ĐBQH lo nhiều sinh viên không thể theo học trường 'đỉnh' sau tự chủ đại học

06/11/2018 - 12:00

PNO - Ủng hộ vấn đề tự chủ đại học, song ĐBQH Dương Minh Tuấn (Bà Rịa-Vũng Tàu) lo ngại, nếu không có lộ trình, nhiều sinh viên nghèo sẽ không có khả năng theo học các trường “đỉnh” của Việt Nam vì mức học phí sẽ tăng cao.

Phát biểu tại phiên thảo luận hội trường về Luật Giáo dục đại học (sửa đổi), ĐBQH Dương Minh Tuấn (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng tự chủ đại học trước đây đã thí điểm nhưng thực tiễn vẫn chưa “gặp nhau”, do vậy, ông mong muốn luật này phải cho thấy tự chủ thực sự.

ĐBQH Dương Minh Tuấn phân tích, tự chủ nếu theo luật bao gồm: tự chủ học thuật, tự chủ tài chính và nhân sự, trong đó cần nhất là tài chính. Thời gian qua đã cho các trường tự chủ nhưng khống chế học phí tăng, vì vậy rất khó tự chủ.

DBQH lo nhieu sinh vien khong the theo hoc truong 'dinh' sau tu chu dai hoc
Đại biểu Dương Minh Tuấn

“Tự chủ không nghĩa là buông để nhà trường tự bơi mà là nhà nước cũng có đầu tư. Giống như bầu sữa đầu tiên, sau đó tùy theo thể trạng từng đứa con mà rút ra dần dần. Vừa qua đã thí điểm cho một số trường tự chủ về tài chính thì có trường nâng học phí lên. Có ý kiến cho là quá cao, do vậy cần có lộ trình tự chủ”, đại biểu Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, nếu để tự chủ ngay thì các trường “đỉnh” của Việt Nam sẽ có mức học phí rất cao. Dù học phí của Việt Nam so với thế giới còn thấp nhưng điều kiện kinh tế Việt Nam còn khó khăn. Do đó, với mức học phí mới, nhiều sinh viên nghèo sẽ không có điều kiện theo học.

Đại biểu Tuấn đề nghị, cần có điều khoản nào đó để ràng buộc các trường, yêu cầu phải trích một tỷ lệ học bổng nhất định cho sinh viên nghèo, sinh viên thuộc diện chính sách, vùng dân tộc. “Ở một số nước như Úc, Canada, Mỹ, những trường tốt học phí rất cao song họ có một khoản nhất định để hỗ trợ”, đại biểu Tuấn nói.

Liên quan tới vấn đề tự chủ, ĐBQH Nguyễn Tuấn Anh (Long An) cho rằng, chính sách xuyên suốt của việc sửa luật lần này là nhằm tháo gỡ nút thắt về tự chủ đại học.

Qua nghiên cứu cho thấy những vướng mắc, mâu thuẫn, tồn tại và bất cập về tổ chức bộ máy vẫn chưa được giải quyết. Để góp ý cho dự thảo luật, đại biểu này khẳng định những bất cập ở đây không phải là sự tồn tại của đại học quốc gia hay đại học vùng mà là ở tổ chức bộ máy của những trường đại học.

“Theo Nghị quyết Trung ương 4, khóa 7 năm 1993 thì mô hình đại học vùng được thành lập với 3 mục tiêu chính là giảm đầu mối quản lý và biên chế, dùng chung nguồn lực về cơ sở vật chất, tập trung xây dựng đại học thành đại học mạnh. Đó là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, tuy nhiên thực tế 24 năm qua mục tiêu này không đạt được”, đại biểu Tuấn Anh nói.

Nguyên nhân theo ông, việc để mô hình “trường đại học trong đại học”, tức các trường đại học có thành viên và tổ chức hai cấp, đang gây ra tình trạng chồng chéo trong bộ máy vận hành, giảm hiệu lực, hiệu quả trong điều hành.

“Ví dụ trên đại học có ban chức năng nào thì ở dưới các trường thành viên cũng có phòng tương ứng, dẫn đến lãng phí nguồn lực. Đó chính là nguyên nhân bất cập của mô hình, cản trở sự phát triển của đại học mà nhiều lần sửa đổi luật chưa giải quyết được”, đại biểu tỉnh Long An phân tích.

Ông Tuấn Anh đề nghị phải sắp xếp lại các trường đại học thành viên nằm trong đại học thống nhất thành một bộ máy tổ chức. Thực hiện tinh giản biên chế, cải cách tổ chức bộ máy hiệu lực, hiệu quả của các đơn vị sự nghiệp công lập ngành giáo dục. Nếu giải quyết được mô hình này, về tài chính có thể tiết kiệm được ít nhất 120 tỷ đồng cho mỗi trường đại học khi sắp xếp lại tổ chức.

Minh Quang

 
TIN MỚI