Chuyện một người nhắc tuồng

09/07/2021 - 19:20

PNO - Nghề nhắc tuồng là công việc không thể thiếu ở tất cả các đoàn hát. Người làm nghề này chịu nhiệm vụ “cứu bồ” cho diễn viên trên sân khấu, bởi dù đã thuộc tuồng làu làu, thì đôi khi nghệ sĩ vẫn gặp sự cố… quên tuồng.

Nhiều năm rồi, dường như cái tên cúng cơm lẫn nghệ danh Châu Thành Nhân đã chẳng còn mấy ai nhớ đến, nhưng khi nhắc biệt danh “Vịt mũ” thì hầu hết người làm sân khấu, nhất là cải lương sẽ nhớ ngay đến hình ảnh người nhắc tuồng có dáng vẻ gầy gò, khắc khổ, nhưng lại rất nhanh nhẹn, sáng ý này.

“Tổ biểu nhắc tuồng thì đi nhắc tuồng!”

Dấn thân vào nghiệp cầm ca và trở thành người nhắc tuồng cũng đều là duyên may tình cờ của Châu Thành Nhân. Gia đình anh không có truyền thống nghệ thuật, nhưng lại có người em trai có máu văn nghệ hay giao du với nghệ sĩ rồi được rủ theo đoàn hát. Một ngày, Châu Thành Nhân cũng bị cậu em “dụ” đi hát khi đoàn đang thiếu quân sĩ đánh võ. Khăn gói theo gánh hát và ôm mộng trở thành nghệ sĩ, buổi tập đầu tiên của anh vào ngày 17/8/1997 là tuồng Long Tuyền soi ánh nguyệt ở đoàn cải lương Hương Bưởi. 

Châu Thành Nhân (x) nhắc tuồng cho các nghệ sĩ tập vở Thái hậu Dương Vân Nga
Châu Thành Nhân (x) nhắc tuồng cho các nghệ sĩ tập vở Thái hậu Dương Vân Nga

“Mơ thành nghệ sĩ, không có vốn liếng nghề thì mình học, từ quân sĩ mà đi lên”, Châu Thành Nhân theo cố nghệ sĩ Chiêu Hùng học ca diễn, theo nghệ sĩ Bạch Long học vũ đạo, theo thầy đờn Duy Khôi học nhạc lý… Khoảng năm 2002, Nhân về đoàn Vũ Luân và vẫn khiêm tốn với vai trò quân sĩ hoặc những vai diễn rất nhỏ. Lần đó, đang tập vở Giang sơn mỹ nhân, người nhắc tuồng chính của đoàn chưa đến kịp mà người nhắc thế thì “nói không ra hơi”, thế là anh chàng chuyên sắm vai quân sĩ bèn giành lấy cuốn tuồng rồi dõng dạc: “Để tui nhắc cho!”. 

Một lần “tài lanh” bỗng thành “nghiệp”, Châu Thành Nhân trở thành người nhắc tuồng chính cho đoàn Vũ Luân kể từ đó. Điều làm anh vui mừng nhất là được tăng lương từ mức 40.000 đồng/suất của quân sĩ lên 100.000 đồng/suất cho công việc nhắc tuồng ở thời điểm đó.

“Đã theo gánh hát thì ai cũng mong được tỏa sáng trên sân khấu. Tôi cũng băn khoăn, liệu lựa chọn của mình có đúng hay không? Nghề này vốn tâm linh lắm. Trong nghề có truyền bài Tứ thiên vương, mà chỉ cần học thuộc thì ra hát vai nào cũng được. Tôi tự tin mình có trí nhớ tốt, ba ngày đã thuộc làu một cuốn tuồng, có thể nhắc mà không cần nhìn kịch bản. Vậy mà suốt nửa tháng trời tôi vẫn không tập được bài Tứ thiên vương, cứ thuộc trước quên sau. Nhiều anh chị, cô chú trong nghề lắc đầu nói: “Chắc Tổ không cho hát rồi”. Nếu Tổ không ưng tôi đứng trên sân khấu, thì tôi làm việc sau hậu trường. Tôi vẫn được sống với nghề và được nghề ghi nhận, âu cũng là hạnh phúc”, Châu Thành Nhân bộc bạch.

Với người nhắc tuồng chuyên nghiệp việc đọc dò, nghiên cứu kịch bản là không thể thiếu.
Với người nhắc tuồng chuyên nghiệp việc đọc dò, nghiên cứu kịch bản là không thể thiếu.

“Chỉ mong nghệ sĩ thuộc tuồng”

Nghe qua tưởng nghịch lý, nhưng đó lại là điều mong mỏi của những người nhắc tuồng. “Chỉ khi thuộc tuồng, không phải phụ thuộc vào nhắc tuồng, thì người nghệ sĩ mới có thể hát hay được. Và người nhắc tuồng chỉ nên ở vai trò cứu nguy khẩn cấp đảm bảo an toàn cho vai diễn mà thôi”, Châu Thành Nhân nói. 

“Trên sân khấu có nhiều tình huống bất ngờ, nên nhiều nghệ sĩ dù rất thuộc tuồng vẫn cần người nhắc tuồng luôn ở đó, như một sự hỗ trợ tinh thần. Đôi khi chỉ quên một chữ thôi, nhưng nếu không có nhắc tuồng “cứu bồ” kịp thời, thì rất dễ làm gãy tâm lý vai diễn cũng như cảm hứng của diễn viên. “Em thuộc tuồng rồi nhưng anh cứ đứng đó đi, nhìn thấy anh, em hát cũng an tâm hơn” - nhiều nghệ sĩ đã nói với tôi như thế, cảm thấy ấm lòng lắm…”, Châu Thành Nhân chia sẻ.

Châu Thành Nhân nhớ mãi lần nhắc vở Tình mẫu tử khi cố NSND Phương Quang và danh hài Bảo Chung phải thế vai khẩn cấp cho NSND Diệp Lang và danh hài Hồng Tơ, dù cả hai đều chưa từng diễn các nhân vật này trước đó. Từ lúc hóa trang, Nhân đã luôn ở bên cạnh họ, vừa đọc tuồng vừa nhắc đường dây vở diễn.

Suốt buổi diễn, anh vừa nhắc ca thoại, vừa nhắc hành động, diễn xuất cho cả hai nghệ sĩ thế vai. “Vở diễn trót lọt! Kéo màn, chú Phương Quang quay vào cánh gà và ôm tôi. Đó là phần thưởng lớn nhất đối với một người nhắc tuồng, công việc thầm lặng của mình thực sự đóng góp cho thành công của vở diễn”, Châu Thành Nhân không giấu xúc động.

Với người nhắc tuồng chuyên nghiệp việc đọc dò, nghiên cứu kịch bản là không thể thiếu.
Với người nhắc tuồng chuyên nghiệp việc đọc dò, nghiên cứu kịch bản là không thể thiếu.

Hơn chục năm trước, người nhắc tuồng cũng “hao hơi tốn sức” không kém gì nghệ sĩ, khi từ trong cánh gà nhắc vọng ra, không ít lần phải gào át cả tiếng nhạc nếu diễn tuồng cổ, giờ thì họ đã có thể nhàn hạ tìm một góc thoải mái mà ung dung nhắc bài thông qua máy nhắc tuồng.

“Tuy nhiên lợi bất cập hại, đôi khi máy bị lạc sóng, nghệ sĩ không nghe được, không xử lý kịp là tôi bị quở ngay. Vì vậy, vẫn phải thường xuyên theo sát nghệ sĩ, thấy nghệ sĩ ra hiệu hay tháo máy nhắc là nhào ra cánh gà nhắc kiểu truyền thống liền, đôi khi tôi còn phải nằm bò dưới sàn sân khấu, bám vào các cảnh trí suốt buổi diễn để giúp phần trình diễn của người nghệ sĩ thật tròn vẹn”, Châu Thành Nhân hóm hỉnh kể.

So với thời làm quân sĩ thì trở thành người nhắc tuồng chuyên nghiệp không chỉ giúp Châu Thành Nhân tăng thu nhập, mà đôi khi anh cũng cho mình “quyền được chảnh”. “Điều tôi cần nhất là sự đối xử công bằng với những người ở đằng sau sân khấu. Những người nhắc tuồng, phục trang, quân sĩ… chúng tôi dĩ nhiên không thể nhận thù lao như nghệ sĩ ngôi sao, nhưng cần có sự công bằng tối thiểu và phải được tôn trọng.

Có những suất diễn tôi không cần nhận đồng nào vì trân trọng tấm lòng người làm nghề, nhưng cũng có khi tôi “hét giá” vì ghét những kẻ cơ hội, chỉ trục lợi…”, Châu Thành Nhân thẳng thắn bày tỏ.

Dù chọn “nghề nhắc tuồng”, nhưng diễn xuất vẫn là niềm đam mê của Châu Thành Nhân, anh luôn chắt chiu từng cơ hội nhỏ để có thể đứng trên sân khấu, trước máy quay, cũng như không ngừng học hỏi từ những nghệ sĩ mình thần tượng.

“Tôi coi đi coi lại Tô Ánh Nguyệt để nghe má Hồng Nga như rút ruột, hớp hồn người nghe. Tôi cũng thường xuyên mở lại các băng đĩa có thầy Bạch Long, nhìn động tác quăng giáo của thầy khi diễn Phạm Cự Chích vở Bão táp Nguyên Phong… Tôi xem để học ca diễn, cũng để ra nhắc tuồng cho chắc…”, Châu Thành Nhân bộc bạch, với anh, người nhắc tuồng không chỉ là nhắc nghệ sĩ nhớ bài, mà còn dẫn cảm xúc, hỗ trợ nghệ sĩ thăng hoa trong ca diễn. 

Đông A

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI