Cuộc sống người Việt xa xứ trên YouTube: Làm chơi ăn thiệt

29/03/2022 - 06:16

PNO - Phần lớn các kênh YouTube về cuộc sống, sinh hoạt của người Việt xa xứ ban đầu được chủ nhân lập ra với mục đích giải khuây, chia sẻ những điều thú vị, nhưng rồi lại bất ngờ nổi tiếng

Những kênh Youtube "hot" không kém ngôi sao giải trí 

Nước Úc với những sinh hoạt thường nhật của học sinh, sinh viên, những nét văn hóa đặc trưng… được gói gọn trong kênh YouTube Duong Pham với khoảng 640.000 người theo dõi. Chủ kênh này là Phạm Thùy Dương, du học sinh Úc. Cuộc sống ở Nhật được chia sẻ trên các kênh YouTube của Quỳnh Trần JP, Vợ chồng nhà Nhân, Đức Thư Vlog, San Vlog… Kênh YouTube Quỳnh Trần JP có hơn 4 triệu người theo dõi, con số đáng mơ ước với nhiều nhà sáng tạo nội dung trên YouTube. Kênh Vợ chồng nhà Nhân cũng cán mốc hơn 550.000 người theo dõi. Các kênh còn lại đều có từ vài chục ngàn đến hơn 100.000 người đăng ký. Không chỉ chuyển tải thông tin, hình ảnh nếp sống của người bản địa, tìm hiểu ẩm thực, phong cảnh… các kênh YouTube này còn thể hiện tâm tư, tình cảm của người lao động Việt Nam ở nước ngoài.

Quang Linh trong một chuyến thiện nguyện vui chơi cùng trẻ em ở châu Phi
Quang Linh trong một chuyến thiện nguyện vui chơi cùng trẻ em ở châu Phi

Cuộc sống ở Mỹ được thể hiện sinh động qua kênh Hoyer Family với hơn 1,2 triệu người theo dõi. Ở đây, khán giả được xem chợ, siêu thị người Việt tại xứ sở cờ hoa, và nhiều địa điểm du lịch thú vị… Cuộc sống ở Canada được khắc họa qua các kênh: Gia đình Emma cuộc sống Canada, HDC Family, Tout Le Monde… Nhắc đến Hàn Quốc, không thể quên kênh Yewon TV của Kiều Tiên với gần 1,3 triệu người đăng ký. Quang Linh Vlogs với gần 2,6 triệu người theo dõi, chia sẻ những trải nghiệm về cuộc sống ở châu Phi. Mỗi video của anh hút từ hàng trăm ngàn đến hàng triệu lượt xem.

Mỗi kênh đều có nội dung riêng, nhưng đều gần gũi, chân thật, và đánh vào tâm lý tò mò của khán giả. Trong đó, sự khác biệt về văn hóa, lối sống so với Việt Nam là điều kích thích khán giả nhiều nhất. Phần lớn các chủ kênh đều có khiếu hài hước, khả năng ăn nói lôi cuốn. 

Thành công bất ngờ

Xuất phát điểm của hầu hết các kênh là đều hướng tới mục đích giải trí, chia sẻ những điều mới lạ. Chị Phạm Thùy Dương nhận ra du học sinh Việt Nam tại Úc không ít, người Việt Nam sống tại đây cũng rất nhiều, nhưng không ai chia sẻ về nước Úc. Chị đánh liều thử sức. Vì là du học sinh, nên đầu tiên Thùy Dương tập trung vào các kinh nghiệm du học. Những thông tin này bất ngờ được nhiều người đón nhận, chia sẻ trên các nhóm, cộng đồng du học sinh ở Úc. Sau đó, chị phát triển thêm các nội dung khác. Hay Quang Linh (kênh Quang Linh Vlog) - một lao động Việt Nam ở Angola - lúc đầu chỉ dùng điện thoại quay lại cảnh sinh hoạt, lao động thường nhật với những người bạn nơi đây, với mục đích lưu lại kỷ niệm với người bản xứ. Nhưng bất ngờ nổi tiếng ngoài mong đợi.

Chị Quỳnh Trần (kênh Quỳnh Trần JP) trong lần về nước năm 2019 đã có một buổi gặp mặt với đông đảo những người yêu mến chị. Chị Ngọc Huỳnh (kênh Hoyer Family) trong một lần về nước, đã livestream thông báo sẽ đến phố đi bộ Nguyễn Huệ để mọi người có thể giao lưu. Không ngờ có cả những người từ Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai… đã đến rất sớm, chờ gặp. 

Dương Phạm chia sẻ kinh nghiệm du học Úc:

 

 

Chị Ngọc Huỳnh cho biết sau khoảng sáu, bảy tháng mới bắt đầu có người quan tâm đến kênh của chị. Về kỹ thuật, chất lượng hình ảnh, hiện các kênh đều đầu tư chỉn chu. Tuy nhiên, vì trở thành nhà sáng tạo nội dung nên áp lực tạo ra cái mới, thú vị là không hề nhỏ. Thùy Dương chia sẻ: “Khi càng có nhiều người theo dõi, tôi càng ý thức phải tạo ra nhiều nội dung ý nghĩa hơn. Video của tôi luôn tập trung về nội dung, để có thể đi xa hơn trên cả những nền tảng khác mà không bị lỗi thời”. Hiện tại ngoài lượng người theo dõi trên YouTube, Thùy Dương còn có hơn 1 triệu người theo dõi trên TikTok. Từ suy nghĩ làm chơi ban đầu, thành công này đã mở ra hướng đi mới cho chị. Sau khi về Việt Nam, Thùy Dương dự định tạo ra một ê-kíp để tiếp tục phát triển các nội dung trên môi trường số. 

Chị Ngọc Huỳnh, Kiều Tiên (kênh Yewon TV), Đức Nhân… có công việc, thu nhập từ kinh doanh tốt hơn khi được nhiều người biết đến và yêu mến. Bên cạnh đó, họ cũng có được nguồn thu kha khá từ YouTube. Theo công bố của YouTube, một youtuber được trả trung bình từ 0,01 - 0,03 USD/lượt xem quảng cáo (với các kênh đủ điều kiện bật chế độ kiếm tiền). Trung bình mỗi 1.000 lượt quảng cáo, chủ kênh được trả 18 USD. Tuy nhiên, số tiền thu được còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác: quốc gia, số quảng cáo chạy trên một sản phẩm… Một chủ kênh có hơn 500.000 người theo dõi từng tiết lộ anh thu về hơn 40 triệu đồng cho một video có 1 triệu lượt xem.

Quang Linh phát gạo cho người dân ở châu Phi

 

 

Quang Linh còn tạo ra sự ảnh hưởng tích cực khi mang quà, dụng cụ học tập tặng trẻ em, nước sạch cho người dân ở các vùng xa xôi, hẻo lánh ở châu Phi. Anh tạo nguồn cảm hứng cho nhiều người trẻ với việc cống hiến cho cộng đồng. Về Việt Nam, anh cũng góp mặt trong hàng loạt dự án thiện nguyện lớn. Anh mong muốn thời gian tới có thể mang sang châu Phi một số giống lúa, hỗ trợ bà con kỹ thuật trồng trọt, cải thiện đời sống. Từ chuyện làm chơi, họ đã tạo ra những sự thay đổi cho mình và cả cho người, mang đến cái nhìn tích cực về người Việt khắp nơi trên thế giới. 

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI