Để mụn không còn là nỗi ám ảnh của phái đẹp

26/07/2020 - 12:12

PNO - Mụn trứng cá là một bệnh da phổ biến hay gặp ở tuổi thanh thiếu niên. Mụn có thể kéo dài trong nhiều năm và tái diễn lại nhiều lần nếu chúng ta không biết điều trị đúng cách.

Trò chuyện cùng bác sĩ và chuyên gia

Làm đẹp là một trong những vấn đề được hầu hết phụ nữ đặc biệt quan tâm. Làm sao để có một làn da khỏe đẹp? Bí quyết nào để có ngoại hình tươi trẻ? Chọn và sử dụng mỹ phẩm, sản phẩm dưỡng da như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất? Công nghệ làm đẹp của thể giới được cập nhật liên tục, làm sao tiếp cận được với công nghệ hiện đại nhất và chọn được cho mình dịch vụ, công nghệ phù hợp với làn da, tuổi tác, cấu tạo cơ thể, khuôn mặt… để sở hữu vẻ đẹp tự nhiên nhất?…

Hiểu được nhu cầu của phái đẹp, Phụ Nữ Online mở chuyên mục Trò chuyện cùng bác sĩ, chuyên gia nhằm giải đáp tất cả những thắc mắc của bạn đọc về những vấn đề làm đẹp và thẩm mỹ.

Chuyên mục sẽ có sự tham gia của các bác sĩ, chuyên gia tên tuổi, nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực làm đẹp và thẩm mỹ.

Mọi câu hỏi thắc mắc gởi về địa chỉ email: online@baophunu.org.vn (Tiêu đề vui lòng ghi rõ: Mục Trò chuyện cùng bác sĩ)

Phần giải đáp sẽ luân phiên được đăng tải vào Chủ Nhật hàng tuần.

Hiện nay, một số bạn đang gặp phải tình trạng hoang mang, lo lắng do điều trị mụn nhưng không khỏi thậm chí ngày càng nặng lên thêm. Bài viết dưới đây sẽ giúp các bạn có kiến thức để điều trị mụn đúng cách và có một làn da khỏe đẹp.

1. Dấu hiệu của mụn

Các dấu hiệu và triệu chứng của mụn khác nhau tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng này, bao gồm:

  • Mụn đầu trắng (lỗ chân lông đã đóng).
  • Mụn đầu đen (lỗ chân lông mở).
  • Những vết sưng nhỏ, đỏ.
  • Mụn nhọt (mụn mủ), đó là những sẩn có mủ ở đầu.
  • Xuất hiện nốt sần lớn ở dưới bề mặt da, rắn và gây đau.
  • Mụn đầy mủ xuất hiện bên dưới bề mặt da (tổn thương nang).
  •  

2. Phân loại mụn trứng cá:

  • Trứng cá thông thường (Acne vulgaris): thể phổ biến nhất, thương tổn là các nhân mở hoặc kín, sẩn mủ, nang viêm, khu trú ở vùng da mỡ như mặt, lưng, ngực.
  • Trứng cá bọc, đây là thể nặng của bệnh, thương tổn thường là nang, áp xe chứa nhiều mủ, đau.
  • Trứng cá tối cấp: Các thương tổn xuất hiện cấp tính, vỡ, loét rất đau, sốt cao.
  • Trứng cá sẹo lồi: các thương tổn thường khu trú ở vùng lưng, ngực, tiến triển dai dẳng, xơ hoá và phát triển thành sẹo, lan ra xung quanh.
  • Trứng cá do mỹ phẩm: thường gặp ở người hay lạm dụng các loại mỹ phẩm không thích hợp. Thường ở mức độ nhẹ và bệnh nhân thường không có biểu hiện trứng cá từ trước. Trứng cá mỹ phẩm có thể điều trị khỏi hoàn toàn khi loại bỏ các tác nhân và sử dụng thuốc bôi.
  • Trứng cá do yếu tố cơ học: các thương tổn thường xuất hiện sau tác động như nặn, bóp, cọ xát.
  • Trứng cá do nghề nghiệp: các công việc phải tiếp xúc lâu dài với các chất như dầu mỡ, bụi than… cũng tạo điều kiện xuất hiện mụn trứng cá.

3. Nguyên nhân gây ra mụn

Bốn yếu tố chính gây ra mụn, bao gồm:

  • Da quá nhiều dầu.
  • Tắc nghẽn lỗ chân lông.
  • Vi khuẩn.
  • Hormone hoạt động quá mạnh (androgen).

Mụn thường xuất hiện trên mặt, trán, ngực, lưng trên và vai vì những vùng da này có nhiều tuyến dầu nhất (bã nhờn). Các lỗ chân lông được kết nối với các tuyến bã nhờn.

4. Nên làm gì khi bị mụn?

Tùy vào nguyên nhân gây ra mụn cũng như mức độ nhiều hay ít để có các cách trị mụn hợp lý. Tuy nhiên phải luôn nhớ:

  • Dùng nước tẩy trang lau sạch các lớp phấn trang điểm trên mặt, rửa mặt sạch bằng sữa rửa mặt cho da mụn mỗi ngày 2 lần vào buổi sáng lúc thức dậy và buổi tối trước khi đi ngủ. Rửa mặt nhẹ nhàng, tránh cào gãi hay chà sát mạnh. Nên lựa chọn các loại rửa mặt (cleanser) phù hợp với làn da, chọn thương hiệu từ các hãng mỹ phẩm có uy tín, không nên dùng nhiều loại mỹ phẩm kết hợp vô tình làm tăng tình trạng và tăng tiết dầu bít tắc trên da.
  • Tuyệt đối không được tự ý nặn mụn. Vì nặn mụn có thể khiến mụn trứng cá bị viêm nhiễm nặng hơn, dễ lan sang chỗ khác do tay có vi khuẩn, sẽ tạo điều kiện lây lan. Điều này còn đồng nghĩa với việc gia tăng tỷ lệ biến chứng.
  • Nếu tình trạng mụn mọc quá nhiều, có thể sử dụng thuốc theo đơn. Không nên thay đổi thuốc bôi điều trị mụn thì mới thấy rõ được tác dụng. Do đó hãy kiên nhẫn với phác đồ điều trị theo bác sĩ của bạn.
  • Hạn chế ăn uống đồ ngọt, chứa nhiều tinh bột, chất kích thích, rượu bia. Trà sữa, bánh ngọt tuy ngon nhưng đường và bột trong các loại này không những làm tăng cân mà còn làm nặng thêm tình trạng mụn trứng cá.
  • Uống đủ 2,5lít nước/ ngày. Bổ sung đủ các chất dinh dưỡng như vitamin A,E,C trong rau củ giúp làm khỏe da.
  • Tạo đời sống tinh thần lành mạnh,tăng cường tập thể dục thể thao, ngủ đúng, đủ 7-8 tiếng/ngày, giảm thiểu stress và mất ngủ.
  • Bảo vệ da chống nắng: Hạn chế đi nắng, đeo khẩu trang, đội nón rộng vành bằng vải màu sẫm, bôi kem chống nắng bảo vệ làn da 3 lần/ ngày.
  • Nếu tình hình không cải thiện, hãy đi khám bác sĩ chuyên khoa da liễu để được tư vấn và điều trị.

5. Điều trị:

5.1 Nguyên tắc điều trị:

- Dùng đúng thuốc, đúng phác đồ, sau 1 tháng không thay đổi cần thay đổi lại phác đồ và thuốc.

- Điều trị tấn công không dưới 2-3 tháng.

Trong trường hợp nặng phải kết hợp thuốc uống và bôi. Có thể sử dụng các sản phẩm bôi của các hãng dược mỹ phẩm. Tuyệt đối không nên kết hợp các hãng mỹ phẩm với nhau khi điều trị mụn sẽ làm tăng kích ứng khiến cho tình trạng mụn nặng nề thêm.

  • Nên bắt đầu điều trị sớm để tránh việc tăng nặng và tránh biến chứng.
  • Bệnh nhân tránh các yêu tố kích thích làm bệnh nặng lên như stress, thức khuya, làm việc quá sức, chế độ ăn uống giảm đường sữa và đồ béo…
  • Cần phối hợp điều trị các nhiễm khuẩn, ký sinh trùng nếu có.
  • Có thể điều trị các biến chứng của bệnh như dát thâm, sẹo lõm, sẹo lồi…bằng kết hợp lazer, IPL, phẫu thuật…
  • Điều trị duy trì là bắt buộc.

5.2 Điều trị tại chỗ bằng thuốc:

Việc điều trị bằng thuốc cần phải được thực hiện bằng bác sĩ, một số loại thuốc thường dùng tùy vào tình trạng mụn:

  • Kháng sinh tại chỗ: chứa hoạt chất clidamycin 1%, erythromycin,… và không nên dùng quá 2 tháng.
  • Thuốc diệt khuẩn và tiêu sừng ở cổ nang lông: Benzoyl peroxide.
  • Thuốc diệt khuẩn, chống viêm, tiêu sừng và điều hoà miễn dịch tại chỗ: tretinoin, adapalen, tazảroten…
  • Thuốc có tác dụng kháng viêm, tiêu sừng và ức chế enzym tyrosinase giúp giảm sắc tố sau viêm: acid azelaic.

Việc điều trị tại chỗ bằng thuốc có ưu điểm là cho kết quả nhanh, triệt tiêu các nguyên nhân gây mụn, ít có tác dụng phụ của thuốc.  Hiện nay có một số hãng dược mỹ phẩm cũng cho hiệu quả rất tốt trong điều trị mụn.

5.3 Điều trị toàn thân bằng thuốc:

Có nhiều loại thuốc hỗ trợ điều trị bênh lý trứng cá qua đường uống, tuy nhiên việc điều trị bằng đường uống thường được thực hiện khi đường bôi thất bại hoặc bệnh ký diễn biến dai dẳng, áp dụng cho các trường hợp mụn vừa cho đến nặng, hoặc các trường hợp mụn có nguyên nhân từ yếu tố di truyền, hormon. Thuốc điều trị đường uống thường là kháng sinh, kháng viêm, hoặc thuốc ức chế sản xuất tuyến bã và bình thường hoá quá trình sừng hoá ở cổ nang lông. Trường hợp sau khi áp dụng các phương pháp trên không đạt hiệu quả, có thể sử dụng liệu pháp hormon. Liệu pháp này bao gồm thuốc ngừa thai, thuốc kháng androgen. Cơ chế tác động của các loại thuốc có liên quan đến nội tiết tố này là làm giảm lượng androgen sản xuất ở buồng trứng, làm tăng hormon giới tính gắn globulin, ức chế testosteron tự do, làm giảm hoạt động của 5 areductase và chẹn các thụ thể androgen.

Lời khuyên của bác sĩ:

 Mụn có thể khỏi hoàn toàn nếu như bạn kết hợp điều trị và chăm sóc da đúng cách. Uống nhiều nước, bổ sung đủ vitamin, thường xuyên tập thể dục, nói không với stress để giúp bạn có một làn da khỏe đẹp. Không nên tự ý mua thuốc bôi và uống đặc biệt là các sản phẩm kem trộn hay rượu thuốc sẽ làm cho tình trạng mụn nặng nề hơn. Nên đi khám bác sĩ chuyên khoa,Bệnh viện Thẩm mỹ uy tín để được điều trị sớm và đạt hiệu quả thẩm mỹ tốt nhất.

Trứng cá do thuốc: làm dụng các loại thuốc bôi, xông, uống, tiêm, đặc biệt các sản phẩm chứa corticoid sẽ gây bệnh trứng cá. Vitamin B6, B12 cũng có khả năng gây trứng cá hoặc làm nặng thêm tình trạng trứng cá.

 

Th.S - BS Lê Tôn Dũng

(Giảng viên bộ môn Tạo hình thẩm mỹ Đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI