dịch bệnh chưa biết khi nào mới kết thúc, do đó, nên chia ra hai phần với hai nhiệm vụ tách bạch sẽ dễ thực hiện hơn: xét tốt nghiệp mỗi năm vài đợt thi, xét tuyển đại học để các trường đại học lo.

Ở góc độ giáo viên, thầy Lâm Vũ Công Chính, Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM), cho rằng: trong trường hợp bắt buộc phải thi thì nên tổ chức như năm ngoái, mức độ đề thi cũng giống năm ngoái, vì nếu khó hơn thì thiệt thòi cho những học sinh không thể đến trường vì giãn cách. Trong trường hợp xấu nhất, một số nơi vẫn còn phải cách ly, không kịp thi đợt 2 thì phân quyền cho địa phương lên phương án công nhận tốt nghiệp. 

Thí sinh dự thi tốt nghiệp thpt năm 2020 tại tp.hcm - Ảnh: T.T.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp thpt năm 2020 tại tp.hcm - Ảnh: T.T.

Thầy Lâm Vũ Công Chính đề xuất nên bỏ kỳ thi “2 trong 1” như hiện nay. Lý do, kết quả thi thiên về việc xét tuyển đại học hơn là để xét tốt nghiệp. Bất cập nhiều hơn như: học sinh sẽ học lệch theo hai tổ hợp khoa học tự nhiên/khoa học xã hội, học môn này, bỏ môn kia, thậm chí môn đó có nằm trong tổ hợp thi tốt nghiệp mà không xét đại học. Gộp hai kỳ thi là để tiết kiệm, giảm tải thi cử nhưng tính chất của hai kỳ thi này khác nhau.

“Theo tôi, xét công nhận tốt nghiệp nên giao về địa phương. Việc này các sở GD-ĐT đủ khả năng làm và sẽ chịu trách nhiệm. Trường đại học tổ chức kỳ thi tuyển hoặc sử dụng kết quả khảo thí của các đơn vị uy tín như hai đại học quốc gia”, thầy Chính nói. 

Có một thực tế là trọng tâm các cuộc tranh luận giữ hay bỏ kỳ thi nào đều nằm ở chỗ ai ra đề? Trong khi ra đề chỉ là một khâu trong cả quá trình đánh giá chất lượng. Thực ra ai ra đề cũng được, miễn là phù hợp với mục tiêu đánh giá của từng kỳ thi. Theo nhiều giáo viên, đề thi “2 trong 1” hiện nay rất “lấn cấn”, nửa dễ - nửa khó. Cuối cùng, Bộ GD-ĐT lại dùng điểm học bạ để cân đối lại điểm thi trong việc xét tốt nghiệp. Hệ quả là các trường đua nhau cho điểm số cao trong học bạ. Rồi bộ lại thực hiện đối sánh kết quả giữa điểm thi và điểm học bạ của thí sinh… tạo thành vòng luẩn quẩn, đắp đổi các giải pháp để tìm ra một phương án tốt nhất trong khi đã lệch đường ngay từ lúc đầu khi gộp hai nhiệm vụ vào một kỳ thi.

Nên để địa phương tổ chức thi, công nhận tốt nghiệp
TP.HCM vừa đề xuất giao quyền cho các tỉnh, thành tự kiểm tra, đánh giá, công nhận tốt nghiệp THPT. Trong báo cáo sau tám năm triển khai Nghị quyết 16 của Chính phủ và Nghị quyết 54 của Quốc hội, TP.HCM đề xuất nhiều cơ chế đặc thù, giải pháp mang tính đột phá. Sở GD-ĐT TP.HCM mong muốn khi để các tỉnh, thành công nhận tốt nghiệp THPT, Bộ GD-ĐT định kỳ tổ chức, đánh giá chất lượng giáo dục các địa phương và công bố rộng rãi cả nước.

Đề xuất để TP.HCM tự xét tốt nghiệp bằng các kỳ thi định kỳ và cuối cấp học được Sở GD-ĐT đưa ra từ năm 2017. Đến nay, câu chuyện giao quyền tổ chức thi và công nhận tốt nghiệp THPT về cho địa phương càng trở nên cấp thiết trong bối cảnh dịch COVID-19, tổ chức một kỳ chung trên cả nước cùng một thời điểm rất khó khăn. Việc này cũng phù hợp với Luật Giáo dục với điểm mở là không quy định kỳ thi trên ở cấp quốc gia hay ở cấp tỉnh. Vì thế, Bộ GD-ĐT có thể giao việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp cho các địa phương.

12 năm giáo dục phổ thông là của địa phương, xét tốt nghiệp cũng là địa phương thực hiện. Nếu nói chưa an tâm chất lượng thì việc Bộ GD-ĐT chỉ thực hiện một khâu duy nhất là đứng ra tổ chức kỳ thi chung cũng chẳng thể khiến kết quả trở nên đáng tin cậy hơn. Được lợi nhất trong câu chuyện này là các trường đại học khi có thêm một phương thức để tuyển sinh - mà lẽ ra các trường phải tự lo. 

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEtuyensinhvi /strCate=tuyensinh
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEgiaoducvi /strCate=giaoduc