“Di sản văn hóa Nam Bộ” của giáo sư Ca Văn Thỉnh

16/11/2022 - 15:49

PNO - Giáo sư Ca Văn Thỉnh đã chỉ ra vai trò, giá trị và vị trí thiết yếu của văn học Nam Bộ trong đời sống, trong văn hóa Nam Bộ và trong lịch sử văn học dân tộc

Nhân dịp 120 năm ngày sinh của giáo sư Ca Văn Thỉnh (1902-2022), gia đình ông cùng thạc sĩ Lê Sỹ Đồng (giảng viên Trường đại học Thủ Dầu Một, Bình Dương) đã sưu tầm, biên soạn từ các công trình của giáo sư trong di cảo, trên sách báo để hình thành nên bộ sách Di sản văn hóa Nam Bộ (Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM vừa ấn hành).

Bộ sách gồm 3 tập: Nhìn từ danh sĩ Nam Bộ thế kỷ XVIII - XIX, Nhìn từ lịch sử Nam Bộ và Nhìn từ văn học Nam Bộ. Bộ sách không chỉ cho thấy tầm vóc và đóng góp của giáo sư Ca Văn Thỉnh vào dòng chảy văn hóa đất nước nói chung, và dòng chảy văn hóa Nam Bộ nói riêng, mà còn là nguồn tư liệu quý giá cho những ai quan tâm đến văn hóa Nam Bộ. 

Bộ sách Di sản văn hóa Nam Bộ
Bộ sách Di sản văn hóa Nam Bộ

Những người thực hiện có chủ ý phân chia thành ba tập với ba chủ điểm khác nhau: Danh sĩ Nam Bộ thế kỷ XVIII - XIX, Lịch sử Nam Bộ và Văn học Nam Bộ, nhằm thuận tiện cho việc tra cứu. Tuy nhiên, đọc bộ sách sẽ thấy rằng, trong cái nhìn của giáo sư Ca Văn Thỉnh, lịch sử, văn hóa hay văn học luôn có sự đan cài và giao thoa với nhau.

Ở tập Một - Nhìn từ danh sĩ Nam Bộ thế kỷ XVIII - XIX, văn học và văn hóa được soi rọi từ lịch sử, từ những danh sĩ lừng danh như Nguyễn Đình Chiểu, Trần Thiện Chánh, Phan Văn Trị, Trịnh Hoài Đức… Cũng như vậy, tập Hai Nhìn từ lịch sử Nam Bộ, ẩn trong các bài viết Hào khí Đồng Nai, Mười tám thôn Vườn trầu, Đền Đế Thiên đối với tiền nhơn ta, Làng tôi mang truyền thống dân tộc… là dòng chảy văn hóa lúc trực diện, lúc âm thầm. 

Theo thạc sĩ Lê Sỹ Đồng, giáo sư Ca Văn Thỉnh đã chỉ ra vai trò, giá trị và vị trí thiết yếu của văn học Nam Bộ trong đời sống, trong văn hóa Nam Bộ và trong lịch sử văn học dân tộc. Ông khẳng định nhiều về mặt giáo dục và tính chiến đấu trong các tác phẩm dân gian Nam Bộ. Hầu hết các tác phẩm đều có một nội dung giáo dục nhất định, đặc biệt là giáo dục đạo đức. Hầu hết các công trình và nghiên cứu của Ca Văn Thỉnh đều đề cập đến mặt giáo dục của văn học dân gian Nam Bộ. 

Thạc sĩ Lê Sỹ Đồng cho rằng giáo sư Ca Văn Thỉnh có một vai trò tiên phong trong việc thực hiện các công trình nghiên cứu văn học Nam Bộ đương thời. Đặc biệt, thông qua việc sưu tầm văn học dân gian, nghiên cứu về văn học viết Nam Bộ, Ca Văn Thỉnh đã phát lộ những nét tốt đẹp văn hóa của người Nam Bộ trong đời sống thường nhật, cũng như trong đấu tranh bảo vệ quê hương đất nước. “Xin khẳng định một lần nữa, Ca Văn Thỉnh không chỉ là tấm gương cho tinh thần tự hào truyền thống văn học dân tộc, mà còn là hình ảnh về người trí thức miệt mài với công tác nghiên cứu khoa học. Phải chăng, nhân cách ấy đối với lịch sử văn học Nam Bộ đã thấm nhuần lối giáo dục “tập nghĩa, dưỡng khí” của Võ Trường Toản” - thạc sĩ Lê Sỹ Đồng nhấn mạnh. n

Giáo sư Ca Văn Thỉnh (1902-1987) sinh ra và lớn lên ở Bến Tre. Nhắc đến Ca Văn Thỉnh, không thể không nhắc đến các công trình nghiên cứu về Nam Bộ của ông: Thơ văn yêu nước Nam Bộ nửa cuối thế kỷ XIX (1962), Nguyễn Đình Chiểu toàn tập (1980, 1982), Hào khí Đồng Nai (1983), Nguyễn Thông - Con người và tác phẩm (1984)… Giới trí thức Nam Bộ vẫn thường gọi ông bằng danh xưng “Nhà Nam Bộ học”.

Thành Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI