Chung tay phòng chống xâm hại tình dục trẻ em

05/04/2017 - 16:36

PNO - Ngay khi còn ở độ tuổi mẫu giáo, trẻ cũng cần được dạy biết nói “không” khi ai đó chạm vào vùng kín.

Sáng 4/4, tại trụ sở Hội LHPN TP.HCM, hơn 400 cán bộ Hội cấp xã, phường của TP.HCM đã tham dự hội nghị tập huấn “Kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em và hướng dẫn quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em bị xâm hại”. 

Chung tay phong chong xam hai tinh duc tre em
Học sinh tại P.2, TP.Vũng Tàu tham gia phần hỏi - đáp liên quan đến XHTD trẻ em

TĂNG CƯỜNG NHẬN THỨC CHO CÁN BỘ HỘI

Sau khi nghe ông Bùi Thái Đức - Phòng Xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc (PV28), Công an TP.HCM - hướng dẫn những việc cần làm để lưu giữ chứng cứ XHTD, chị H.T.L., cán bộ Hội ở huyện Củ Chi ngân ngấn nước mắt, kể: “Cách đây ba năm, ngày người em dâu của tôi phát giác con gái mới chín tuổi bị XHTD, gia đình sợ con gái có thai, đã bắt con tắm rửa, mua thuốc về vệ sinh vùng kín, đốt hết áo quần… Cơ quan điều tra vào cuộc thì chứng cứ không còn. Kẻ xấu ban đầu có qua nhà xin lỗi, bồi thường cho cháu 10 triệu đồng lo thuốc thang, nhưng sau khi biết không còn chứng cứ, đã trở mặt”.

Chị N.T.X., cán bộ chuyên trách công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở Q.3 cho biết, cháu ruột của chị bị XHTD nhưng không thể tố giác. Hai vợ chồng người em bận rộn, nhờ người bạn hàng xóm đưa đón con. Việc đưa đón như vậy diễn ra trong một thời gian dài. Qua những gì được học ở trường, bé hồn nhiên kể cho các bạn nghe về những hành động mà người quen của gia đình vẫn làm đối với em mỗi khi đưa đón đi học. Mẹ của bé sau khi phát hiện ra sự việc, vừa sợ xích mích, vừa sợ làm lớn chuyện sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của con nên xử lý sự việc bằng cách im lặng và dần dần tránh để con tiếp xúc với người đã từng rất thân quen đối với gia đình.

Chuyện xảy ra cách đây ba năm, đến giờ, mẹ bé vẫn cấm những người trong gia đình nói về chuyện đó với bất kỳ ai. Theo chị X., nhiều người vẫn còn ngại ngần khi nói về những chuyện liên quan đến XHTD. Thậm chí, trong trường học hiện nay, việc giáo dục kiến thức giới tính đã được chú trọng lồng vào những tiết ngoại khóa hay giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, nhưng vẫn làm chưa đến nơi đến chốn, chính thầy cô giáo cũng ngại ngùng khi trình bày với học sinh. “Ngay cả trong hoạt động của Hội PN, chúng ta vẫn truyền thông nhưng thường hay né tránh vấn đề nhạy cảm. Tư tưởng đó khiến chúng ta chưa dũng cảm đứng lên đấu tranh để bảo vệ con em mình, cũng như chống lại cái xấu” - chị X. nhận xét.

Đồng tình với ý kiến này, chị Nguyễn Thị Thanh Xuân, Chủ tịch Hội LHPN phường An Phú Đông, Q.12 cho biết, đến nay, chị vẫn ngần ngại khi đề cập đến vấn đề XHTD. “Truyền thông thế nào để mang lại hiệu quả, để chị em phụ nữ biết cách bảo vệ con mình, và để những đứa trẻ hiểu để tự bảo vệ mình thì không thể làm theo cách mà trước nay vẫn làm. Những clip truyền thông về XHTD trẻ em được xem hôm nay cho chúng tôi những cách làm mới”.

Sau buổi tập huấn, chị Trần Thị Mai Ly, Chủ tịch Hội LHPN P.6, Q.4 chia sẻ, chị thấy cần phải quan tâm nhiều hơn đến cả con trai và cháu gái. “Trước nay, tôi đã quan tâm đến vấn đề này, vẫn thường để ý, hỏi han khi con trai (11 tuổi) có những biểu hiện lạ, hay khi thấy con gái (14 tuổi) chìm đắm vào thế giới của những câu chuyện ngôn tình”. Theo chị, đôi khi sự tò mò về giới tính của tuổi dậy thì sẽ biến các em trở thành công cụ cho những kẻ XHTD. Vậy nên sự quan tâm, chia sẻ với con cái phải song song với công tác truyền thông, giáo dục giới tính cũng như phòng chống xâm hại. Chị cho biết, sẽ thực hiện buổi truyền thông về phòng chống XHTD trẻ em tại phường để hội viên, PN biết cách bảo vệ con em của mình.

GIÚP TRẺ KIẾN THỨC TỰ BẢO VỆ 

Trước đó, ngày 2/4, Đoàn Thanh niên (TN) cơ quan Hội LHPN TP.HCM cũng đã phối hợp cùng Đoàn TN Bộ đội biên phòng TP.HCM và Đoàn TN P.2, TP.Vũng Tàu tổ chức buổi nói chuyện với học sinh tiểu học và trung học cơ sở ở P.2, TP.Vũng Tàu về chuyên đề “Kỹ năng phòng, chống XHTD trẻ em”. Khi chị Lưu Mỹ Trinh - Bí thư chi đoàn cơ quan Hội LHPN TP.HCM đặt câu hỏi “các em hiểu thế nào là bị XHTD?”, cả hội trường im phăng phắc, nhiều em úp mặt xuống bàn, mắc cỡ; sau một hồi được động viên, vài cánh tay rụt rè đưa lên.

Em Hoàng Thy (học lớp 8) nói: “Là người lạ sờ mó, chạm vào mình rồi có em bé”. Ngồi cạnh đó, em Phạm Nguyễn Hoàng Yến (học lớp 8) bẽn lẽn: “Nói cái này ngại lắm. Mẹ em dặn đừng cho người lạ chạm vào mình, đừng tin người lạ”. Cứ thế, những câu hỏi về XHTD đối với trẻ em tiếp tục được gợi mở. Chị Lưu Mỹ Trinh lưu ý những hành vi “báo động” như: một người nhìn chằm chằm vào vùng kín của các em, trêu ghẹo, khen một bộ phận nào đó đẹp, đột ngột ôm từ đằng sau; người lạ cho kẹo rồi bảo các em đi theo đến nơi vắng vẻ… Nghe vậy, vài em thốt lên: “Ủa, chạm vô người với ôm cũng không được hả?”. 

XHTD trẻ em hiện đang là vấn đề đáng báo động, có vụ việc bị phát hiện mà người xâm hại lại chính là cha, ông của trẻ. Nhiều người đặt câu hỏi, không biết đâu mới là nơi thật sự an toàn để những đứa trẻ được nuôi dạy, trưởng thành. Trong khi đó, điều đáng lo ngại là đa phần học sinh cho rằng bạn nữ mới bị xâm hại, nam thì không và chỉ cần cảnh giác với người lạ mặt. Em Nguyễn Hoàng Thiện (học lớp 7) nói: “Em coi ti vi, báo, đài, thấy đưa tin bé gái bị xâm hại nhiều nên cũng hơi sợ. Nhưng, em nghĩ nam thì không bị vậy đâu”.

Chị Lưu Mỹ Trinh viện dẫn những vụ XHTD trẻ em gây chấn động dư luận thời gian qua, như vụ Mary Kay Letourmeau (giáo viên) ép buộc các bé trai quan hệ tình dục, Minh Béo (nghệ sĩ) phạm tội ấu dâm tại Mỹ, Ralph Clarke (người cao tuổi) xâm hại chín bé trai, đồng thời còn có hành vi đồi bại với các bé gái trên ca bin xe tải, sân vườn nhà riêng ở Edington (Anh)… để nhấn mạnh: kẻ xâm hại trẻ có thể là bất kỳ ai dù già hay trẻ, nam hay nữ, làm ngành nghề gì, có bề ngoại lịch lãm, hiền lành hay dữ tợn. Việc dạy trẻ “vùng cấm”, “vùng an toàn” là vô cùng cần thiết nhằm giúp các em phòng tránh, đối phó với nguy cơ bị xâm hại. Theo đó, khi mua đồ lót mặc cho con, phụ huynh nên dặn khu vực bên trong đồ lót là vùng “cấm địa”, tuyệt đối không cho ai chạm vào. Ngay khi còn ở độ tuổi mẫu giáo, trẻ cũng cần được dạy biết nói “không” khi ai đó chạm vào vùng kín. 

Được biết, từ năm 2016, Hội LHPN TP.HCM đã triển khai các buổi tuyên truyền phòng chống xâm hại cho trẻ sống tại các mái ấm, nhà mở, nhà hội nhập trực thuộc Hội Phụ nữ từ thiện TP.HCM. Trong thời gian tới, Đoàn TN cơ quan Hội LHPN TP.HCM sẽ còn tổ chức nhiều buổi tuyên truyền về vấn đề này tại các khu chế xuất, khu công nghiệp. 

NHI - LÊ - CHI - DUYÊN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI