Công viên “mọc lên” từ bãi rác

20/05/2022 - 06:29

PNO - Từ bãi rác hoang, khu Đại Thắng, tổ 2, khu phố 5, P.Tân Hưng, Q.7, TP.HCM nay đã biến thành công viên.

Một góc công viên đã được hình thành từ bãi rác khổng lồ ở khu Đại Thắng
Một góc công viên đã được hình thành từ bãi rác khổng lồ ở khu Đại Thắng

Đặt hai bộ bàn ghế đá dưới bóng mát cây bàng cổ thụ, ông Nguyễn Văn Điều, Tổ trưởng tổ 2, khu phố 5, P.Tân Hưng, Q.7, TP.HCM, thảnh thơi ngồi nhấm nháp ly cà phê đen. Từ chỗ ông ngồi nhìn sang trái là dòng nước rạch Ấp Chiến Lược đang lững lờ, còn bên phải là một công viên mới rộng hơn 2.000m2 đang dần thành hình. Ở đó, một phần đất rộng đã được cán bê-tông, những cây xanh được trồng từ ba tháng trước đã bắt đầu bám rễ vào đất và mạnh mẽ vươn cành cho bóng mát. Những bộ dụng cụ thể dục thể thao xếp hàng tươm tất cho người dân sử dụng. Đó là kết quả của một phần hành trình “Cải tạo điểm rác thành không gian xanh” do Hội LHPN Q.7 phối hợp với Hội LHPN P.Tân Hưng thực hiện. 

Nơi ông Điều ngồi được người dân quen gọi với cái tên Đại Thắng. Ông Điều mua nhà và về sống ở khu Đại Thắng từ mười mấy năm trước. Trong ký ức rõ ràng của ông, đó là vùng đất thấp trũng, cây cối hoang hóa mười mấy năm trời. Ông nhớ lại: “Muỗi mòng, rắn rít nhiều quá không ai dám vô. Mỗi lần muốn bước vô, tôi phải mang giày ống, không thì khi trở ra, bàn chân nát liền”. Không chỉ hoang hóa, bãi đất thường xuyên bốc mùi hôi, mất vệ sinh, mất thẩm mỹ bởi “nhà nào có cái gì không xài được là tấp ra đó”.

Bãi rác khổng lồ ấy được hình thành cũng bởi, nó là dự án treo hơn mười năm. Theo bà Huỳnh Nguyệt Ánh, Chủ tịch Hội LHPN Q.7, từ năm 2011, khu Đại Thắng được quy hoạch để xây trường học. Tuy nhiên, vì vướng một số cơ sở pháp lý, việc xây trường chưa tiến hành được. Đất công không ai sử dụng, người dân ngày càng lấn ra, rồi đổ rác, thanh niên tụ tập hút chích. Thấy quá hoang phí, năm 2020, Hội LHPN Q.7 đã đề xuất, xin cải tạo khu đất thành công viên với mong muốn tạo cảnh quan môi trường, trước tiên cho người dân xung quanh khu vực được hưởng thụ môi trường trong lành, sau đó là người dân các khu vực lân cận cũng có thể vào để hội họp, tổ chức hoạt động đoàn thể. Đến cuối năm 2021, dịch tạm lắng, Hội và Đảng ủy phường mới phối hợp tuyên truyền, vận động người dân chung tay vì không có kinh phí. “Người thì cho xà bần, người thì cho xi măng, nguồn lực có tới đâu, mình làm tới đó, đến nay có thể ước tính chi phí đã lên 300 triệu đồng”, bà Nguyễn Thị Hoa Sen, Chủ tịch Hội LHPN P.Tân Hưng, thông tin.

Đến thời điểm này, nền xi măng đã cán đổ bằng phẳng được một phần ba khu đất và trồng khoảng 50 cây xanh để phủ bóng mát. Bà Nguyễn Thị Hoa Sen phấn khởi nói về công trình: “Nhà của người dân quanh đây đều nhỏ hẹp, không có không gian để tổ chức những đám tiệc. Có công viên sạch sẽ rồi, nhà nào có hậu sự, hỷ sự hay cúng giỗ, có thể mượn sân mà làm. Hiện tại, chúng tôi vẫn đang tiếp tục vận động và sẽ cải tạo phần diện tích đất còn lại để có thêm nhiều không gian giải trí, thể thao như cầu lông, bóng bàn… cho bà con tham gia”. 

Nguyệt Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI