Chuyện “cá hồi ngược dòng” của các startup Việt ở trời Tây

23/01/2023 - 06:11

PNO - Họ, những người trẻ chọn trở về Việt Nam để thực hiện hoài bão với điểm chung là sự khát khao cống hiến.

Để bạn nữ hẹn hò dễ dàng hơn 

Khi một người bạn biết Denise Sandquist là thành viên sáng lập trang hẹn hò Fika, anh vào ứng dụng này chọn tìm bạn nữ tuổi từ 28-30 trong vòng bán kính 1km. Chàng tìm được hồ sơ của Denise và hai người bắt đầu hẹn hò online… 

Là người Thụy Điển gốc Việt, Denise về Việt Nam tìm mẹ ruột và chọn gắn bó lâu dài ở Việt Nam cùng ý muốn giúp đỡ những bạn nữ từng giúp mình.

Denise Sandquist đã về Việt Nam tìm mẹ ruột
Denise Sandquist đã về Việt Nam tìm mẹ ruột

“Tôi hiểu áp lực phải kết hôn, sinh con theo đúng tuổi của các bạn nữ Việt Nam. Dù chịu áp lực, các bạn lại không dám làm quen với ai đó. Tôi tự hỏi tại sao bạn có thể đặt kế hoạch và cố gắng để đạt được nhiều thứ mà lại không dám chủ động chuyện hẹn hò?” - Denise nói.

Không đồng tình với quan niệm “cọc đi tìm trâu”, cô cùng Oscar Xing Luo - người bạn Thụy Điển gốc Á - sáng lập ra Fika vào năm 2020. Đây là nền tảng ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) kết nối người dùng theo sở thích riêng về mối quan hệ để giúp nữ giới hẹn hò chủ động hơn. Năm 2021, cô gọi vốn thành công được 1,6 triệu USD.

Nhóm của Denise phát hiện các ứng dụng hẹn hò thường kết nối dễ dãi, gây ra nhiều phiền toái, tiềm ẩn nguy cơ lừa đảo. Fika bắt buộc xác thực hồ sơ người dùng. Phụ nữ sẽ cảm thấy an toàn hơn khi biết mình thực sự kết bạn với ai. Người muốn hẹn hò sẽ tìm được người hàng xóm hay bạn học ở Fika. Quan trọng là họ dễ dàng vượt qua được sự ngần ngại ban đầu khi bước vào hẹn hò.

Tìm thị phần cho xe điện 

Thị trường xe máy ở Việt Nam được định giá 25 tỉ USD, nhưng hiện hầu hết là xe chạy xăng. Nguyễn Bá Cảnh Sơn - một thạc sĩ khoa học máy tính từ Silicon Valley (Mỹ) trở về đem theo hoài bão tạo ra những chiếc xe máy điện thay thế xe xăng nhưng phải mạnh như xe xăng. Anh đặt chỉ tiêu cho những chiếc xe Dat Bike có công suất, quãng đường đi được và thời gian sạc pin cạnh tranh được với xe xăng. Dat Bike - Weaver 2019 đi được quãng đường 100km, trong khi các xe máy điện cùng tầm giá chỉ được 50km là hết pin. 1 năm sau đó, quãng đường di chuyển sau 1 lần sạc của dòng Weaver 200 nâng lên gấp đôi (200km). Hiện xe Dat Bike chỉ phải sạc 1 giờ cho quãng đường 100km và 3 giờ sạc đầy cho quãng đường 200km.

Tuy nhiên, với một thị trường còn thiếu hạ tầng, công nghệ phụ trợ, startup xe máy điện non trẻ của Sơn phải chạy đua cải tiến liên tục để hấp dẫn khách hàng đã quen với các tên tuổi lâu đời và xe nhập. Sơn tiếp tục tích hợp công nghệ vào xe điện để người lái có thể đếm ngược số ki-lô-mét còn đi được với lượng pin còn lại. Mục tiêu mới của anh là phải hạ được giá thành.

Doanh thu của Dat Bike vượt con số kỳ vọng. Sơn mở rộng thị trường ra Hà Nội và Đà Nẵng. Anh cũng đưa trạm sạc siêu nhanh - Dat Charge - vào thị trường TPHCM. Anh vừa gọi vốn thành công thêm 8 triệu USD, nâng tổng số vốn Dat Bike huy động được lên 16,5 triệu USD. Điều này cho thấy các nhà đầu tư đã tin tưởng mở hầu bao cho Dat Bike trong lúc dòng vốn rẻ không còn.

Nguyễn Bá Cảnh Sơn không ngừng cải tiến để chiếc xe điện Dat Bike cạnh tranh với xe xăng
Nguyễn Bá Cảnh Sơn không ngừng cải tiến để chiếc xe điện Dat Bike cạnh tranh với xe xăng

Công nghệ lõi made in VietNam 

Chiếc xe đạp làm từ sợi carbon nặng chỉ hơn 1kg xuất hiện trên đường phố TPHCM vào tháng 10/2021. Đây là chiếc xe đầu tiên của Công ty Arevo, đóng tại khu chế xuất Linh Trung được in bằng công nghệ 3D. Người trình làng công nghệ lõi in 3D “made in Vietnam” đầu tiên không phải ai xa lạ mà chính là Lê Diệp Kiều Trang - gương mặt nổi tiếng trong ngành tài chính cùng chồng - anh Vũ Xuân Sơn, đồng sáng lập công ty. Công nghệ lõi 3D in của họ còn tích hợp với trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ tự động giúp giảm thời gian thiết kế, sản xuất…

Chiếc xe đạp làm từ sợi carbon nặng chỉ hơn 1kg
Chiếc xe đạp làm từ sợi carbon nặng chỉ hơn 1kg

Arevo xuất thân từ thung lũng Silicon (Mỹ). Khi dịch COVID-19 ở Mỹ bùng phát, vợ chồng chị Trang quyết định đưa nhà máy về Việt Nam. Nhờ công nghệ khác biệt, Arevo huy động vốn được 57 triệu USD. Nhà máy của vợ chồng Trang vận hành tự động bằng robot. Các robot được nối với nhau trên cloud (đám mây).

Chị Trang nhận định, 10-20 năm tới, AI, robot hay tự động hóa vẫn cần kết hợp với con người. Cả hai yếu tố này đều là lợi thế giúp Việt Nam có thể cạnh tranh với các nước có lao động giá rẻ khác trong khi chưa thể đối đầu với các nước đã phát triển tự động hóa hoàn toàn.

Vợ chồng chị Trang vừa hợp tác cùng một công ty Mỹ để in 3D dòng xe đạp sợi carbon theo các tác phẩm nghệ thuật NFT (vật phẩm ảo), đưa metaverse (thế giới ảo) vào hiện thực. 

Lê Diệp Kiều Trang - gương mặt nổi tiếng trong ngành tài chính
Chị Lê Diệp Kiều Trang - gương mặt nổi tiếng trong ngành tài chính

Mỹ Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI