Chương trình “Ngày xửa ngày xưa” 33 đại thắng

04/01/2023 - 19:41

PNO - Chương trình “Ngày xửa ngày xưa” 33 – vở kịch thiếu nhi "Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad - Đại chiến nàng tiên cá" (kịch bản: Quang Thảo, đạo diễn: Đình Toàn) đã kết thúc đợt diễn năm 2022 với khoảng 55 suất diễn, hơn 50.000 vé được bán ra. Đây là những con số gây bất ngờ ngay với chính người trong cuộc.

 

Chương trình “Ngày xửa ngày xưa” 33 – vở kịch thiếu nhi Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad - Đại chiến nàng tiên cá
Chương trình “Ngày xửa ngày xưa” 33 – vở kịch thiếu nhi Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad - Đại chiến nàng tiên cá đã có khoảng 55 suất diễn trong năm 2022, gần gấp đôi so với các chương trình trước.

“Ông bầu” Huỳnh Anh Tuấn cho biết, ban đầu chỉ sắp lịch 25 suất diễn hè (từ 1/7 đến 5/8), thêm 8 suất vào dịp Trung thu và Noel. Nhưng trước sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả, các suất diễn cứ tăng dần. “Mỗi đợt mở bán vé trên mạng, lượng truy cập rất đông. Có đợt ghi nhận gần 1 triệu người tranh vé, tăng gấp 4 lần so với các năm trước. Chính chúng tôi cũng giật mình về con số này” – ông Huỳnh Anh Tuấn cho biết.

Chương trình được đầu tư rất lớn với bối cảnh hoành tráng, phục trang đẹp mắt
Chương trình được đầu tư lớn với bối cảnh hoành tráng, phục trang đẹp mắt, đạo cụ sinh động... tạo sự thích thú cho khán giả nhỏ tuổi.

Với đạo diễn kiêm “kép chánh” Đình Toàn thì Ngày xửa ngày xưa 33 đạt nhiều kỷ lục khi là kỳ diễn dài nhất, nhiều suất diễn nhất và tiếp cận khán giả đông nhất từ khi chương trình ra đời (năm 2000).

“Mọi năm, chúng tôi diễn Ngày xửa ngày xưa chỉ trong dịp hè và Trung thu, năm nay đã diễn từ tháng 7 đến hết năm. Tôi nhớ, ăn khách nhất là chương trình Ngày xửa ngày xưa 12 với vở Na Tra đại náo thủy cung cũng chỉ diễn 37 suất, không ăn thua gì với đợt này. Các suất diễn không còn ghế trống, vé bán ra liên tục. Với lượng khán giả đã tiếp cận vở diễn đợt này, hẳn là kỷ lục đáng tự hào của sân khấu thiếu nhi TPHCM” – Đình Toàn chia sẻ.

Các màn ca hát, nhảy múa luôn là điểm thu hút trong các chương trình "Ngày xửa ngày xưa".

Lý giải về thành công này, đạo diễn Đình Toàn cho rằng một phần đến từ sự chờ mong của những khán giả trung thành của thương hiệu Ngày xửa ngày xưa, cũng như sự thiếu thốn “món ăn tinh thần” của người dân TPHCM, sau 2 năm hoạt động biểu diễn bị đình trệ vì ảnh hưởng của dịch bệnh. Nhưng quan trọng hơn vẫn là chất lượng, thông điệp tác phẩm “hợp gu” người xem.

“Những suất diễn đầu có thể là vì nhớ sân khấu, vì tò mò muốn biết trở lại sau 2 năm đại dịch thì Ngày xửa ngày xưa sẽ ra sao. Nhưng khi đã qua suất thứ 20 thì chắc chắn phải có gì đó cho người ta coi. Đó là chương trình được đầu tư rất lớn với dàn nghệ sĩ ngôi sao đa năng, diễn xuất, ca hát, nhảy múa, hoạt náo đều giỏi, kể một câu chuyện thần tiên, nhưng lại đánh trúng những vấn đề của tuổi mới lớn, những giá trị gia đình mà mọi người đều quan tâm” – Đình Toàn nhận định.

Với dàn nghệ sĩ ngôi sao và quen mặt với khán giả
Hơn 20 năm qua, những Thành Lộc, Hữu Châu, Mỹ Duyên, Đình Toàn, Hoàng Trinh, Lê Khánh... đã gắn với ký ức tuổi thơ rất nhiều người qua các chương trình "Ngày xửa ngày xưa".

Tuy nhiên, sự thành công ngoài mong đợi của Ngày xửa ngày xưa 33 cũng vô tình tạo áp lực cho “ông bầu” Huỳnh Anh Tuấn lẫn đạo diễn Đình Toàn và ê-kíp khi hướng đến chương trình số 34.

“Chương trình tiếp theo như thế nào thì phải đợi qua mùa diễn Tết Nguyên đán 2023 mới có thể tính tiếp. Nhưng với sự yêu thích của khán giả dành cho Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad - Đại chiến nàng tiên cá vẫn chưa hạ nhiệt, thì trong thời gian tới, rất có thể vở sẽ tiếp tục trở lại trên sân khấu Nhà hát Thanh Niên, cùng một số vở Ngày xửa ngày xưa khác cũng sẽ được phục dựng trở lại để phục vụ nhu cầu rất lớn của khán giả thiếu nhi hiện nay” – ông Huỳnh Anh Tuấn cho biết.

Đông A

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI